Theo xăng dầu, giá cả rục rịch đi xuống

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo công bố của Cục Thống kê Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước. Giá xăng, dầu ở mức rẻ nhất trong vòng 4 năm qua được kỳ vọng sẽ giúp giá các mặt hàng thiết yếu tiếp tục đi xuống.

Theo xăng dầu, giá cả rục rịch đi xuống
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Dù đã quen với việc giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian vừa qua, người tiêu dùng đã cảm thấy khá bất ngờ và vui vẻ chào đón mức giảm giá kỷ lục vào cuối giờ chiều 22/12. Giá xăng A92 đã giảm sâu tới 2.050 đồng/lít khiến mức giá bán lẻ chỉ còn 17.880 đồng/lít. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Trong bản tin sáng 23/12 phát sóng trên kênh VTV1, lái xe taxi Mai Thành Vân cho biết với mức giảm giá này, mỗi ngày anh sẽ có thêm từ 30.000-40.000. Dù chỉ đủ một suất ăn, nhưng tính gộp cả tháng anh cũng sẽ tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng.

Trao đổi nhanh với người viết, anh Trần Văn Hiếu, giám đốc một công ty TNHH nhỏ tại Hà Nội cho hay mình vừa đổ hết 1 triệu tiền xăng. “Nếu như các mức giảm giá trước đây quá ít nên tôi không để ý, thì với mức giảm ngày hôm qua, tôi đã tiết kiệm được 100.000 đồng cho một lần đổ xăng, đủ cho 3 bữa sáng”, anh Hiếu cho biết.

Nếu như trước đây, giá xăng cao là lí do được đưa ra để giải thích cho việc nhiều mặt hàng tăng giá thì chiều ngược lại cũng là chuyện bình thường. Giá mặt hàng xăng, dầu, gas liên tục được điều chỉnh giảm giá là một nguyên nhân chính khiến CPI tháng 12 giảm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 trên địa bàn Hà Nội giảm 0,23% trong khi chỉ số này tại TP. Hồ Chí Minh giảm 0,36% so với tháng trước. Ở cả 2 địa bàn quan trọng này, những nhóm hàng giảm giá khá mạnh đều có liên quan khá trực tiếp với giá xăng, dầu là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 1,38% tại Hà Nội và 0,95% tại TP. Hồ Chí Minh) và nhóm giao thông (giảm 2,56% ở Hà Nội và 3,54% tại TP. Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, xu hướng giảm giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn chưa thật rõ nét. Báo Người Lao động dẫn lời ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nên khi chi phí đầu vào giảm, DN phải điều chỉnh giảm giá hàng hóa ở mức hợp lý.

“Qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy vừa qua, giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng giảm. Trong đó, cước vận tải là loại chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa giảm tương ứng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Tuấn nói.

Cũng trên báo Người Lao động, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng Luật Giá cho phép khi có biến động bất thường về giá thì cơ quan quản lý Nhà nước có quyền kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá phù hợp. Do đó, trong bối cảnh này, cơ quan quản lý về giá nên chọn một số mặt hàng thiết yếu để rà soát. Nếu làm tốt những mặt hàng đó thì mặt bằng giá cả chung sẽ giảm khá.

Ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành tăng cường giám sát giá các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát thị trường. Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc được trợ giá, hàng hóa, dịch vụ công ích, các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định; có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá mặt hàng vào các thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết.

Với việc giá xăng, dầu giảm mạnh ngày hôm qua cùng với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, chúng ta có thể hi vọng về một mặt bằng giá cả “dễ chịu” hơn khi một cái Tết nữa đang cận kề.