Chương trình bình ổn thị trường:

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 12/2013, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cân đối cung cầu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc với một số địa phương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Định, Vĩnh Phúc) về tình hình chuẩn bị Tết và các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các địa phương đã triển khai nghiêm túc

Về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Giáp Ngọ tại các địa phương, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Tổ trưởng tổ điều hành thị trường trong nước cho biết: nhìn chung các địa phương triển khai nghiêm túc công tác chuẩn bị Tết theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ chức năng với việc chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, lên kế hoạch tổ chức phục vụ Tết, triển khai các chương trình bình ổn thị trường, cho vay tạm trữ, bảo đảm cho nhân dân cả nước được đón Tết chu đáo, an toàn, vui vẻ. Tới nay, đã có 43/63 địa phương có báo cáo về Bộ Công Thương về kế hoạch chuẩn bị Tết, trong đó nhiều địa phương tiếp tục triển khai chương trình dự trữ hàng bình ổn thị trường.

Điểm mới của chương trình năm nay là một số địa phương đẩy mạnh xã hội hóa chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình nhưng không nhận vốn hỗ trợ hoặc kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với các Ngân hàng thương mại để vay với lãi suất ưu đãi. 

Theo báo cáo sơ bộ, tới ngày 25/12/2013 đã có 22 địa phương thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết với tổng số tiền ước tính khoảng trên 1.290 tỷ đồng). Các mặt hàng tham gia chương trình chủ yếu là các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như gạo nếp; gạo tẻ; thực phẩm tươi sống; trứng gia cầm; đường ăn, dầu thực vật...; trong đó số vốn hỗ trợ lớn nhất là Hà Nội hỗ trợ 318 tỷ đồng (năm 2012 là 376 tỷ đồng); TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 468,86 tỷ đồng vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng (năm 2012 là 282,08 tỷ đồng). Ngoài lượng hàng dự trữ với số vốn được các địa phương hỗ trợ, các doanh nghiệp, các tiểu thương, các hộ kinh doanh cũng chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tổng trị giá ước tính khoảng 180 - 200 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, nhiều địa phương đã kết hợp triển khai thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chú trọng tới việc phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng biên giới, hải đảo tiếp cận nguồn hàng. Đến nay, số lượng điểm bán hàng bình ổn của cả nước đã tới trên 9.000 điểm bán.

Để ổn định được thị trường trong nước, không thể không kể đến những kết quả tích cực của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang lại. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Qua 4 năm thực hiện chương trình của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, chương trình này đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội nhất là với các đối tượng dân cư có thu nhập thấp. Các hoạt động trong Chương trình như đưa hàng về nông thôn, phiên chợ, tổ chức điểm bán hàng bình ổn đến các khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng núi, vùng sâu vùng xa...cũng đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội nhất là với các đối tượng dân cư có thu nhập thấp. Đặc biệt, chương trình này có tác dụng trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình mà không cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước, cho thấy việc gắn trách nhiệm xã hội với lợi ích cộng đồng của các doanh nghiệp tham gia Chương trình tiếp tục được nâng cao.

Tăng cường chống công tác buôn lậu

Dịp Tết là thời điểm nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ bùng phát mạnh bởi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao. Xác định được điều này, các bộ, ngành – đặc biệt là BộTài chính và Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo cụ thể, sát sao nhằm bảo vệ người tiêu dùng và an sinh xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 15/12/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá các tháng cuối năm; Ngày 06/01/2014 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC yêu cầu ngành Thuế, Hải quan tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước có khả năng gia tăng trong dịp Tết Giáp Ngọ.

Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế quán triệt triển khai tới tất cả các đơn vị trực thuộc các cấp, các địa phương chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 127 về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trước trong và sau Tết Nguyên đán.

Ngày 06/11/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; Ban Chỉ đạo 127/TW đã có Công văn số 59/BCĐ-QLTT ngày 23/12/2013 gửi Ban Chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại…