Tham gia FTA: Cần nắm rõ luật chơi

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Sau năm 2015, Việt Nam dự kiến sẽ có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 55 đối tác trên toàn thế giới và làm thế nào để các doanh nghiệp (DN) tận dụng triệt để các cam kết mở cửa thị trường và đối phó với những thách thức vẫn chưa “đong đếm” được.

Tham gia FTA: Cần nắm rõ luật chơi
Doanh nghiệp cần nắm rõ luật chơi toàn cầu hóa. Nguồn: internet

Cơ hội đi cùng thách thức

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, là một nền kinh tế đang phát triển định hướng xuất khẩu, việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhất là khi những lợi thế cạnh tranh tĩnh như chi phí nhân công thấp đang đến ngưỡng.

Cho đến nay, việc thiết lập FTA với các nền kinh tế lớn và năng động bậc nhất trong khu vực đã mang đến nhiều cơ hội lớn đối với các DN Việt Nam. Năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật Bản tăng 39,5% và 25%; sang Trung Quốc là 52% và 17%; sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%. Riêng 11 tháng năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN đạt 8%, Hàn Quốc đạt 22,2%.

“Những kết quả trên phản ánh đúng ưu thế về lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan mà nhờ đó, hàng hóa của Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận vào các thị trường thuộc các quốc gia đối tác trong FTA. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường cũng đang tạo áp lực lên nhập siêu nếu các DN Việt Nam không tận dụng triệt để các cơ hội từ FTA”- bà Phạm Chi Lan chia sẻ.

Nhập siêu của Việt Nam đang ngày càng mở rộng về số lượng thị trường và luôn chịu áp lực nhập siêu từ khu vực thị trường châu Á- Thái Bình Dương. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn chưa phát triển và sự gần gũi về địa lý của khu vực thị trường.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 11 tháng năm 2013, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đạt giá trị 21,9 tỷ USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với thị trường Hàn Quốc, nhập siêu của Việt Nam ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 46,3%.

Đáng lưu ý, với các FTA giữa Việt Nam với các nước ASEAN, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN-Trung Quốc, mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa (trừ một số ít mặt hàng nhạy cảm) cao hơn nhiều cam kết trong WTO, mức thuế giảm nhiều hơn và độ mở thị trường lớn hơn khi 90% số dòng thuế về 0% vào năm 2015, số còn lại vào năm 2018. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng hóa từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ tràn vào Việt Nam. Thực tế này đặt ra những thách thức gay gắt cho DN và toàn bộ nền kinh tế nếu không có những sự chuẩn bị để nâng cao năng lực năng lực cạnh tranh.

Nắm rõ luật chơi

Theo bà Phạm Chi Lan, để tận dụng tốt cơ hội từ FTA, các DN Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên cần giải quyết là khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường, tức là nắm rõ luật chơi. Hiện không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Điều này làm cho DN mất đi lợi thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Với các thách thức liên quan tới các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ, các DN phải tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

“Các DN, các nhà sản xuất cần tập trung nâng cao năng lực để tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng từ Trung Quốc. Tôi cho rằng các DN cần lấy năm 2015 làm mốc để xác định chiến lược kinh doanh sống còn của mình. Nếu các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, muốn có cơ hội thì họ phải thay đổi ngay từ bây giờ”- bà Lan cho hay.