Tập trung sức tạo việc làm, giảm nghèo bền vững

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số, cũng như khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ nước và vệ sinh môi trường - đó là vấn đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam, diễn ra ngày 512, tại Hà Nội. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam sẽ tập trung sức để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững với những chính sách cụ thể”. Diễn đàn có sự tham gia của gần 300 đại biểu trong và ngoài nước.

Tập trung sức tạo việc làm, giảm nghèo bền vững
Đầu tư cho người dân vùng khó khăn phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững. Nguồn: internet
Bước phát triển ngoạn mục

Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định vĩ mô, đạt những tiến bộ qua các văn bản pháp luật được thông qua gần đây như: Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu. Cùng chung nhận định này, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam ghi nhận những tiến bộ đáng kể và sự phục hồi kinh tế: "Đây là nỗ lực đáng khen ngợi của Chính phủ nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế”.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức, dần phục hồi, hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Năm 2013 GDP ước đạt 5,4%, bình quân 3 năm 2011-2013 tăng 5,6%/năm, đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ đô la. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1960 đô la”.

Theo Thủ tướng, dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%. Đối với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng cũng cho biết, lạm phát đã giảm xuống mức một con số, từ 18% năm 2011 còn 6% năm 2013. Đặc biệt, điểm sáng nổi trội chính là kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2013, ước đạt 121 tỷ đô la, tăng 16,2%, nhập siêu giảm mạnh, năm 2013 dự kiến chỉ còn khoảng 500 triệu đô la. Vốn ODA giải ngân trong 11 tháng đạt trên 4 tỷ đô la, tổng vốn FDI tăng mạnh lên mức gần 21 tỷ đô la. 

Với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, theo Thủ tướng: Chính phủ Việt Nam đã tập trung vốn cho các dự án quan trọng và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và nâng cao trách nhiệm hiệu quả đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh: "Các ngân hàng yếu kém cũng đã được cơ cấu lại, cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Riêng Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC đã xử lý được 30-35 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Doanh nghiệp nhà nước và hoạt động của khối này đã có bước cải thiện; đến nay chỉ còn hơn 1.000 doanh nghiệp cần cổ phần hóa. 

Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua, bà Kwakwa cũng đưa ra khuyến cáo: Tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ. Nổi bật nhất trong số những thách thức đối với yếu tố con người, đó là cần nâng cao năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực và bất bình đẳng có xu hướng tăng nhẹ.

Theo bà Kwakwa, dù đã có những thành tựu hết sức ngoạn mục, nhưng hiện Việt Nam vẫn còn 19 triệu người nghèo, trong đó 75% đối tượng cực nghèo là người dân tộc thiểu số. "Trong khi thu nhập tăng trong tất cả các nhóm, thì mức thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với thu nhập bình quân của nhóm 20% nghèo nhất tăng từ 7 lần lên 8,5 lần trong giai đoạn 2004-2010”-bà Kwakwa nói. 

Còn đại diện LHQ thì nhấn mạnh một "điểm nghẽn” trong tiến trình phát triển. Đó chính là tăng trưởng kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố trong nước. "Để khai thác hết tiềm năng phát triển, Việt Nam cần trở thành một nền kinh tế có kỹ thuật cao, có khả năng cạnh tranh và hiệu quả hơn” - Đại diện LHQ nhận định, đồng thời lưu ý: "Trong bối cảnh ODA giảm, thì chính phủ cần đảm bảo nguồn lực phải được phân bổ hiệu quả và cũng cần tìm kiếm các nguồn lực khác để đạt được các kết quả trong các lĩnh vực xã hội”.

Cải cách hành chính để bình đẳng, minh bạch

Đại sứ Phần Lan Kimmo Lahdevirta, Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada và nhiều đối tác khác đề nghị: Việt Nam nên lưu ý các chính sách đối với những nhóm đối tượng yếu thế, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, và các đối tác đều cam kết sẽ nỗ lực cùng Việt Nam để góp phần thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực này ở Việt Nam.

Ghi nhận ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng GDP như đã đề ra; giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu. Cùng với đó là, tập trung sức cho phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, tham gia 6 vòng đàm phán quan trọng là TPP và FTA với đối tác khác. Đồng thời cải cách thể chế kinh tế thị trường và cải cách hành chính để tạo môi trường bình đẳng, minh bạch. Tập trung sức để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững hơn. Đặc biệt là chú trọng ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số với các chính sách cụ thể và chú trọng phát triển có tính tới sự bền vững của môi trường…

Chính phủ cam kết nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng kết hợp với giải quyết tốt khiếu nại tố cáo; tiếp tục hoàn thiện thể chế để làm tốt hơn việc bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với thiên tai, nâng cao năng lực điều hành với hệ thống công, nhằm thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ” đặt ra.