Thận trọng nghiên cứu dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Theo Minh Duy/sggp.org.vn

Trong những ngày vừa qua, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến xung quanh dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, do đơn vị tư vấn Trung Quốc nghiên cứu, với tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về sự cần thiết, tính hiệu quả, mức đầu tư của dự án, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án giao thông cấp thiết đang bị thiếu vốn hiện nay.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội hiện hữu là đường sắt khổ 1m, tốc độ khai thác 50-80km/h.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội hiện hữu là đường sắt khổ 1m, tốc độ khai thác 50-80km/h.

Dự án thật sự cần thiết?

Theo Bộ GTVT, Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn) đang nghiên cứu báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dài 392km, riêng đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) và Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6km. Dự án đi qua các tỉnh, thành: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương liên quan về hướng tuyến của dự án, là bước chuẩn bị mặt bằng cho việc triển khai dự án trong tương lai.

Điều làm dư luận quan tâm đầu tiên là dự án này có thật sự cần thiết? Với tổng mức đầu tư dự án đến 100.000 tỷ đồng, dự án đã tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội ra sao?

Theo GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, dự án đường sắt có suất đầu tư cao gấp 3-4 lần đường bộ, thời gian thu hồi vốn kéo dài, khó thu hút nguồn vốn xã hội. Nếu không cân nhắc, tính toán kỹ, dự án khó đạt hiệu quả. Việc dự tính nhu cầu vận tải trên tuyến không chính xác dễ dẫn đến thua lỗ nặng. Vấn đề thứ hai đặt ra, việc đầu tư 100.000 tỷ đồng cho dự án này có lãng phí không, nhất là đặt trong bài toán tổng thể đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay? Hiện hướng này đã có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời 2 tuyến đường bộ cao tốc Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng đã thông nhau, tiết giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ biên giới đến cảng Lạch Huyện.

Trong khi đó, nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phía Nam, vẫn chưa được quan tâm đúng mức về đầu tư hạ tầng giao thông. Nhiều dự án cấp thiết vẫn đang ì ạch vì thiếu vốn, như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, tuyến quốc lộ 61B, N2, tuyến kết nối Cần Thơ - cảng Trần Đề (Sóc Trăng), quốc lộ 91C, tuyến tránh Trà Vinh, cao tốc TPHCM - Mộc Bài… Một câu hỏi nữa cũng được đặt ra, tại sao lại là đơn vị tư vấn Trung Quốc nghiên cứu dự án này, khi dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đang bị sa lầy tiến độ dẫn đến đội vốn lớn?

Sẽ làm rõ hiệu quả dự án

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước khi nghiên cứu dự án này, Bộ GTVT đã xác định tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng. Đây là tuyến chạy theo hành lang Đông - Tây, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng. Với tầm quan trọng đó, tuyến đường sắt này nằm trong chiến lược phát triển GTVT đường sắt đến 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt.

Sau đó, dự án được đưa vào danh mục nghiên cứu làm cơ sở dành quỹ đất, huy động nguồn vốn đầu tư. Chuyện đơn vị tư vấn Trung Quốc nghiên cứu dự án xuất phát năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt này.

Trước băn khoăn của dư luận về tổng mức đầu tư, hiệu quả của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, đây mới chỉ là kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn với những thông số cơ bản về quy mô, hướng tuyến, khái toán tổng mức đầu tư. Sau khi đơn vị tư vấn hoàn thành nghiên cứu, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định.

Cục Đường sắt Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt trong giai đoạn đến 2030 định hướng đến 2050 để trình Chính phủ. Để thực hiện đầu tư, dự án này cần phải được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư. Vì vậy, khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu thận trọng hơn, làm rõ các vấn đề mà dư luận đang quan tâm như hiệu quả kinh tế - xã hội, phương án phân kỳ, huy động vốn của dự án...

Bộ GTVT sẽ tham khảo ý kiến các bộ ngành, địa phương... trong quá trình nghiên cứu dự án này. Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia hạn hẹp, Bộ GTVT sẽ cân nhắc nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông giữa các vùng miền; các dự án giao thông sẽ được xem xét kỹ về tầm quan trọng, tính chất kết nối vùng trước khi quyết định đầu tư.