Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

PV.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 kết thúc tốt đẹp vào chiều ngày 11/11/2017. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Trong đó, các nhà Lãnh đạo APEC thống nhất cùng nhau hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững; Tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC chụp ảnh chung trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC chụp ảnh chung trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Tạo động lực mới cho hợp tác APEC

Các nhà Lãnh đạo APEC quyết tâm cùng nhau hành động mạnh mẽ liệt hơn nữa để tạo động lực mới cho hợp tác APEC nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Tăng cường liên kết kinh tế khu vực, phát huy mọi tiềm năng tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Một phần tư thế kỷ kể từ Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần đầu tiên, APEC đã chứng tỏ là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở châu Á – Thái Bình Dương, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế; là vườn ươm ý tưởng cho hợp tác kinh tế tương lai, cơ chế phối hợp giữa các hiệp định thương mại và là nhân tố lãnh đạo hàng đầu thế giới trong xử lý những vấn đề cấp bách.

Tuyên bố Đà Nẵng khẳng định: Gần ba thập kỷ qua, APEC đã góp phần duy trì tăng trưởng và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua đó tạo hàng triệu việc làm và giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo. Chúng tôi gặp nhau vào thời điểm tình hình khu vực và thế giới đang chứng kiến những thay đổi căn bản và phức tạp, với sự nổi lên của những thách thức và cơ hội có ảnh hưởng sâu rộng. Kinh tế khu vực và thế giới phục hồi vững chắc hơn, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về trung và dài hạn.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những tiến bộ về công nghệ cũng đang thay đổi bản chất việc làm, biến đổi xã hội cũng như phương thức kết nối và tương tác của chúng ta. Thương mại, đầu tư đã mang đến cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương sự thịnh vượng chưa từng có, nhưng các thách thức nghiêm trọng vẫn còn tồn tại. Vì vậy, các nhà Lãnh đạo  APEC tái khẳng định cam kết tăng cường nỗ lực xây dựng tương nỗ lực lai chung về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, liên kết và thịnh vượng.

“Chúng tôi ủng hộ Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, hướng tới tăng trưởng bao trùm”, khẳng định điều này, tại Tuyên bố Đà Nẵng, các nhà Lãnh đạo APEC cam kết sẽ tiếp tục triển khai sứ mệnh của APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hợp tác và hành động đứng phó với những thách thức mới

Nhận thức về những thách thức quan trọng mà các nền kinh tế APEC đang đối mặt, các nhà Lãnh đạo APEC nhất trí cam kết cùng hợp tác và thực hiện những hành động sau:

Thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững

Tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu và đổi mới sáng tạo: Tuyên bố Đà Nẵng khẳng định lại mong muốn hướng tới tăng trưởng cân bằng, bao trùm, bền vững, sáng tạo và bảo đảm an ninh trong khu vực APEC, thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu, riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tăng trưởng chất lượng.

Nhấn mạnh rằng cải cách cơ cấu đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng cân bằng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, các nhà Lãnh đạo APEC cam kết sẽ tăng cường liêm chính trong các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, chống tham nhũng và hối lộ, không chứa chấp các quan chức tham nhũng và các tài sản liên quan; Chỉ đạo các quan chức phụ trách kinh tế và tài chính phối hợp soạn thảo Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2018 về Cải cách cơ cấu và cơ sở hạ tầng.

Các nhà Lãnh đạo APEC cũng đề cao tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ như những động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế và thương mại, đầu tư quốc tế bền vững trong khu vực APEC. Đồng thời, Khuyến khích tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại liên quan đến năng lượng, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng tin cậy và chi phí phù hợp, và thúc đẩy các nguồn năng lượng bền vững, sạch và hiệu quả, đóng góp cho việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu…

Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong một thế giới toàn cầu hóa: Thông qua Chương trình nghị sự APEC về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội làm định hướng cho các nội dung hợp tác, các nhà Lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy tiến bộ hướng tới việc bảo đảm việc làm đầy đủ, năng suất và chất lượng và trả lương công bằng cho cùng công việc; Bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính, cũng như tăng cường kiến thức và kỹ năng cơ bản và khả năng tiếp cận về tài chính cho tất cả mọi người, tiến tới đạt được và duy trì tăng trưởng thu nhập bền vững cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác, cho phép họ có thể nắm bắt những cơ hội toàn cầu…

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong kỷ nguyên số: Thông qua Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên Số, các nhà Lãnh đạo APEC cam kết tăng cường phát triển nguồn nhân lực, bao gồm thông qua giáo dục và học tập suốt đời, giáo dục và đào tạo nghề và kỹ thuật, đào tạo lại và nâng cao tay nghề nhằm tăng cường khả năng được tuyển dụng, tính lưu động và năng lực sẵn sàng của lao động trong kỷ nguyên số; Bảo đảm rằng những chính sách tích cực đối với thị trường lao động có thể kết nối tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động với những khía cạnh của phát triển và đào tạo kỹ năng.

Tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực

Thúc đẩy thương mại, đầu tư mở và tự do: Các nhà Lãnh đạo APEC nhất trí đẩy nhanh nỗ lực xử lý các rào cản thương mại và đầu tư không phù hợp với WTO và có các hành động cụ thể để có thể hoàn thành các mục tiêu Bô-go vào năm 2020; Cam kết cùng hành động hơn nữa để thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Hợp tác nhằm phát huy hết tiềm năng của kinh tế mạng và kinh tế số, bao gồm thông qua các khuôn khổ chính sách và quy định phù hợp, có tính tới cạnh tranh công bằng để khuyến khích đầu tư và đổi mới sáng tạo; Nỗ lực nhằm giải quyết các rào cản đối với cạnh tranh hay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp doanh nghiệp trong các thị trường dịch vụ.

Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP): Tại Tuyên bố Đà Nẵng, các nhà Lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết thúc đẩy một cách toàn diện và có hệ thống tiến trình hướng tới hiện thực hóa FTAAP nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến trình hội nhập kinh tế khu vực của APEC. Đồng thời, khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục có bước tiến và xây dựng các chương trình công tác nhằm cải thiện năng lực của các nền kinh tế APEC tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện trong tương lai.

Hệ thống thương mại đa phương: Hoan nghênh việc đưa Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TFA) của WTO đi vào hiệu lực, các nhà Lãnh đạo APEC cam kết cùng hợp tác để cải thiện hoạt động của WTO, nỗ lực để đảm bảo việc thực thi hiệu quả và kịp thời các quy định của WTO; Phấn đấu xây dựng một môi trường thuận lợi cho đầu tư, đảm bảo một sân chơi công bằng thông qua duy trì sự lãnh đạo của APEC trong quá trình theo đuổi các thị trường mở. Cùng với đó, các nhà Lãnh đạo APEC cũng cam kết không gia tăng bảo hộ đến hết năm 2020 và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm mọi tập quán thương mại không công bằng và ghi nhận vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp.

Tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm ở khu vực và tiểu vùng: Khẳng định lại cam kết xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kết nối và hội nhập toàn diện, thông suốt vào năm 2025, các nhà Lãnh đạo APEC hoan nghênh nỗ lực của các nền kinh tế thúc đẩy hợp tác nhằm đẩy mạnh phối hợp chính sách, thuận lợi hóa thương mại, kết nối, tài chính và giao lưu nhân dân. Đồng thời, nhấn mạnh nhu cầu cần xây dựng các chính sách tận dụng được tối đa các chuỗi giá trị toàn cầu.

Các nhà Lãnh đạo APEC cũng khuyến khích tăng cường nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế đang phát triển và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia hiệu quả hơn, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn và tiến lên vị trí cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu; quyết tâm hoàn thành mục tiêu đạt được 800 triệu khách du lịch đến khu vực APEC vào năm 2025; tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai thông qua công tác giảm nhẹ hậu quả thiên tai, khả năng sẵn sàng, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, và các nỗ lực ứng phó và phục hồi sau thiên tai…

Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhấn mạnh vai trò then chốt của APEC trong việc bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, các nhà Lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết hình thành hệ thống lương thực APEC bền vững vào năm 2020; Hoan nghênh việc thông qua Kế hoạch hành động Nhiều năm về Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, kêu gọi các nền kinh tế tiếp tục hợp tác để thúc đẩy nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững.

Các nhà Lãnh đạo APEC cũng cam kết hành động để củng cố thị trường lương thực, các tiêu chuẩn thực phẩm và kết nối chuỗi cung ứng lương thực khu vực nhằm giảm chi phí thương mại lương thực, nâng cao tính minh bạch của thị trường và giúp các nền kinh tế nhập khẩu cũng như các nền kinh tế xuất khẩu lương thực thích ứng trước những biến động về giá lương thực; Cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác APEC về quản lý tổng hợp và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất, rừng, biển và nước, thông qua những nỗ lực chung và hợp tác xuyên biên giới.

Cùng vun đắp tương lai chung

Đánh giá cao các thảo luận về APEC hướng tới 2020 và tương lai được khởi xướng tại Pê-ru năm 2016 và tiếp tục được triển khai tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thời hạn hoàn thành các Mục tiêu Bô-go đang tới gần và APEC sắp bước sang thập kỷ thứ 4, các nhà Lãnh đạo APEC kỳ vọng APEC sẽ tăng cường nỗ lực đạt được đầu tư và thương mại mở và tự do ở khu vực vào năm 2020 và xây dựng một tầm nhìn chiến lược, tham vọng và hành động cho tương lai của APEC. Từ đó, tái khẳng định cam kết lâu dài nhằm đảm bảo một châu Á - Thái Bình Dương năng động, bao trùm và thịnh vượng.

“Chúng tôi cam kết cùng tăng cường hành động hơn nữa APEC tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc kinh tế khu vực. Trong một thế giới ngày càng liên kết, chúng tôi cam kết thúc đẩy hợp tác và phối hợp với các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực khác; Tăng cường vai trò lãnh đạo toàn cầu của APEC trong xử lý những thách thức kinh tế cấp bách”, các nhà Lãnh đạo APEC thống nhất tại Tuyên bố Đà Nẵng.