Thách thức và cơ hội của kinh tế Việt Nam sau Hiệp Định CPTPP

Theo Ngọc Ninh/thuongtruong.com.vn

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, bởi nó không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại,… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ Công Thương, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị- đối ngoại; kinh tế.

Trả lời trước báo chí Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng. Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.

Khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.

CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về sự minh bạch đối với hàng hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết chanh chấp có tính chất ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: "CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước."

ông Thái đề cập đến vấn đề quan trong khác đó là mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Hoa Kỳ không còn nữa nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Mexico... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

"Hiệp định CPTPP cũng sẽ là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ quay trở lại tham gia và sự tham gia của các nước khác".

Bộ Công Thương vẫn là chủ lực

Các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng, vai trò của Bộ Công Thương trong việc đưa CPTPP vào cuộc sống đặc biệt quan trọng, bởi đây là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao và nó liên quan đến các lĩnh vực mà Bộ Công Thương đang quản lý như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường, dịch vụ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Hiện tại Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn tất quy trình pháp lý trong nước để chuẩn bị cho lễ ký kết Hiệp định sẽ diễn ra vào ngày 8/3 tại Santiago (Chile). Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện.

 

Ngày 21/2/2018 vừa qua , các nước đã công bố văn bản bằng tiếng Anh của Hiệp định CPTPP. Cùng với các nước, Việt Nam cũng đã công bố lời văn tiếng Việt của Hiệp định tại Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Công thương. Nội dung chính của Hiệp định gồm các văn kiện:

(i) Lời văn của Hiệp định CPTPP gồm Lời mở đầu và 7 điều khoản (Điều 1- Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Điều 2-Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản, Điều 3-Hiệu lực, Điều 4-Rút khỏi Hiệp định, Điều 5-Gia nhập, Điều 6-Rà soát Hiệp định CPTPP và Điều 7-Các lời văn xác thực);

(ii) Phụ lục Danh mục một số điều khoản tạm đình chỉ thực hiện theo Hiệp định CPTPP gồm 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng theo Hiệp định này (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng). Ngoài ra, Phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với Hiệp định CPTPP đối với bảo lưu về các biện pháp không tương thích trong dịch vụ và đầu tư của Brunei và bảo lưu về doanh nghiệp nhà nước của Malaysia.