Tập trung giám sát nhóm 20% dự án, nhà máy gây ô nhiễm

PV.

Kể từ sau sự vụ Fomosa, vấn đề môi trường đã trở nên bức thiết. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung, kiểm tra, có giải pháp mạnh vào nhóm 20% đối tượng nhưng gây ra 70-80% vấn đề về môi trường”, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết.

Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung, bởi do xả thải của Formosa.
Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung, bởi do xả thải của Formosa.

Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; có 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng 5% số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

Trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất đang hoạt động thì có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Ngoài ra, có 787 đô thị với 3 triệu mét khối nước thải/ngày đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. 

Mỗi năm cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại.

Tổng Cục trưởng Tổng cục môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, sau sự vụ Fomosa, vấn đề môi trường đã trở nên bức thiết, Chính phủ đã cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan thực hiện nhiều biện pháp mạnh, kiên quyết để làm sao phòng ngừa được sự cố, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vấn đề nóng về môi trường nổi lên như thời gian qua.

Triển khai chủ trương trên, Tổng Cục Môi trường và các đơn vị liên quan sẽ xử lý các vấn đề bảo vệ môi trường trong thời gian tới theo 3 hướng. Cụ thể:

Thứ nhất, có cách tiếp cận hệ thống, bài bản, bình tĩnh. Cụ thể, trong cách tiếp cận này sẽ xem xét liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, loại hình sản xuất gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, vùng miền có những nhạy cảm về môi trường. 

Xem xét, đánh giá, giám sát vấn đề bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, giám sát xả thải của doanh nghiệp, quan trắc đánh giá, thanh kiểm tra... 

Thứ hai, gắn trách nhiệm của các bên liên quan về môi trường. 

Thứ ba, tập trung vào số ít đối tượng, mà cụ thể là nhóm 20% đối tượng nhưng gây ra 70-80% vấn đề về môi trường tại Việt Nam.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường.

Đồng thời Bộ này sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về bảo vệ môi trường, chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.