Tạo thế và lực mới trong hoạt động thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Hoa Kỳ luôn là đối tác dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khách hàng khó tính và đòi hỏi nghiệm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam tháng 2/2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam tháng 2/2019.

Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2020), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã liên tục tăng dần qua từng năm. Đặc biệt, Hoa Kỳ luôn là đối tác dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khách hàng khó tính và đòi hỏi nghiệm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết về các giải pháp hợp lý để duy trì xuất khẩu bền vững vào thị trường này.

Ông có thể đánh giá tổng quan về những thay đổi trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Ông Nguyễn Hồng Dương: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 66,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 35% so với năm 2018.

Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Mặc dù Hoa Kỳ luôn là thị trường rất quan trọng trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhưng về cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu, có hai góc độ nhìn nhận khác nhau.

Về số lượng, tốc độ xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam tăng trưởng đáng kể, ấn tượng và nằm trong số các quốc gia hàng đầu vào Hoa Kỳ. Riêng mặt hàng, có khoảng 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn, thống kê theo kim ngạch xuất khẩu từ cao xuống thấp.

Nếu so sánh khoảng 20 năm trước đây khi hai nước thực hiện tiến trình bình thường hóa mối quan hệ thì nhóm hàng này gần như không thay đổi.

Chẳng hạn như dệt may, giày dép, sản phẩm cơ khí, điện tử, đồ gỗ, hàng thủy sản, nông sản, đồ chơi trong 20 năm qua có sự xáo trộn, thay đổi. Nếu như trước đây đứng đầu là dệt may, giày dép rồi tới các sản phẩm công nghiệp nhẹ thì đến năm 2019 dệt may đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD. Tiếp đó là điện thoại, linh kiện điện tử; sản phẩm phụ trợ.

Sự thay đổi này cho thấy, mức độ giá trị gia tăng và các mặt hàng công nghệ cao của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã có sự thay đổi rất lớn.

Ngoài ra, nếu như trước đây Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 60 nhóm hàng sang Hoa Kỳ, nhưng đến năm 2019 đã xuất khẩu tới 90 nhóm hàng.

Quan trọng hơn, 10 nhóm hàng xuất lớn nhất vào Hoa Kỳ chỉ có 1 nhóm hàng thuần túy của Việt Nam là nông sản, nông nghiệp, 9 mặt hàng còn lại là công nghiệp nhẹ, đa số do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu nên giá trị gia tăng Việt Nam được hưởng không đáng kể.

Nếu tính theo con số sơ bộ, trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 67 tỷ USD sang Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ hưởng thực tế về nhân công lao động với giá trị gia tăng khoảng 23%, còn lại là của doanh nghiệp FDI.

Hơn nữa, khi mở rộng các nhóm hàng nhỏ thì giá trị gia tăng của hàng Việt Nam nhiều hơn, giá trị thăng dư nhiều hơn nhưng về mặt tổng trị giá lại rất nhỏ, có mặt hàng chỉ vài triệu USD hoặc vài trăm triệu USD.

Dự báo thay đổi trong tương lai, xét về trung hạn, chắc chắn xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhưng chưa thể nhận định đáng kỳ vọng hay không.

Tuy nhiên, trước những biến động trong quan hệ kinh tế thế giới nhất định Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xoay chuyển trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia, nhất là Hoa Kỳ.

Hiện tại, Chính phủ Hoa Kỳ đang gia tăng xu hướng bảo hộ, để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Do đó, khi chính sách của nước lớn như Hoa Kỳ thay đổi buộc thế giới cũng phải thay đổi theo.

Ở tầm ngắn hạn, nếu nhìn con số thống kê hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong quý 1 năm nay là bức tranh màu tối vì chỉ có 2,3 nhóm hàng tăng trưởng dương, còn lại là tăng trưởng âm.

Dù vậy, dịch bệnh COVID-19 qua đi, chắc chắn xuất khẩu sẽ không được như trước, khi chuỗi cung ứng đứt gãy và không thể dự báo được đơn hàng của Hoa Kỳ sẽ được các nhà nhập khẩu thay đổi theo hướng nào. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu từng ngành hàng, mặt hàng cũng phụ thuộc vào sự tính toán của đối tác, nhằm tối ưu hóa chi phí, lợi nhuận.

Xin ông cho biết kế hoạch của Bộ Công Thương về việc cân bằng cán cân thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ trước những biến động trong thời gian qua?

Về những vấn đề xử lý nóng sau dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương đã có thông tin và công khai minh bạch với công chúng.

Về dài hạn, do thay đổi chính sách và dòng chảy thương mại, Hoa Kỳ và các đối tác quan hệ song phương, nhất là khi Việt Nam nằm trong nhóm xuất siêu sang Hoa Kỳ nên sẽ có động thái để chú ý đến Việt Nam nhằm điều chỉnh cán cân hài hòa, bền vững. 

