Thị trường bán lẻ trước giờ G

Theo doanhnhanonline.com.vn

(Tài chính) Tới đây, ngày đầu của năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Để củng cố vị thế, các doanh nghiệp trong nước và cả những nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện phải tăng tốc kinh doanh.

Thị trường bán lẻ trước giờ G
Tới đây, ngày đầu của năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Nguồn: internet

Năm 2014 được xem là năm của các nhà đầu tư châu Á khi hàng loạt dự án kinh doanh bán lẻ của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc liên tục xuất hiện tại Việt Nam. Trước làn sóng đầu tư của các nhà bán lẻ châu Á, các doanh nghiệp nội và nhà bán lẻ nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam cũng tăng tốc mở điểm bán mới và thay đổi mô thức kinh doanh, chiến lược giá cả.

Làn sóng châu Á

Theo kết quả điều tra do công ty tư vấn A.T Kearney công bố hồi cuối năm 2013 cho thấy, dù rớt khỏi top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng cao nhất châu Á (23%), vượt qua cả hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%). Đó là lý do khiến thị trường Việt Nam “hút” các nhà đầu tư châu Á trong lĩnh vực bán lẻ.

Mở màn cho làn sóng này là sự ra mắt chính thức của Trung tâm mua sắm Aeon Mall của nhà đầu tư Nhật Bản tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 2014. Với vốn đầu tư 100 triệu USD, không gian mua sắm rộng 50.000m2, Aeon Mall Tân Phú tạo được tiếng vang ngay từ đầu khi có số lượng đông đảo khách hàng mua sắm. Theo đại diện của Aeon Mall Tân Phú, trước khai trương chính thức 10 ngày, trung tâm đã thu hút 30.000 người mua sắm mỗi ngày. Vào ngày cuối tuần, lượng khách tăng vọt lên 70.000 người. Sau Aeon Mall Tân Phú, Tập đoàn Aeon tiếp tục chuẩn bị cho sự ra mắt của Aeon Mall thứ hai tại Bình Dương vào cuối năm nay và chưa dừng lại ở đó, nhà bán lẻ này sẽ khởi công xây dựng trung tâm thương mại thứ 3 tại quận Long Biên (Hà Nội)

Chia sẻ với báo giới, ông Nagaghisa Oyama, CEO của Aeon Asia cho biết, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho các nhà đầu tư. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung vào mảng trung tâm mua sắm, kết hợp các loại hình siêu thị và cửa hàng tiện ích tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội với số lượng 20 trung tâm đến năm 2020″, ông Nagaghisa Oyama cho biết.

Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ trọng của kênh thương mại hiện đại của việt nam hiện chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi con số này tại Pháp, Đức là trên 70%

Không chỉ có Aeon, mới đây nhất ngày 20/4, nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan là Central Group đã khai trương trung tâm mua sắm Robins tại Hà Nội. Với diện tích 10.000m2, Robins không kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm mà tập trung vào các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, vật dụng gia đình của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Một cái tên quen thuộc khác là Lotte Mart, đại gia đến từ Hàn Quốc cũng đã liên tiếp khởi công xây dựng và khai trương một loạt các đại siêu thị ở tỉnh Bình Thuận và Hà Nội. Thành viên thứ 7 của thương hiệu này đã chính thức hoạt động ở Bình Dương vào tháng 3 năm nay. Theo đại diện của Lotte, tất cả các đại siêu thị của Lotte có diện tích không dưới 10.000m2. Việc liên tục khai trương các điểm bán mới của Lotte không ngoài mục tiêu đạt 60 trung tâm mua sắm tại Việt Nam.

Từ Singapore, Mapletree – một thương hiệu đầu tư bất động sản, bán lẻ cũng đã chọn cách liên kết với nhà bán lẻ số 1 Việt Nam là Saigon Co.op để mở những trung tâm mua sắm hiện đại. Dự án đầu tiên của hai đối tác này là Trung tâm Thương mại SC Vivo City với diện tích bán lẻ 72.000 m2 trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP. Hồ Chí Minh. Với vốn đầu tư 100 triệu USD, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2015.

Nếu như ở phân khúc trung tâm thương mại và đại siêu thị, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có đầy đủ các “anh tài” đến từ châu Á thì ở phân khúc siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi, gần như thế mạnh đã thuộc về những nhà đầu tư này. Chỉ riêng các nhà đầu tư Nhật đã có đến hai chuỗi cửa hàng tiện lợi là Ministop, FamilyMart và siêu thị mini Daiso. Trong đó, Ministop với mục tiêu mở 500 cửa hàng đến năm 2018, FamilyMart với kế hoạch 300 cửa hàng vào năm 2015 và Daiso hiện có 7 siêu thị mini và đang lên kế hoạch mở 20 điểm đến năm 2020.

