Thận trọng khi tăng giá các mặt hàng nhạy cảm

Theo Báo Đầu tư

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 tăng 1,25% không làm ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính bất ngờ, bởi giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá liên tục được điều chỉnh tăng trong vòng một tháng qua.

Thưa ông, ông có cho rằng, những tháng trước và sau Tết Nguyên đán, CPI thường tăng theo quy luật?

Thận trọng khi tăng giá các mặt hàng nhạy cảm - Ảnh 1
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
Đúng là những tháng trước và sau Tết Nguyên đán năm nào CPI cũng tăng cao hơn những tháng còn lại trong năm. Tuy nhiên, việc CPI tháng 1/2013 tăng 1,25%, gấp nhiều lần tốc độ tăng CPI của 3 tháng cuối năm 2012 (tăng tương ứng 0,65%; 0,47% và 0,27%), thì cần phải xem lại việc điều hành giá cả, đặc biệt là việc điều chỉnh các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Năm 2012, CPI tăng 6,81%, thấp hơn rất nhiều so với năm 2010 và năm 2011 (tăng tương ứng 11,75% và 18,13%) và nếu loại trừ các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, thì CPI năm 2012 còn thấp hơn nữa. Cụ thể, nhóm thuốc chữa bệnh và dịch vụ y tế tăng tới 45,23%; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 18,97% và nhóm nhà ở (bao gồm cả tiền thuê nhà ở, tiền điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) tăng 9,18%. Riêng 3 nhóm hàng này đã góp phần tăng 4,43% trong tổng số 6,81% của CPI năm 2012. Còn tháng 1/2013 thì sao? Chỉ riêng mặt hàng thuốc và dịch vụ y tế đã tăng 7,4% góp phần đáng kể “kích” CPI tháng 1/2013 tăng tới 1,25%, bởi nhóm hàng hóa, dịch vụ này chiếm 5,61% trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI.

Điều đó có nghĩa là, để bảo đảm tốc độ tăng CPI như mục tiêu đã đặt ra là thấp hơn năm 2012, thì phải quản lý chặt những loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá?

Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ hết sức phức tạp, vì vậy cần phải xử lý tận gốc nguyên nhân gây ra lạm phát, như cơ cấu kinh tế, tỷ giá, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… Trong khi chưa thể xử lý ngay cái gốc gây ra lạm phát, thì phải hết sức thận trọng trong việc điều chỉnh những loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, như giá điện, giá than, giá nước sạch, vé xe bus, học phí, viện phí.

Tôi đồng ý rằng, các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cũng phải điều chỉnh tăng dần để tiếp cận với giá thị trường, nhưng tăng vào lúc nào, mức độ tăng bao nhiêu thì phải cân nhắc, tính toán hết sức cẩn trọng trước khi điều chỉnh. Khi còn làm Cục trưởng Cục Quản lý giá, trong những thời điểm nhạy cảm, đặc biệt là trong tháng trước và sau Tết Nguyên đán, bao giờ tôi cũng kiến nghị chưa được tăng giá những loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Bộ Tài chính vừa đề nghị các địa phương chủ động giãn thời gian điều chỉnh giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ đối với học phí, viện phí, giá nước sạch sinh hoạt...?

Nhưng ngay tháng 1 đã có 11 tỉnh, thành phố tăng viện phí. Chính việc điều chỉnh tăng viện phí này đã góp phần rất lớn vào tốc độ tăng CPI. Năm 2012 mới chỉ có khoảng 50% số địa phương tăng viện phí theo khung viện phí được ban hành tại Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC. Nếu năm nay, tất cả các địa phương đều tăng viện phí và tăng kịch trần theo khung viện phí thì chưa biết CPI sẽ diễn biến thế nào.

Ông có thể đưa ra dự báo tốc độ tăng CPI trong năm 2013?

Theo tôi, mục tiêu tốc độ tăng CPI dưới 8% như Quốc hội đặt ra có thể thực hiện được, còn mục tiêu tốc độ tăng CPI thấp hơn năm 2012 (tăng 6-5,5%) như Chính phủ đặt ra rất khó thực hiện, bởi CPI tháng 1 đã tăng cao. Trong khi cái gốc sinh ra lạm phát chưa thể xử lý một sớm một chiều, thì cần phải có giải pháp hữu hiệu, mạnh tay để giải quyết lạm phát tức thời, trong đó phải hết sức lưu ý kiềm chế lạm phát trong những tháng trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Cụ thể, ngành Tài chính ở các địa phương phải chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh giãn việc tăng học phí, viện phí, giá nước sạch sinh hoạt theo hướng khi nào CPI bớt căng thẳng thì tăng ở mức độ hợp lý. Ngược lại, chưa nên tăng, đặc biệt là tránh việc tăng giá vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán…

Nếu không chủ động tham mưu thì người ta cứ tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu này, bởi việc tăng giá đã được quy định tại Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC và Chính phủ cũng cho phép điều chỉnh giá viện phí, học phí theo sát giá thị trường.

Giá điện đã tăng, 21 địa phương cũng đã tăng viện phí, áp lực tăng giá xăng dầu rất lớn… Theo ông, để kiềm chế CPI dưới 8% thì cần phải làm gì?

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đưa ra khá nhiều giải pháp, trong đó có việc giãn thuế, giảm thuế, giảm tiền sử dụng đất… cùng với việc hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, góp phần quan trọng để kiềm chế lạm phát.

Ngoài các giải pháp trên, cần phải đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tăng cường đưa hàng hóa (nhất là hàng hóa thuộc Chương trình Bình ổn thị trường) đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện…