Thay đổi chính sách để thu hút FDI

TS. Hoàng Xuân Hòa

(Tài chính) Trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và các xu hướng mới của dòng vốn FDI trên thế giới, yêu cầu về chính sách mới đối với Việt Nam cả ở cấp quốc gia và quốc tế đang được đặt ra. Việt Nam cần làm gì để tăng cường thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI, xin trích đăng ý kiến của TS. Hoàng Xuân Hòa (Ban Kinh tế Trung ương) xung quanh vấn đề này.

Thay đổi chính sách để thu hút FDI
Để thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI ở nước ta trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam cần có những thay đổi cần thiết về chính sách FDI. Nguồn: internet
Thay đổi chính sách về FDI

Do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và FDI nên bị ảnh hưởng mạnh bởi sự suy giảm FDI toàn cầu. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng vốn FDI Việt Nam sụt giảm đáng kể. Vì vậy, để thích ứng với tình hình thế giới, Việt Nam cần có những thay đổi cần thiết về chính sách FDI. Chính sách FDI được chia làm 3 loại: Chính sách thu hút FDI, chính sách nâng cấp FDI và chính sách khuyến khích các mối quan hệ giữa các công ty xuyên quốc gia (TNCs) với doanh nghiệp (DN) trong nước.

Cụ thể, chúng ta không cần thu hút quá nhiều FDI mà phải thu hút đúng nơi, đúng lĩnh vực cần thiết. Trong hơn 25 năm đổi mới, nước ta đã thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, bảo đảm các nguyên tắc đối xử quốc gia (NT), tối huệ quốc (MFN).

Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 là một bước tiến lớn về chính sách thu hút FDI. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện chính sách phải thống nhất trong cả nước, không được để xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng” khi một số tỉnh, thành tự ban hành các quy định trái luật, ưu đãi quá mức cần thiết cho nhà đầu tư chỉ vì muốn có được dự án FDI mà không tính đến lợi ích của địa phương và cả nước.

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu để có chính sách nâng cấp FDI theo những định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực và đối tác đầu tư. Đối với các dự án công nghệ cao, cần có chính sách đủ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong điều kiện cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước rất gay gắt.

Trong xu hướng hạn chế đầu tư của các TNCs ngày càng tăng thì chính sách khuyến khích các mối liên kết giữa TNCs với các DN trong nước lại chưa được chú ý đúng mức, khi mà các DN Việt Nam đã lớn lên rất nhiều.

Đã đến lúc cần có những chỉ dẫn gắn với các quy định của Chính phủ về lĩnh vực, ngành nghề, dự án cần được liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với DN Việt Nam, trên cơ sở bảo đảm rằng việc khuyến khích FDI không gây trở ngại đối với chủ trương hình thành DN dân tộc ngày càng lớn mạnh, đủ sức làm chủ thị trường trong nước và từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khu vực và thế giới.

Cũng cần có chính sách mua lại, sáp nhập đối với các TNCs, đồng thời khuyến khích các DN Việt Nam mua lại và sáp nhập các doanh nghiệp FDI. Mặt khác, cũng cần có các van an toàn để đề phòng sự lũng đoạn thị trường như đã từng xảy ra ở một số nước, khi một vài TNCs lợi dụng tình hình khó khăn về tài chính, tiền tệ và sự lỏng lẻo của hoạt động quản lý nhà nước đối với FDI.  

Xóa nạn độc quyền một số ngành

Để tăng cường thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI ở nước ta trong bối cảnh thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thời gian tới cần tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung nội dung còn thiếu; sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Rà soát các quy định pháp luật hiện hành quy định về hoạt động mua lại và sáp nhập có yếu tố nước ngoài.

Ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: Phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, môi trường đô thị…), phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp, xây dựng các công trình phúc lợi (nhà ở, bệnh viện, trường học…) cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Xây dựng hệ thống thuế ưu đãi và các chính sách hỗ trợ khác cụ thể cho một số ngành và lĩnh vực ưu tiên.

Gỡ bỏ tình trạng độc quyền trong một số ngành như điện, nước, dịch vụ cảng. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp. Tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước để có hướng xử lý đối với từng loại dự án, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai, bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết.

Xem xét ban hành một số giải pháp mở cửa sớm hơn mức độ cam kết của Việt Nam với WTO đối với một số lĩnh vực dịch vụ mà nước ta có nhu cầu về văn hóa - y tế - giáo dục, bưu chính - viễn thông, hàng hải, hàng không. Nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và đối tác trọng điểm như các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…; chú trọng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay cần quy định rõ ràng về đối tác đầu tư để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới của đất nước, Luật Đầu tư cần thiết kế những ưu đãi cụ thể riêng biệt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ các đối tác lớn, đặc biệt từ các công ty đa quốc gia tốp 500 của thế giới.

Cần có chính sách ưu tiên, đặc thù cho một số địa phương phù hợp với thực tế để dần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trong thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung. Xây dựng danh mục đầu tư quốc gia và kêu gọi vốn FDI cho giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo, kèm theo xây dựng mạng thông tin chi tiết về dự án…

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách nói trên, cần làm tốt công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nhà nước đối với FDI, đặc biệt trong việc rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, quản lý tốt các dự án FDI gắn với việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ, phối hợp hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư.

Đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư. Tiến hành tổng rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Tập trung giải quyết các khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án FDI có quy mô lớn, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền của mình, cần chủ động tổ chức việc đền bù giải tỏa và giao đất cho chủ đầu tư theo đúng cam kết….