Thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

ThS. Nguyễn Thị Thu Trung, Trường Đào tạo&Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia còn lại. Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc rất lớn vào hai nền kinh tế trên, nên sự ảnh hưởng sẽ là không hề nhỏ.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.

Ngày 6/7/2018, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên. Danh sách các sản phẩm mới nhất của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bao gồm 1.102 sản phẩm với giá trị nhập khẩu 50 tỷ USD.

Về phía Trung Quốc, bắt đầu áp đặt mức thuế 25% cho 545 loại sản phẩm của Mỹ trị giá 34 tỷ USD, đe doạ áp thuế cao hơn đối với 16 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ, nhắm vào các hàng hoá năng lượng như than đá và dầu thô…

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia còn lại, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc rất lớn vào hai nền kinh tế trên, nên sự ảnh hưởng sẽ là không hề nhỏ. Vậy, chúng ta sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức gì và cần phải đưa ra những giải pháp, kịch bản nào để vượt qua những khó khăn đó.

Những khó khăn, thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt

Khi Trung Quốc và Mỹ bị hạn chế nhập khẩu hàng hoá lẫn nhau, điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, Chính phủ hai nước sẽ tìm các biện pháp tháo gỡ: Tìm cách xuất khẩu, tiêu thụ hàng hoá vào các thị trường mới; Áp dụng các chính sách để khuyến khích tiêu dùng nội địa;…Khi đó kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn:

Giảm thị phần xuất khẩu ở một số thị trường

Khi có sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, Mỹ thì hàng hóa Việt Nam thực sự sẽ khó cạnh tranh về chất lượng khi muốn xâm nhập vào thị trường các nước trên thế giới, nguy cơ mất thị phần, nguy cơ bị đào thải là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không thay đổi kịp sẽ không thể giữ được các đối tác xuất khẩu, hoặc giảm các hợp đồng xuất khẩu, nguy cơ doanh nghiệp bị thu hẹp quy mô, dẫn đến phá sản, tình trạng thất nghiệp sẽ tăng cao.

Trở thành một nước nhập siêu từ Trung Quốc, tạo khó khăn và áp lực lớn cho các doanh nghiệp nội địa

Khi Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu các mặt hàng mà Chính phủ Mỹ cấm, sang xuất khẩu vào thị trường các nước khác, trong đó có Việt Nam, khiến cho việc cạnh tranh của hàng nội địa là vô cùng khó khăn. Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ có các chính sách để tiếp tục đưa hàng hóa vào Việt Nam với rất nhiều tiêu chí được đảm bảo: Chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, người tiêu dùng sẽ tính toán, và có thể lựa chọn sử dụng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thay vì thói quen sử dụng hàng Việt, như thế sẽ khiến cho các doanh nghiệp Việt có thể thất bại ngay tại sân nhà.

Một số sản phẩm, hàng hóa của Trung Quốc đang được Việt Nam nhập về gia công, chế tác rồi xuất sang Mỹ, nếu Việt Nam tăng quy mô lớn, nhập về nhiều hơn có thể Mỹ sẽ áp dụng biện pháp điều tra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang xuất khẩu các mặt hàng đó, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế thậm chí, cấm không xuất khẩu sang thị trường Mỹ nữa.

Giảm thị phần xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thị trường Mỹ

Đây là khó khăn không chỉ dành cho các doanh nghiệp Việt Nam mà là của tất cả các Quốc gia khác trên thế giới, khi các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ thực hiện giải pháp tăng tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, với thị trường Mỹ, Việt Nam cũng có lợi thế xuất khẩu một số mặt hàng vì thế sự ảnh hưởng lại càng sâu sắc hơn. Việc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hàng hoá của Việt Nam muốn khẩu khẩu được vào hai Quốc gia này.

Để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững

Thứ nhất, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt đối với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các hiệp hội ngành nghề… nhằm xây dựng hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Chủ động các biện pháp đối phó với nguy cơ biến động tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và USD tác động tới thương mại Việt Nam. Chủ động đưa ra các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài.

Các đơn vị chức năng cũng cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực, cần sử dụng các biện pháp giải quyết và kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhằm ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu, hải quan; Sát sao phòng chống buôn, nhập lậu hàng hóa và các đội quản lý thị trường cần theo dõi kĩ hơn địa bàn.

Nghiên cứu kỹ các hàng hoá của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam để đề phòng trường hợp do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, nước này sẽ chuyển hàng sang Việt Nam, từ đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ với nhãn mác là hàng từ Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường chất lượng hàng Việt, đa dạng về hình thức, mẫu mã với giá cả phù hợp để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chúng ta cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu. Cần cập nhật danh mục hàng hoá bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tỉ giá của đồng USD và Nhân dân tệ để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời và có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thêm sang Mỹ những mặt hàng trước đây Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc. Tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, tranh thủ thời cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam cũng là việc cần làm.

Doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tiềm lực tài chính, kỹ thuật để có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, cần tập trung vào những mặt hàng đang có lợi thế, những mặt hàng không nằm trong danh sách cấm vận của cả hai bên.