Tạo dư địa cải cách theo chiều sâu
Với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong năm 2017, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2018 được nhận định là còn khiêm tốn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, mục tiêu tăng trưởng hợp lý, thận trọng, có tính khả thi là cần thiết nhằm hướng đến sự phát triển bền vững cho các năm sau.
Kỳ vọng tăng trưởng cao hơn
Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và nền tảng kinh tế vĩ mô đang dần được cải thiện, nhiều người kỳ vọng tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước sẽ được hiện thực hóa trong năm 2018. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,7% - mức tăng thấp hơn so với năm 2017.
Đã có những ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2018 dường như còn “khiêm tốn” khi năm 2017 được coi là một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với riêng GDP, nếu không tính khai khoáng, tăng trưởng năm 2017 theo tính toán có thể đạt tới 7,9% - một con số ấn tượng ghi nhận sự gia tăng chủ yếu về tiêu dùng. Đặc biệt, sự phục hồi của nền kinh tế được minh chứng rõ nhất qua con số gần 127.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và khoảng 26.500 DN vốn tạm ngừng đã trở lại hoạt động trong năm 2017. Đó là chưa kể, số liệu mới nhất được công bố về số lượng DN thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2018 cũng ghi nhận những kết quả tích cực với gần 18.703 DN, số vốn đăng ký đạt hơn 197 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% về số DN và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Hứng khởi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN là điểm sáng tích cực nhất ghi nhận hiệu quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây chính là động lực, mà theo nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế, sẽ tạo đà thuận lợi để nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2018.
Vậy mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2018 có thực sự hợp lý?
Hướng đến phát triển bền vững
Thừa nhận nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), những thách thức nội tại của nền kinh tế như nợ công tăng cao, ngân sách eo hẹp trong khi kế hoạch đầu tư phát triển lại cần lượng vốn rất lớn... sẽ vẫn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Năm 2018, ngoài những thách thức này, việc xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc nền kinh tế; cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn cũng là câu chuyện cần phải tính tới. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng năm 2018 đã được đặt ra với sự thận trọng cần thiết để có thể đạt được.
Chưa kể, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao có thể sẽ tạo áp lực tăng trưởng trong ngắn hạn, nên với mức tăng trưởng “bình thường” theo như lời của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạo điều kiện cho những dư địa cải cách theo chiều sâu. Tập trung vào những kết quả sẽ đạt được sau đó, từ đó đặt nền tảng tốt hơn cho những năm sau là việc làm cần thiết lúc này. Bởi theo ông Cung, nếu có những cải cách toàn diện, sâu rộng hơn, thì chắc chắn bức tranh kinh tế năm 2018 sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với 2017.
Thực tế, những khó khăn, thách thức của năm 2018 đã được nhận diện. Đó là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; đến DN trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh… Để thúc đẩy GDP tăng trưởng cao, những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo đột phá trong huy động các nguồn lực, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, kinh doanh cần phải được tiếp tục thực hiện với quyết tâm lớn hơn.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2018 đạt 6,7% đến thời điểm này vẫn được nhận định là một thách thức. Tuy nhiên, trước những diễn biến tích cực của nền kinh tế 2 tháng đầu năm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017 để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo. Mục tiêu này của người đứng đầu Chính phủ một lần nữa cho thấy quyết tâm cao hơn của Chính phủ trong điều hành, sẵn sàng đối đầu với khó khăn, thách thức, nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, để từ đó tiếp sức cho GDP tăng trưởng cao.