Tăng trưởng xuất khẩu: Kỳ vọng và thực tế

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2016, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% đã không đạt. Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, PGS.TS. Phạm Tất Thắng để làm rõ hơn những giải pháp nhằm gỡ nút thắt xuất khẩu năm 2017 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khắc phục “căn bệnh cố hữu”

Phóng viên: Năm 2016, nhiều hiệp định thương mại đã ký kết có hiệu lực, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lại không được như kỳ vọng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

PGS.TS. Phạm Tất Thắng: Đến thời điểm này, có thể khẳng định tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% như mục tiêu đề ra.

Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, là sự giảm sút của nền kinh tế thế giới gần 10 năm trở lại đây ảnh hưởng đáng kể đến thương mại toàn cầu, trong đó có xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là những bất ổn chính trị tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giá giảm. Nguyên nhân nữa là biến động khó lường về giá dầu, về tỷ giá, tiền tệ của các nước tác động tiêu cực đến giá của hàng hóa Việt Nam so với các nước đối thủ. Đó là những yếu tố mang tính chất khách quan cần phải nhìn nhận.

Bên cạnh những yếu tố khách quan thì những nguyên nhân nội tại nào cần khắc phục để tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm tới, thưa ông?

Ngoài những tác động khách quan, xuất khẩu Việt Nam còn tồn tại những “căn bệnh cố hữu”. Nhiều năm qua, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta chủ yếu “thiên” về lượng, xuất khẩu dưới dạng thô như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô. Nếu tiếp tục như vậy thì đến một ngưỡng nhất định sẽ không thể mở rộng được thị trường. “Căn bệnh” này đã được nhìn nhận từ lâu nhưng chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Thêm vào đó, chúng ta còn phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường, do vậy khi các thị trường này có biến động lập tức ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Thậm chí, gần đây xuất hiện thêm hiện tượng phụ thuộc vào một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như việc Samsung thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 đã tác động mạnh tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đó là những yếu tố kìm hãm cần loại bỏ để hoạt động xuất khẩu của nước ta không chỉ tăng trưởng về tốc độ mà còn tạo được uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Những tín hiệu tích cực...

Với diễn biến trong năm qua, những yếu tố nào sẽ tác động tới xuất khẩu năm 2017, thưa ông?

Trong năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã bắt đầu có hiệu lực như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Điều quan trọng là phải có sự chuẩn bị để điều chỉnh hoặc tận dụng lợi ích mà các hiệp định này mang lại. Cùng với đó, giá dầu thô thế giới được dự báo là sẽ tăng trong năm 2017, hệ quả là sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế thế giới, tạo ra nhu cầu nhập khẩu, nhờ đó xuất khẩu của Việt Nam sẽ có bước cải thiện rõ rệt.

Theo ông, những nỗ lực của Nhà nước trong việc tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ… sẽ hỗ trợ như thế nào cho xuất khẩu năm nay?

Năm 2017, chủ trương tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, đặc biệt tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đi vào thực tế sẽ mang lại những tác động đáng kể, đặc biệt, đầu tư cho các ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, đồ gỗ, chế biến cà phê, cao su, cá basa, tôm… bắt đầu được thực thi. Điều này sẽ tạo nên “luồng gió mới” cho hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các hiệp hội và một số doanh nghiệp lớn sẽ góp phần hình thành liên kết trong xuất khẩu, không còn tình trạng rời rạc, mạnh ai nấy làm như trước. Với những tín hiệu khả quan đó, tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 từ 6 - 7% là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Vậy bản thân doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, thưa ông?

Yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, càng hội nhập sâu, hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ, dần dần về mức 0-5% nhưng ngược lại hàng rào phi thuế quan, như biện pháp phòng vệ thương mại, quy định về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… sẽ được dựng lên. Vì thế, doanh nghiệp cần hiểu rõ các rào cản này đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà doanh nghiệp hướng tới; chuẩn bị điều kiện về thông tin, hiểu biết về pháp lý… để đối mặt với những xung đột pháp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, doanh nghiệp nên thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với cộng đồng người Việt tại nước ngoài và quan tâm hơn nữa tới nguồn nhân lực để nâng cao khả năng xử lý trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Xin cảm ơn ông!