Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:

Tham vọng của doanh nghiệp Việt đủ tầm

PV.

(Taichinh) - Đối diện với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt đã và đang dốc vốn tìm thị trường ngoại, nhằm thực hiện tham vọng trở thành doanh nghiệp toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đa dạng về thị trường và lĩnh vực đầu tư

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 4/2015, Việt Nam đã có 962 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 15 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 115 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 5 tỷ USD.

Như vậy, tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm tính đến nay là 20 tỷ USD. Thị trường đầu tư ra nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại một số thị trường truyền thống như Lào (có 259 dự án với 3,9 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 27% tổng số dự án và 26% tổng vốn đăng ký đầu tư), Campuchia (có 171 dự án và 3,2 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 18% tổng số dự án và 22% tổng vốn đăng ký đầu tư).

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Liên bang Nga 18 dự án với tổng vốn đầu tư là 968 triệu USD, 2 dự án sang Venezuela với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD và 6 dự án sang Peru với tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD tổng vốn đầu tư.

Về lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: ngành khai khoáng là 111 dự án với 5,1 tỷ USD vốn đầu tư, ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 125 dự án với 2,7 tỷ USD vốn đầu tư. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Doanh nghiệp đủ tầm để hướng ngoại

Hiện nay, doanh nghiệp Việt không chỉ tập trung ở các thị trường truyền thống Lào, Campuchia mà còn mở rộng sang các quốc gia khác như :Angiêri, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ…

Riêng đối với thị trường truyền thống, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư tại Lào. Cụ thể, tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào 412 dự án với tổng vốn đầu tư 5,012 tỷ USD. Một số dự án đầu tư của DN Việt Nam triển khai nhanh, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như Dự án trồng cây cao su và sản xuất đường mía của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Nam Lào; các dự án trồng và chế biến cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Đắk Lắk; dự án đầu tư của Tập đoàn Viettel tại Lào; dự án Ngân hàng Liên doanh Lào-Việt và hoạt động của các chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Lào; dự án khai thác quặng kim loại của Công ty Chiến Công…

Trong số các đại gia dốc vốn tìm thị trường ngoại phải kể đến Viettel, là một tập đoàn đầu tư lớn ở thị trường nước ngoài, với các dự án phát triển mạng viễn thông ở Campuchia, Lào, Mozambique, Haiiti, Tanzania...

Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia (với tổng dân số 175 triệu dân) với tổng doanh thu từ thị trường ngoài nước đạt 1,2 tỷ USD (tăng trưởng 25%), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 156 triệu USD (tăng 32 %). Hết năm 2015, 80% trong tổng số trên 600 triệu USD đầu tư ra nước ngoài sẽ được thu hồi. Năm 2015, tập đoàn sẽ khai trương dịch vụ viễn thông tại các thị trường Công Gô (75 triệu dân), Colombia (40 triệu dân) và Myanmar (55 triệu dân).

Ngoài 2 trụ cột viễn thông và đầu tư ra nước ngoài, Viettel đang chuyển hướng đầu tư mạnh cho trụ cột thứ 3 là nghiên cứu - sản xuất các thiết bị công nghệ cao và thiết bị thông minh với việc thành lập 3 viện nghiên cứu - sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông, thiết bị điện tử thông minh… Viettel đã và đang tập trung xây dựng và phát triển theo mô hình doanh nghiệp sáng tạo với việc phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đã lên đến 4.500 nhân sự, trong đó có 3.000 tiến sỹ, kỹ sư, lập trình viên làm việc tại 3 viện nghiên cứu, 2 công ty phần mềm. Doanh thu bước đầu trong lĩnh vực này năm 2014 đã đạt 5.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: Năm 2015, Viettel đặt ra mực tiêu sẽ vươn ra 30 đến 35 nước, phấn đấu tăng trưởng 20%, doanh thu đạt 230.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 15%, năng suất lao động tăng 15%. Định hướng của Viettel là duy trì mức tăng trưởng này liên tục đến năm 2020 để có thể đạt tới doanh thu gấp đôi hiện nay, khoảng trên 400.000 tỷ đồng; hàng năm chi 200 đến 400 triệu USD cho nghiên cứu - phát triển, sáng tạo công nghệ; phấn đấu vào Top 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới và trở thành một doanh nghiệp toàn cầu.

Theo lộ trình phát triển, Vinamilk đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 3 tỷ USD và lọt vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, Vinamilk đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ M&A, dồn vốn cho các dự án đầu tư ra nước ngoài để gia tăng nhanh năng lực cung cấp.

Trong khi đó, FPT, sau thương vụ mua RWE IT Slovakia vào năm ngoái, đang kỳ vọng tiến quân vào thị trường châu Âu. Đồng thời, tập đoàn này vẫn tiếp tục tấn công mạnh các thị trường Nhật Bản, Singapore, với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 từ thị trường nước ngoài.

Ngoài các đại gia trên, các công ty An Đông Mia, Cao su Tây Ninh, Dầu Tiếng – Kratie, BKAV, Tôn Hoa Sen... cũng là những cái tên nằm trong danh sách “tân binh” doanh nghiệp Việt có đầu tư ở nước ngoài.