Tạo áp lực cải cách

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, tăng trưởng trong năm 2018 đã có những cải thiện về chất lượng; mô hình tăng trưởng có thay đổi tích cực. Song, để duy trì đà tăng trưởng này, cần tiếp tục tạo áp lực cải cách. Đồng thời, phải tạo động lực để những người thực thi công vụ thấy rằng, nếu làm đúng thay đổi thì hưởng lợi thay vì tìm kiếm lợi ích bằng việc gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quan trọng là thay đổi cách thức tăng trưởng

Phóng viên: Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả tích cực. Vậy dưới góc nhìn của ông thì thế nào?

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung

Ông Nguyễn Đình Cung: Tăng trưởng năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua là một mức rất quan trọng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự thay đổi cách thức tăng trưởng. Điều đó quan trọng hơn mức tăng trưởng.

Thứ nhất, khác biệt đầu tiên cần phải nhấn mạnh là tăng trưởng của chúng ta không dựa vào gia tăng tín dụng, mà bắt đầu dựa nhiều vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Thực tế, đầu tư của khu vực này cũng gia tăng nhiều hơn, chiếm tới 43% tổng đầu tư xã hội. Đồng thời tăng trưởng đầu tư của khu vực này cũng là mức tăng trưởng cao nhất.

Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đã xuất hiện, không chỉ ở ngành nghề truyền thống mà đã chuyển sang ngành nghề công nghệ, công nghiệp chế tác chế tạo và rất nhiều doanh nghiệp thành công trong đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Thêm vào đó, tăng trưởng cũng dựa nhiều hơn vào yếu tố tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí cho doanh nghiệp bởi chúng ta đã thực hiện những cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là mức tăng trưởng cao, bền vững hơn, chất lượng hơn so với việc thúc đẩy cầu của nền kinh tế bằng việc gia tăng tín dụng, kích thích đầu tư như những năm trước.

Thứ hai, tăng trưởng dựa nhiều vào phần cung và các ngành nghề lợi thế. Cụ thể là dựa vào khai thác nhiều hơn những cơ hội phát triển của khu vực nông lâm ngư nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, thay đổi cách thức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đây là ngành thực sự lợi thế và tới đây cần tiếp tục phát huy.

Thứ ba, khác biệt trong tăng trưởng của năm nay so với các năm trước là kim ngạch xuất khẩu có thặng dư thương mại lớn nhất từ tước tới nay. Thặng dư này có ý nghĩa hơn nhờ sự đóng góp nhiều hơn của khu vực kinh tế trong nước.

Tóm lại, những khác biệt nói trên cho thấy tăng trưởng của chúng ta đã có những cải thiện về chất lượng; mô hình tăng trưởng có thay đổi tích cực; năng lực, khả năng chống chịu của nền kinh tế đã được cải thiện hơn so với trước. Khu vực kinh tế trong nước đã lớn mạnh hơn. Đó là những điểm cần được bổ sung thêm về tăng trưởng của năm qua.

Nếu coi những khác biệt đó chính là nền tảng tăng trưởng, ông có cảm thấy yên tâm về nền tảng này?

Chúng ta liên tục phải củng cố các nền tảng đó. Với xu hướng cải cách như hiện nay và cách thức Chính phủ điều hành cũng như cách thức mà những Nghị quyết của Đảng đã ban hành, với thay đổi tư duy dần dần trong hệ thống thì tôi tin những nền tảng đó sẽ tiếp tục được củng cố và phải được xây dựng thêm. Tôi kỳ vọng tăng trưởng phải đạt 10%.

Hưởng lợi từ cải cách thay vì từ cản trở

Một trong những nền tảng được ông nhắc đến ở trên là cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh. Vậy nhưng chính trong báo cáo của CIEM cho thấy chỉ có khoảng 30% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi mang tính thực chất. Vậy trong thời gian tới, cải cách cần được thực hiện thế nào để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng?

Đầu tiên phải khẳng định cải cách để cải thiện kinh tế năm 2018 đã tạo sự khác biệt đột biến so với trước đây. Khác biệt đầu tiên xét về mặt văn bản là đã bãi bỏ, đơn giản hóa hơn 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhưng chúng tôi đánh giá có hiệu lực thực tế chỉ khoảng 30%. Tất nhiên, so với kỳ vọng và thực tiễn cần giải quyết thì vẫn còn khoảng cách rất xa.

Thứ nữa, việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh phần lớn được thực hiện trong quý IV.2018. Nghĩa là, những nghị định đó chưa có hiệu lực hoặc chưa có tác động trên thực tế nên chưa cảm nhận được. Việc bãi bỏ chỉ là một phần của cải cách, phần lớn trong số đó là đơn giản hóa. Muốn thay đổi thì phải thay đổi cách thức thực hiện trên thực tế.

Điều này đồng nghĩa phải chờ hướng dẫn của các bộ, ngành rằng đã bãi bỏ cái gì, đơn giản hóa ở nội dung nào, cách thức thực hiện ra sao. Sau khi có hướng dẫn sẽ triển khai thực hiện, đòi hỏi phải thay đổi thái độ và cách thức thực hiện cũng như thay đổi về cách thức tiếp nhận sự thay đổi đó trên thực tế. Song, nhiều người có liên quan không sẵn sàng thay đổi. Họ chỉ thay đổi khi bắt buộc.

Vậy cách nào để thay đổi điều này, thưa ông?

Phải yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thộc Trung ương chỉ đạo, “gây sức ép” đối với giám đốc các sở, từ đó gây sức ép và giám sát cán bộ, nhân viên dưới quyền thực hiện cải cách. Nhưng sức ép hành chính chưa đủ mà cần cả sức ép của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Các hiệp hội và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc này vì đó là lợi ích của họ, để buộc những người có liên quan phải thực hiện cải cách.

Đồng thời, phải thực hiện cải cách bên trong thông qua tạo động lực mạnh để cán bộ thi hành thấy rằng: Nếu làm đúng thay đổi thì hưởng lợi thay vì tìm kiếm lợi ích bằng việc gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ khi đó, chúng ta mới kỳ vọng thay đổi trên giấy tờ có đầy đủ hiệu lực thực tế, thậm chí chính những người này sẽ “dội” lại rằng cái gì vướng mắc và cần thay đổi.

Theo ông, trở lực lớn nhất đối với tăng trưởng hiện nay là gì?

Đó là thay đổi tư duy.

Xin cảm ơn ông!