Thâu tóm doanh nghiệp, bài học từ thực tiễn

Theo ĐTCK

Năm 2010 có nhiều biến động tiêu cực của TTCK, cũng là năm đáng nhớ của thị trường mua bán - sáp nhập DN (M&A) khi mà các vụ thâu tóm thù địch có dấu hiệu phát triển.

Thâu tóm thù địch có thể được hiểu ngắn gọn là việc thâu tóm nhằm ngồi vào HĐQT, Ban giám đốc của công ty mục tiêu (công ty bị thâu tóm). Do đó, lẽ tất nhiên, hành động này không được lãnh đạo các công ty mục tiêu chào mừng. Đình đám nhất trên thị trường M&A của Việt Nam từ trước đến nay có lẽ là vụ CTCP Dược Viễn Đông (DVD) có ý định thâu tóm CTCP Dược Hà Tây (DHT), hay vụ nhóm cổ đông liên quan tới Công ty Bình Thiên An thâu tóm Descon.

Pháp luật không ngăn cấm việc thâu tóm DN. Trên bình diện chung của xã hội, nếu mọi việc được minh bạch, thì thâu tóm là một hoạt động có lợi cho DN nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, thâu tóm DN là một hoạt động có ảnh hưởng lớn tới DN và nhiều tổ chức, cá nhân, từ cổ đông tới người lao động. Do đó, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động thâu tóm, nhằm công khai, minh bạch mọi hoạt động của bên thâu tóm, đảm bảo lợi ích của các cổ đông khác và người lao động.

Ở Việt Nam, hiện chưa có văn bản nào điều chỉnh việc thâu tóm, nhưng cũng đã có các văn bản điều chỉnh việc công bố thông tin, đó là Thông tư 09/2010/TT-BTC về công bố thông tin và Thông tư 194/2009/TT-BTC về chào mua công khai.

Quay trở lại câu chuyện của DVD, ở đây không bàn về cách thức quản lý tài chính, kinh doanh của các DN, mà chỉ bàn tới việc quá trình thâu tóm DHT của DVD đã đúng luật chưa và sai ở đâu.

Đầu tiên là vi phạm quy định về công bố thông tin. Các cá nhân liên quan đến DVD đều nắm giữ cổ phiếu của DHT trong khoảng thời gian tối thiểu 10 ngày, trong đó có thời điểm tỷ lệ sở hữu vượt trên 5%, nhưng việc công bố thông tin trở thành cổ đông lớn và các giao dịch tiếp theo của cổ đông lớn đều không được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời. Đơn cử như trường hợp của ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch DVD, từ ngày 18/6/2010 đến 21/6/2010, ông Dũng đã bán ra 766.300 cổ phiếu của DHT, tương đương trên 18,8% lượng cổ phiếu của DHT. Điều này không có gì phải bàn cãi nếu như được công bố thông tin đúng quy định. Tuy nhiên, mãi tới ngày 14/7/2010 mới có công bố thông tin. Trong khi đó, Điểm 4.1 và 4.4 Phần IV của Thông tư 09/2010/TT-BTC ngày 15/1/2010 quy định, trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch, người thực hiện giao dịch phải báo cáo cho UBCK, Sở GDCK và tổ chức niêm yết về kết quả thực hiện giao dịch.

Tiếp theo là vi phạm quy định về chào mua công khai. Theo quy định tại Điểm 1.1a, Phần II, Thông tư 194/2009/TT-BTC ngày 2/10/2010 của Bộ Tài chính, "trường hợp phải chào mua công khai theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán, bao gồm: tổ chức, cá nhân và người có liên quan chưa nắm giữ hoặc đang nắm giữ dưới 25% cổ phần của công ty đại chúng hoặc chứng chỉ quỹ đóng mà có ý định mua dẫn đến sở hữu từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của một công ty đại chúng". Vậy nhưng, ngày 25/6/2010, sau khi nắm giữ 24,71% cổ phần của DHT, DVD đăng ký mua thêm 218.086 cổ phiếu DHT (5,29%), nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của DVD tại DHT lên 30%, mà không thực hiện chào mua công khai. Đặc biệt, trả lời báo giới sau đó, ông Dũng cho biết, tính đến giữa tháng 7, tổng số cổ phần của DHT mà DVD và những cá nhân khác liên quan mật thiết với ông Dũng đã mua lên tới trên 60%.

Đối với vụ thâu tóm Descon, việc công bố thông tin của một số cá nhân hay Công ty Bình Thiên An diễn ra đúng luật.  Song có thể khẳng định rằng, việc triệu tập ĐHCĐ bất thường tổ chức ngày 15/12/2010 vừa qua đã vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Quyết định 15/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về trình tự, thủ tục triệu tập ĐHCĐ.

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 Luật Doanh nghiệp, danh sách họp ĐHCĐ phải lập xong chậm nhất 30 ngày trước ngày họp ĐHCĐ. Vậy nhưng, ngày 11/11/2010 Descon ra thông báo thì ngày 22/11/2010 đã chốt danh sách họp ĐHCĐ. Thứ hai, cũng theo quy định tại Điều 98 Luật Doanh nghiệp, danh sách cổ đông chỉ được lập sau khi có thông báo triệu tập ĐHCĐ. Song, Descon lại tiến hành trình tự ngược lại, chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/11, sau đó ngày 24/11 ra thông báo triệu tập họp ĐHCĐ.

Ngoài ra, trong quá trình diễn ra hai vụ thâu tóm kể trên, liên tục có sự thông báo mua vào - bán ra của cổ đông lớn hoặc cổ đông nội bộ, mà những người này nhiều khi không thực hiện như trong thông báo đưa ra. Ví dụ trường hợp DVD là các ông/bà Lê Văn Dũng, Nguyễn Thị Thanh Huế, Lê Văn Mạnh, Trần Thu Thảo, hay như trường hợp Descon là ông Nguyễn Phan Vỹ.

Qua diễn biến vụ việc DVD thâu tóm DHT hay vụ việc thâu tóm Descon, thiết nghĩ, các bên tham gia thâu tóm cần nắm vững luật pháp về DN, tài chính, chứng khoán, cũng như thực hiện mọi việc một cách cẩn trọng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có quy định về ký quỹ tiền mặt hoặc cổ phiếu, cũng như đăng ký giá giao dịch đối với cổ đông lớn hoặc cổ đông nội bộ, giống như dự thảo Thông tư quy định về giao dịch cổ phiếu quỹ thay thế Thông tư 18/2007/TT-BTC.