Thách thức từ các FTA thế hệ mới

Theo Baodautu.vn

(Tài chính) Cùng với 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống, từ năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức tham gia vào 3 FTA thế hệ mới, đó là FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan (VCUFTA), sau khi các hiệp định này được ký kết.

Thách thức từ các FTA thế hệ mới
Các FTA trên được coi là thế hệ mới với sự khác biệt nổi trội là tính toàn diện hơn so với FTA truyền thống. Nguồn: internet
Nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán vào năm nay, cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức mở cửa vào cuối năm 2015, thì vào năm tới, Việt Nam sẽ có mặt trong gần hết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức nào?

Có thể thấy, các FTA trên được coi là thế hệ mới với sự khác biệt nổi trội là tính toàn diện hơn so với FTA truyền thống. Các FTA này không chỉ bàn tới các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ, điện tử hay các biện pháp phòng vệ thương mại như truyền thống mà quan tâm nhiều tới hoạt động đầu tư; thuận lợi hóa hải quan; hàng rào kỹ thuật thương mại; sở hữu trí tuệ; cạnh tranh; mua sắm công; phát triển bền vững; thể chế và pháp lý...

Trong tính toàn diện này, đáng lưu ý là các nội dung của các FTA này tác động rất mạnh đến thể chế kinh tế của Việt Nam.

Ví dụ, khi EVFTA có hiệu lực, có tới 90% hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU được hưởng thuế suất 0%, tạo ra lợi thế về lượng xuất khẩu và phần giá trị gia tăng thu được. Với trường hợp của VKFTA, quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được cải thiện rõ ràng.

Trong khi đó, VCUFTA sẽ nối lại quan hệ buôn bán, đầu tư có từ rất lâu và có quy mô lớn giữa Việt Nam với Nga, Belarus và Kazakhstan. Quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và 3 nước này được dự kiến cao gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng với tốc độ 18- 20%/năm và quy mô đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 7,2- 8 tỷ USD.

Khi đó, không chỉ cơ cấu hàng hóa, danh mục lĩnh vực đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác thay đổi mà cả hệ thống quy định liên quan cũng sẽ phải thay đổi để đảm bảo thích ứng với những cam kết mới.

Điều này nhìn thấy rõ nhất khi phân tích 5 cơ hội, nhưng cũng có thể gọi là thách thức của Việt Nam khi TPP được ký kết.

Một là, gia tăng xuất khẩu, nhất là dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản do thuế nhập khẩu của các mặt hàng mà nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam hoặc 11 thành viên còn lại hạ về 0%. Hai là, cân bằng được quan hệ nhập khẩu từ các thị trường khác, nhất là Trung Quốc. Ba là, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng để hưởng thuế suất thấp. Bốn là, tạo sức ép để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng… Và năm là, tạo sức ép để Việt Nam đổi mới thể chế như Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng.

Tình hình cũng tương tự khi AEC hình thành vào cuối năm 2015. Việc mở cửa cộng đồng này sẽ tạo ra cho Việt Nam sức ép phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh về nhiều mặt, trong đó có nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ; tạo sức ép đổi mới thể chế, đổi mới lần hai; tạo cơ hội để chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu...

Bên cạnh cơ hội, AEC cũng tạo ra thách thức lớn. Hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN với mẫu mã phong phú, đa dạng, chất lượng tốt; lao động kỹ thuật cao; dịch vụ thương mại phong phú, giá rẻ… sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam.

Nếu kinh tế trong nước không có sự đầu tư, đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh, thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các nước trong khu vực.

Như vậy, trong nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, đáp ứng nhu cầu hội nhập, cần tập trung vào 3 việc lớn. (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văm minh. (2) Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. (3) Nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động trên cơ sở khoa học công nghệ…