Tăng trưởng xuất khẩu 2016: Khó đạt mục tiêu

Theo enternews.vn

Với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (9,2%), mục tiêu phấn đấu để kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 181,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015 là khó khả thi!

Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn

Tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 8/8, đại diện Vụ Kế hoạch cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 ở mức thấp, chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015 (7 tháng năm 2015 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 27,93 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 68,9 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 7 năm 2016 giảm 1% so với tháng trước và giảm 1,3% so với tháng 7 năm 2015. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 95,03 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 39,64 tỷ USD, tăng 1,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 55,4 tỷ USD, giảm 2,4%.

Theo đại diện Vụ Kế hoạch, nguyên nhân khiến tăng trưởng xuất khẩu vẫn ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu của nhiều bạn hàng của ta trên thế giới đang suy giảm. Trong tháng 7, chỉ có xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 0,1% còn 2 nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và công nghiệp chế biến đều suy giảm.

Trước thực tế này, ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ công thương đề nghị cần rà soát các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Các Tập đoàn EVN, PVN, TKV… cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng; không bị động trong cung ứng điện; đẩy mạnh sản xuất dầu khí, than… Tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu…

Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trên thế giới và trong nước tháng 7 và 7 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn và chưa vững chắc…, nên khả năng đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2016 là rất khó.

Và, để đẩy mạnh xuất khẩu, trong những tháng cuối năm, ngành Công thương sẽ tập trung vào các giải pháp sau:

Về sản xuất công nghiệp:Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất.

Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện các giải pháp cụ thể như: giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu; Tiếp tục triển khai có hiệu quả và có trọng tâm Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”…

Về phát triển thị trường trong nước: Bám sát diễn biến thị trường trong nước; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để bảo đảm kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý (dưới 5%) theo chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra. Chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ.

Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ thực hiện một số biện pháp khác như: Tích cực tuyên truyền về các lợi ích do các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại cũng như các giải pháp nhằm tận dụng những lợi thế đó; Tiếp tục tổ chức các Khóa đào tạo Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục rà soát và tập hợp các vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tập trung nguồn lực để bảo đảm hoàn thành có chất lượng 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chương trình công tác năm 2016 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao…