Tăng trưởng kỳ vọng vượt mục tiêu

Theo Minh Trí/thoibaonganhang.vn

Bức tranh kinh tế năm nay sẽ rõ nét hơn khi các chỉ số kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm sẽ được công bố trong mấy ngày tới. Thế nhưng với những gì đã và đang diễn ra trong nền kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng tăng trưởng năm nay sẽ đạt, thậm chí là vượt mục tiêu đã đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Sự lạc quan trên là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào các động lực chính của tăng trưởng vẫn được duy trì. Nhìn ở phía cung, sản xuất công nghiệp tuy có chậm lại, chỉ tăng 9,28% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 10,08% của quý đầu năm; song vẫn cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Thế nhưng bù lại cho sự giảm nhẹ của công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng tới 3,93%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018; khu vực dịch vụ cũng tăng 6,90%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây.

Cả 3 khu vực này tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong các tháng sau đó. Đặc biệt là sản xuất công nghiệp, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tới 10,9% trong 7 tháng đầu năm và tăng 11,2% trong 8 tháng, đều cao hơn nhiều so với mức tăng 7,1% và 8,2% của cùng kỳ năm trước.

Còn nhìn ở phía cầu, tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện tích cực, cả cầu trong nước lẫn ngoài nước, cả phía đầu tư lẫn tiêu dùng.

Về phía đầu tư, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt tới 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017; chưa kể giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng lên tới 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2017. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công cũng đã bắt đầu tăng tốc dần trong những tháng cuối năm. Trong khi tiêu dùng cũng tăng trưởng tích cực. Theo đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng tốc dần từ mức tăng trưởng 8,3% trong 6 tháng đầu năm, lên 8,4% trong 7 tháng và 8,53% trong 8 tháng.

Đó là cầu trong nước, còn nhu cầu từ bên ngoài cũng rất mạnh. Bằng chứng là xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Tính đến hết ngày 15/9, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 168,57 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 14,5% của 8 tháng đầu năm. Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu khá lớn, tới 5,57 tỷ USD; trong khi cùng kỳ năm trước thâm hụt gần 701 triệu USD. Điều đó có nghĩa, thương mại quốc tế đang đóng góp dương cho tăng trưởng.

Những diễn biến tích cực của nền kinh tế chính là lý do mà các tổ chức trong và ngoài nước liên tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Còn nhớ hồi giữa tháng 6, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018 mới với các dự báo lạc quan hơn 2 kịch bản mà Bộ này đưa ra hồi đầu tháng 4 trước rất nhiều. Cụ thể, ở kịch bản cơ sở là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, Trung tâm này dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,83%; còn ở kịch bản cao, tăng trưởng có thể đạt tới 7,02%. Trong khi trước đó, ở kịch bản cơ sở, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ dự báo tăng trưởng khoảng 6,7% và kịch bản cao là 6,8%.

Trong báo cáo cập nhật về viễn cảnh kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 lên 6,8%, cao hơn 0,03 điểm phần trăm so với dự báo mà định chế này đưa ra hồi tháng 4. Trong báo cáo mới đây, ngân hàng ANZ cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,8% trong năm 2018, cao hơn so với mức 6,7% như dự báo cuối năm ngoái. Đặc biệt, tại báo cáo Bổ sung Triển vọng phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam có thể đạt tới 7,1%.

“Nhờ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, dự kiến năm 2018 kinh tế tăng trưởng 7%”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại một hội nghị vừa diễn ra mới đây.

Tuy nhiên, như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, tuyện đối không được chủ quan mà các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát yêu cầu, tình hình thực tiễn, tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ đã đề ra.