Thanh toán điện tử sẽ trở thành làn sóng mạnh

Theo Thùy Vân/nhandan.com.vn

Sự xuất hiện của ông chủ Tập đoàn Alibaba - tỷ phú Jack Ma rồi giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg tại các sự kiện trước và trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua cho thấy sự quan tâm “không hề nhẹ” của các tập đoàn lớn trên thế giới về thương mại điện tử ở Việt Nam, được đánh giá là màu mỡ về quy mô thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường màu mỡ

Trong các buổi diễn thuyết của mình, tỷ phú Jack Ma cho thấy sự nghiên cứu tìm hiểu kỹ về thị trường Việt Nam khi nhận định thương mại điện tử Việt Nam như một “mỏ vàng”. Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet, tương đương 53% dân số, số người sử dụng smartphone lên đến gần 50 triệu thuê bao, trong khi đó 54% số người dùng điện thoại di động vẫn dùng tiền mặt... Và đây là một nền tảng quan trọng cho sự bùng nổ thanh toán điện tử và thanh toán qua điện thoại di động trong thời gian tới. Ông Jack Ma cũng đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đề xuất định hướng hợp tác với một số công ty Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử như cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khai thác mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân, hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code, hợp tác trực tiếp, gián tiếp với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment...

Hiện ở thị trường Việt Nam, Alipay của Alibaba mới đang triển khai ứng dụng phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam. Và dịp này, Alipay của Alibaba ký thỏa thuận chiến lược với NAPAS, đơn vị trung gian duy nhất của Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán châu Á. Với sự hợp tác cùng NAPAS và các công ty Fintech khác, ông chủ của Alibaba đang mong chờ gặt hái nhiều cơ hội tại thị trường Việt Nam khi thanh toán điện tử đang được đánh giá là làn sóng mạnh trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê mới đây, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động tạo bước đột phá giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện ở Việt Nam. Khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm... Các hình thức thanh toán tăng lên với tốc độ chóng mặt, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức mới áp dụng công nghệ như QR Code, NFC và mPOS; Internet Banking và Mobile Web Payment. Như vậy, dịch vụ ngân hàng điện tử đã và đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng, doanh nghiệp sử dụng do tính năng tiện dụng, nhanh chóng, khả năng phục vụ mọi lúc, mọi nơi và ngày càng đa dạng.

Đến nay, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Giá trị mua hàng trực tuyến ước tính đạt khoảng 200 USD/người. Tổng doanh thu bán hàng qua các hình thức thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2015 hơn bốn tỷ USD, tuy nhiên, mới chỉ chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Như vậy, dư địa để phát triển thương mại điện tử còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Cạnh tranh gay gắt

Trong thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử đang là một sân chơi sôi động, thu hút ngày càng nhiều tên tuổi mới tham gia. Đây được đánh giá là một lĩnh vực nhiều tiềm năng, đặc biệt sau những chính sách mới của Chính phủ thời gian gần đây. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng POS; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông... nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức không dùng tiền mặt.

Đón đầu xu thế này danh sách các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực thanh toán điện tử ngày càng gia tăng. Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho gần 20 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Đa số các công ty đã đăng ký thực hiện cả bốn nghiệp vụ liên quan bao gồm: cổng thanh toán điện tử; thu- chi hộ, chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử, trong đó sôi động nhất là dịch vụ ví điện tử. Do sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán ngày càng gay gắt, các công ty đang cố gắng tạo ra những thị trường ngách mà mình có lợi thế cạnh tranh nhiều nhất trong mảng thị trường đó. Như đối với 123Pay của Zion, thuộc tập đoàn VNG đã bắt tay với nhiều tên tuổi lớn như Lazada, Vietravel, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh... Hay như Payoo của VietUnion có thể trả các hóa đơn trực tuyến, mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’smart, FamilyMart, VinMart hay đặt vé máy bay, vé xe...

Có thể nói, mặc dù được Chính phủ hậu thuẫn bằng các chính sách nhằm hướng đến một nền kinh tế có tỷ lệ sử dụng tiền mặt thấp nhưng những khó khăn dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán điện tử vẫn còn rất lớn. Khó khăn lớn nhất chính là thuyết phục và lấy được niềm tin từ người tiêu dùng về tính tiện lợi của dịch vụ và mức độ bảo mật, an toàn của các giao dịch thanh toán. Khó khăn tiếp theo là phải huy động được nguồn vốn dài hơi để nuôi dịch vụ, chờ đến ngày thị trường thực sự phát triển. Phải có vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm kết nối được với nhiều đối tác như ngân hàng, các công ty viễn thông, điện, nước, các đơn vị công quyền như thuế, các cơ sở công như bệnh viện, trường học, các hãng vận tải... Hạ tầng kỹ thuật này đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và cho phép thanh toán trên nhiều phương tiện máy tính, điện thoại di động, thông qua nhiều kênh giao dịch khác nhau như Internet Banking, SMS/Mobile Banking, thẻ thanh toán... Một vài khuyến nghị

Chính phủ đã có những chính sách mở rộng khuyến khích đầu tư đối với các nhà đầu tư tài chính. Đây cũng chính là tiền đề để các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phương thức thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử tại Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Chính phủ về hạn chế tiền mặt trong thanh toán đã thực thi được nhiều năm, cần được đánh giá lại hiệu quả, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa lại để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình, góp phần hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán trong thời gian tới.

Để khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán, Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần cung cấp nhiều dịch vụ hơn đối với sử dụng thẻ thanh toán; Các ngân hàng thương mại cần đưa ra một chính sách phí hợp lý liên quan đến việc sử dụng thẻ nhằm khuyến khích nhiều cá nhân tham gia vào sử dụng thẻ thanh toán. Và điều quan trọng nhất là các tổ chức tín dụng, bên cạnh việc không ngừng đầu tư, nâng cấp, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo tiện ích cho khách hàng thì yếu tố an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán cũng cần được đặt lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi lựa chọn các đối tác tin cậy và Chính phủ cũng cần có những chính sách ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp Việt có thế mạnh để Việt Nam cũng có thể có những doanh nghiệp Alibaba của mình.

Khó khăn lớn nhất chính là thuyết phục và lấy được niềm tin từ người tiêu dùng về tính tiện lợi của dịch vụ và mức độ bảo mật, an toàn của các giao dịch thanh toán.