“Bền vững” tức là đáp ứng quan hệ, nhu cầu hai nước về mặt chính sách, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng; còn “hài hòa” là không đứt gãy, tốt đẹp. Tuy nhiên, vấn đề khó ở đây là giảm nhập siêu vào Hoa Kỳ để giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ và tăng nhập khẩu từ nước này.

Thế nhưng, trong quan hệ kinh tế thị trường, thương mại quốc tế, Chính phủ không can thiệp kinh doanh của doanh nghiệp, mà do doanh nghiệp hoàn toàn quyết định.

Riêng về thương mại, Bộ Công Thương chỉ là đầu mối, bởi sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tất cả giấy phép, quản lý về mặt hành chính đã bãi bỏ gần 99%, thương mại không còn do Bộ Công Thương quản lý mà nhiều bộ chuyên ngành quản lý.

Kể cả một số đơn vị không mang tính thương mại cũng quản lý về mặt cơ sở hạ tầng như: lĩnh vực giao thông, công nghệ, quản lý dịch vụ, tiền tệ…Do đó, để xử lý các vấn đề thương mại giữa hai bên là kế hoạch hành động của nhiều bộ ngành cũng như Chính phủ Việt Nam.

Bộ Công Thương với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ (TIFA) thực hiện chương trình làm việc, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Mặt khác, Bộ tham gia tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hoạt động kinh doanh với Việt Nam, thúc đẩy các dự án đầu tư, nhập khẩu nguyên vật liệu để cán cân thương mại cân bằng hơn.

Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn về dịch vụ công nghệ, quảng bá, quảng cáo, thương mại dịch vụ; giới thiệu, mở rộng các cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hàng hóa Hoa Kỳ.

Thưa ông, mặc dù nông sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam nhưng để tiếp cận thị trường tiềm năng nhưng lại rất khó tính như Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần có chiến lược như thế nào?

Nông sản là thế mạnh của Việt Nam như tiêu, điều, gạo… và Việt Nam cũng là nước xuất khẩu một số mặt hàng đơn lẻ trên thế giới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là thị trường lớn và riêng mặt hàng nông sản Hoa Kỳ lại xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.

Vì vậy, cần xem xét kỹ lưỡng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có phù hợp với thị hiếu nhu cầu thị trường Hoa Kỳ hay không, thị hiếu và khẩu vị của người tiêu dùng nước này như thế nào. Mặc dù lượng người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ lên tới hơn 2 triệu người nhưng so với dân số nước này lại quá nhỏ.

Hơn nữa, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ khá lớn nhưng nông sản chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là xuất khẩu thô và thông qua trung gian nên giá trị gia tăng không cao.

Thống kê cho thấy, đã có 6 loại hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ với số lượng khiêm tốn vì chi phí vận chuyển lớn và công nghệ bảo quản đòi hỏi cao làm giảm tính cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều mặt hàng có thế mạnh, thích ứng tốt như cá tra có thể cạnh tranh ngang bằng với nhóm hàng đầu về đáp ứng quy trình sản xuất, quy định khắt khe của Hoa Kỳ.

Theo tôi, tiềm năng xuất khẩu của nông sản Việt Nam sang Hoa Kỳ rất lớn, nhưng để thành hiện thực doanh nghiệp phải tính đến cách thức tiếp cận. Bởi, việc kinh doanh với Hoa Kỳ phải có quy mô lớn và xác định năng lực sản xuất rõ ràng cũng như sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Do đó, doanh nghiệp phải xây dựng kho trung chuyển, lưu trữ để đáp ứng đơn hàng kéo dài chứ không phải sản xuất theo thời vụ. Mặt khác, cần tính đến năng lực giám sát quy trình sản xuất để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác.

Trước căng thẳng trong quan hệ thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc dự kiến sẽ có làn sóng dịch chuyển đầu tư. Vậy theo ông Việt Nam cần làm gì để thu hút đầu tư?

Căng thẳng trong quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc làm thay đổi chuỗi cung ứng là điều đã được tính toán bởi trong thương mại, không quốc gia nào bỏ trứng vào một giỏ.

Sự dịch chuyển, xoay chuyển dòng đầu tư của thế giới thì Việt Nam sẽ hưởng lợi nhưng cũng sẽ không như nhiều người kỳ vọng. Bởi, chỉ cần một công ty lớn của Hoa Kỳ sang Việt Nam sẽ đòi hòi về hạ tầng, nhân công và cơ chế quản lý theo đúng tiêu chuẩn của một nước lớn. Khi đó, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động đáp ứng được những nhu cầu này hay không.

Hơn nữa, khi nhà đầu tư chuyển dịch cũng khó tách bạch việc chuyển dịch do dịch COVID-19 hay vì có chiến lược kinh doanh cụ thể mới. Tuy nhiên, dù trong bất cứ tình huống nào, việc chuyển dịch làn sóng đầu tư sang Việt Nam cũng vẫn được hưởng lợi. Vậy nên, doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thế và lực mới để chủ động nắm bắt thời cơ.

Xin cảm ơn ông !