Thâm hụt thương mại kéo dài, do đâu?

Hà Quang Tuyến (*) - Bùi Trinh (Theo TBKTSG)

Trong một nền kinh tế khi nói đến xuất khẩu và nhập khẩu phải được hiểu là xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Hiện nay trong nhiều báo cáo và các bài viết thường chỉ nhắc đến xuất nhập khẩu hàng hóa, mà số liệu về nhập khẩu hàng hóa được công bố trong Niên giám Thống kê (hoặc của Bộ Công Thương) thường được đo lường theo giá CIF (tức là bao gồm cả phí bảo hiểm và vận tải hàng hóa). Điều này đôi khi dẫn đến những sai sót làm khó cho công tác điều hành vĩ mô (1).

Từ năm 2000-2009 tình trạng nhập siêu hàng hóa và dịch vụ ngày càng gia tăng, nếu tính theo tiền đồng Việt Nam (theo giá thực tế) thì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm vào khoảng 36%. Còn nếu tính theo giá so sánh thì tốc độ tăng bình quân của nhập siêu từ 2000-2009 cũng vào khoảng 28% năm (còn nhập siêu hàng hóa tính theo đô la Mỹ tăng bình quân 31% năm từ 2000-2009).

 

Thâm hụt thương mại kéo dài, do đâu?  - Ảnh 1

Đặc biệt tình trạng nhập siêu hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh từ năm 2007. Nếu tính theo tiền đồng và giá hiện hành, nhập siêu năm 2007 tăng hơn 300% so với 2006, trong khi con số nhập siêu bình quân giai đoạn 2000-2006 chỉ tăng 26%/năm. Nếu loại trừ yếu tố giá, thì hai con số này tương ứng gần 200% và khoảng 20%. Điều cần lưu ý năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Một vấn đề đặt ra là nhu cầu nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất trong nước (hơn 90%), sản phẩm cuối cùng của sản xuất trong nước sẽ đi vào nhu cầu cuối cùng trong nước như tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu. Bài viết này cố gắng phân tích nguyên nhân và lượng hóa xem cái gì dẫn đến tình trạng nhập siêu ngày càng tăng trong những năm qua (2).

Để làm rõ nguyên nhân và bản chất của vấn đề, nhóm nghiên cứu tách phần tổng cầu (tổng cầu ở đây được hiểu bao gồm nhu cầu cho sản xuất hoặc nhu cầu trung gian, cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu) thành sử dụng sản phẩm trong nước và sử dụng sản phẩm nhập khẩu, từ đó tính toán định lượng ảnh hưởng của tổng nhu cầu cuối cùng trong nước đến nhập khẩu.

Hình 1 cho thấy trong giai đoạn từ 1989-2007 “chỉ số kích thích nhập khẩu” tăng từ 1,26-1,34%. Điều này có nghĩa, trong những năm đầu, khi tăng 1 đơn vị nhu cầu trong nước sẽ lan tỏa đến nhập khẩu 1,26 đồng, tuy nhiên những năm sau đó mức lan tỏa này đã tăng lên 1,34 đồng.

 

Thâm hụt thương mại kéo dài, do đâu?  - Ảnh 2

 

Thâm hụt thương mại kéo dài, do đâu?  - Ảnh 3

Chỉ số lan tỏa nhập khẩu là bình quân của chỉ số kích thích nhập khẩu theo ngành, ngành nào có chỉ số lan tỏa về nhập khẩu thấp hơn 1 có nghĩa thấp hơn mức bình quân chung của nền kinh tế và ngược lại.

Tính toán cho thấy hầu hết các ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng có chỉ số lan tỏa về nhập khẩu tăng lên theo thời gian. Đặc biệt một số ngành như ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng khác, công nghiệp chế biến nguyên vật liệu và công nghiệp chế tạo máy móc thiết bị trong giai đoạn hiện nay có ảnh hưởng lan tỏa về nhập khẩu cao hơn hẳn giai đoạn trước đó.

Kết quả trong hình 2 cho thấy cơ cấu về nhu cầu nhập khẩu giữa các yếu tố của cầu sản phẩm sản xuất trong nước thay đổi rõ rệt. Nếu trong giai đoạn trước, tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước kích thích nhập khẩu nhiều nhất thì trong giai đoạn hiện nay tích lũy tài sản từ sản phẩm sản xuất trong nước kích thích nhập khẩu nhiều nhất. Nếu tích lũy tăng thêm 1 đơn vị sản phẩm sẽ kích thích đến nhập khẩu 1,69 đơn vị sản phẩm. Điều này có thể thấy càng đầu tư không hiệu quả thì càng kích thích nhập khẩu mạnh. Nhiều nghiên cứu về hiệu quả đầu tư thông qua hệ số ICOR cũng cho thấy hiệu quả đầu tư trong giai đoạn hiện nay là khá thấp. Như vậy, có thể nói một trong những nguyên nhân gây nên nhập siêu cao là hiệu quả đầu tư thấp.

 

Thâm hụt thương mại kéo dài, do đâu?  - Ảnh 4

Ngoài ra khi tăng 1 đơn vị sản phẩm xuất khẩu sẽ kích thích đến nhập khẩu 1,5 đơn vị nhập khẩu, chỉ số này tăng lên rất lớn so với giai đoạn trước (17%). Trong khi đó tiêu dùng cuối cùng sản phẩm sản xuất trong nước kích thích đến nhập khẩu giảm so với giai đoạn trước. Nếu trong 10 năm trước tiêu dùng sản phẩm trong nước lan tỏa đến nhập khẩu là 1,4 thì trong giai đoạn hiện nay giảm xuống còn 1,26.

Hình 3 cho thấy tốc độ tăng về các chỉ số kích thích nhập khẩu của xuất khẩu và tích lũy sản phẩm sản xuất trong nước tăng lên rất ấn tượng. Điều này cho thấy khi nói “Phá giá tiền đồng để kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu” cần thận trọng hơn!

______________

(*) Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia - GSO

(1) Theo Hệ thống các tài khoản Quốc gia GDP = Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình + Chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ + Tích lũy gộp tài sản cố định + Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

(2) Nghiên cứu này dựa trên cấu trúc của nền kinh tế thông qua bảng cân đối liên ngành (bảng Input - output) được công bố bởi Tổng cục Thống kê và những lý thuyết cơ bản của Keynes và W. Leontief.