Tăng vốn, tăng áp lực

Theo ĐTCK

Mặc dù gặp phải không ít khó khăn, song kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng của các ngân hàng (NH) quy mô vừa và nhỏ cũng đã hoàn tất trước khi lộ trình tăng vốn theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP khép lại. Nhưng diễn biến thị trường đã tạo ra không ít áp lực cho các ngân hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn tăng thêm 2 năm qua.

Vốn khó sinh lãi…
Vốn điều lệ tăng thêm là điều kiện tốt cho các NH gia tăng cơ hội phát triển tín dụng, nhiều đơn vị đã đề ra mục tiêu tăng tưởng tín dụng ở mức khá cao trong năm nay. Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế còn những khó khăn, tăng trưởng tín dụng vẫn là bài toán khó giải. Trải qua 2 tháng đầu năm, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, trần cho vay còn 10,5%/năm, cộng với chủ trương hỗ trợ 4%/năm lãi suất của Chính phủ, nhưng theo các NH, dư nợ tín dụng vẫn tăng chậm.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP. HCM, tính đến cuối tháng 2/2009 tổng vốn huy động của các NH trên địa bàn ước đạt 587.513 tỷ đồng, tăng 20,2% so cùng kỳ năm 2008; còn dư nợ tín dụng đạt 501.069,1 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ và chỉ tăng khoảng 0,7%/năm so với tháng trước đó. Số lượng khách hàng đăng ký tham gia vay vốn theo chủ trương kích cầu có gia tăng, song nguồn vốn giải ngân chưa thực sự như mong muốn.
Mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch để tăng thêm thị phần là rất cần thiết khi ngành NH đang dần hội nhập. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường trong năm qua cũng như năm nay, nếu mở rộng mạng lưới hoạt động tràn lan sẽ bị lỗ. Theo kế hoạch phát triển mạng lưới hoạt động, tổng số điểm giao dịch trong hệ thống SCB đến cuối năm 2008 là 118 điểm. Song do ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế và các điều kiện thực tế như chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế việc cấp phép mở chi nhánh NH của cơ quan quản lý, nên cuối năm ngoái, toàn hệ thống SCB chỉ có 88 điểm giao dịch.
Trong quý I/2009, VietBank đã khai trương các chi nhánh tại TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo kế hoạch, VietBank sẽ có khoảng 30 điểm giao dịch vào cuối năm 2009.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch HĐQT VietBank cho biết, số vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008 đã được Ngân hàng sử dụng một phần để mua sắm tài sản cố định, còn lại đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, ông Hưng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, áp lực sử dụng vốn sẽ khó tránh khỏi đối với các doanh nghiệp nói chung, trong đó có ngành ngân hàng.
…Nhưng vẫn phát hành thêm
Theo kế hoạch đã thông qua ĐHCĐ, vốn điều lệ của SCB năm 2009 đạt 3.374 tỷ đồng; tổng tài sản 41.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng; huy động vốn 37.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng 27.500 tỷ đồng. SCB sẽ triển khai thành lập mới 12 chi nhánh (bao gồm chuyển 5 phòng giao dịch thành chi nhánh) và 57 phòng giao dịch trên cả nước, nâng tổng số điểm giao dịch trong hệ thống đến cuối năm lên 153 điểm.
Còn kế hoạch dự kiến trình ĐHCĐ trong ngày 16/3 tới của Sacombank, năm nay vốn điều lệ của Ngân hàng tăng 26%, đạt 6.445 tỷ đồng (vốn điều lệ của Sacombank tính đến cuối năm 2008 đạt mức 5.116 tỷ đồng). Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay của Ngân hàng ở mức 50% so với năm trước, nhưng đảm bảo tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%; lợi nhuận dự kiến thu về năm nay đạt 1.600 tỷ đồng, cao hơn mức thu về (sau khi điều chỉnh) trên 1.200 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Sacombank còn cho biết, sẽ phát hành thêm 40% trái phiếu chuyển đổi trong thời hạn 2 năm kể từ khi phát hành. Dự kiến, đến năm 2010 - 2011, 40% trái phiếu này sẽ được chuyển đổi sang cổ phiếu STB. Trong 2 tháng đầu năm 2009, Sacombank thu về 223 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập tất cả các khoản dự phòng về rủi ro tín dụng và dự phòng giảm giá chứng khoán... Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, nguồn vốn tăng thêm được sử dụng vào mục tiêu phát triển của Ngân hàng trong năm nay và năm tới. Sacombank cũng dự kiến mở thêm 31 điểm giao dịch trong năm 2009.
Theo kế hoạch năm nay, DaiA Bank phấn đấu đạt tổng tài sản 10.000 tỷ đồng; vốn huy động 7.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng 6.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng; phát triển 25 điểm giao dịch. Với tổng vốn điều lệ tăng thêm thành 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008, Ngân hàng dùng 300 tỷ đồng đầu tư hiện đại hóa hệ thống - xây dựng cơ bản - phát triển mạng lưới truyền thống; dùng 200 tỷ đồng đưa vào vốn kinh doanh sinh lợi. DaiA Bank còn dự kiến tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2009.
Vẫn biết trong thời điểm khó khăn này, áp lực sử dụng vốn tăng thêm một cách hiệu quả là không dễ, đó là chưa kể áp lực phải tăng lợi nhuận tương ứng để duy trì tỷ lệ cổ tức cho cổ đông. Nhưng trong hoạt động NH, một NH quy mô lớn vẫn tốt hơn NH quy mô nhỏ, bởi sức chống đỡ tốt hơn. Chính vì vậy, dù có khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn tăng vốn khi cổ đông vẫn chịu... góp thêm tiền.