“Quy hoạch tổng thể”

Trước làn sóng đầu tư của các nhà bán lẻ châu Á, các doanh nghiệp nội và nhà bán lẻ nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam cũng tăng tốc mở điểm bán mới và thay đổi mô thức kinh doanh, chiến lược giá cả. Cụ thể, Big C dù có 26 siêu thị tại các thành phố lớn, nhưng cuối tháng 4 vừa qua đã khai trương thêm đại siêu thị thứ 27 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (vốn đầu tư 350 tỷ đồng, diện tích sử dụng khoảng 27.000 m2) là đại siêu thị thứ 4 của Big C xây dựng theo tiêu chuẩn “công trình xanh” tiết kiệm năng lượng. Ông Laurent Zécri, Tổng Giám đốc Big C Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ xanh đã giúp Big C tiết kiệm khoảng 25% lượng điện năng tiêu thụ so với một trung tâm thương mại thông thường. Đây là nguồn ngân sách giúp Big C đầu tư hơn nữa cho giá cả và chất lượng hàng hóa…

Ở mảng bán sỉ, Metro cũng thay đổi chiến lược để “chăm sóc” khách hàng chu đáo hơn. Ông Philippe Bacac, Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2012, Metro đã đề ra chiến lược kinh doanh mới như: tập trung liên kết chặt chẽ hơn với nhà cung cấp để đa dạng kích cỡ đóng gói sản phẩm, phân phối các chủng loại mặt hàng có chọn lọc, các sản phẩm có chất lượng… nhằm phục vụ các khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, công ty, văn phòng, nhà máy… Đây là đối tượng khách hàng có thể mang doanh thu tới trên ngàn tỷ đồng mỗi năm cho Metro.

Ở khối doanh nghiệp trong nước, các thương hiệu Co.opmart, Maximart, Citimart, Vinatexmart, Satramart… đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng thị phần, củng cố vị thế. Trong đó, Saigon Co.op, đơn vị chủ quản của Co.opmart đã thực hiện tổng lực để mở rộng mạng lưới, tăng cường khả năng cạnh tranh. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, trước áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, Co.opmart đã phải tăng tốc nhanh hơn để mở thêm chuỗi cửa hàng bên cạnh việc đầu tư vào nguồn lực.

Tính đến nay, Saigon Co.op đã có 70 siêu thị Co.opmart, 80 cửa hàng Co.op Food và đặt mục tiêu đạt 100 siêu thị Co.opmart vào năm 2015. Trước đó, cuối năm 2013, Saigon Co.op đã bắt tay cùng NTUC FairPrice (Singapore) mở 2 chuỗi đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtra Plus, chính thức thâm nhập vào mảng bán buôn. So với hệ thống siêu thị Co.opmart, các Co.opXtra Plus có diện tích lớn gấp 4-5 lần, có các dịch vụ gia tăng như rửa xe, khu vui chơi giải trí… nhắm vào đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp. Cũng theo ông Hòa, trong giai đoạn 2014-2015, Saigon Co.op sẽ quy hoạch lại mạng lưới bán lẻ, hệ thống tổng kho và đầu tư vào công nghệ thông tin. Hiện tại, giai đoạn 2 của gói đầu tư phần mềm ERP trị giá 2,5 triệu USD đã được triển khai để hướng tới việc kết nối với nhà cung cấp nhằm hiện đại hóa các quy trình, rút ngắn các thao tác kể cả vấn đề đặt hàng, mua hàng, giám sát…

Trong khi đó, với lợi thế của mô hình tổng công ty, các công ty con của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã tính đến phương án cùng hợp tác để tăng thị phần. Thay vì chỉ đầu tư siêu thị, Satra đã đưa vào hoạt động các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi Satrafoods. Cùng với số lượng 33 cửa hàng hiện có, Satra đang lên phương án sáp nhập cửa hàng Vissan vào Satrafoods. Thời gian tới, khi 105 cửa hàng Vissan được sáp nhập vào hệ thống Satrafoods thì số cửa hàng tiện lợi của thương hiệu này lên hơn 130 điểm.

Tuy không có nhiều lợi thế như các doanh nghiệp có vốn nhà nước, các hệ thống siêu thị Citimart, Maximark… cũng liên tục khai trương các điểm bán mới. Trong đó, Citimart ngoài chuỗi 15 siêu thị hiện có còn phát triển 4 siêu thị mini và 8 cửa hàng tiện lợi. Trong chiến lược phát triển đến 2015, nhà đầu tư này đang nhắm đến con số 70 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trong đó chú trọng đến cửa hàng nhỏ có diện tích 1.000 – 2.000m2. Trong khi đó, chọn chiến lược “chậm mà chắc”, Maximark đang chuẩn bị để đưa vào hoạt động siêu thị thứ 6 tại Bình Dương.

Ráo riết cạnh tranh

Cuộc cạnh tranh bán lẻ chắc chắn sẽ càng quyết liệt hơn khi ngày càng gần tới cái mốc 2015. Đây là cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường gần 90 triệu dân của Việt Nam. Theo ông Phillipe Bacac, Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam, trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ trọng của kênh thương mại hiện đại của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi con số này tại một số nước châu Âu như Pháp, Đức là trên 70%. Điều đó tạo nhiều động lực cho phát triển thương mại hiện đại tại Việt Nam. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam khá cao và mặc dù không nằm trong top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới, nhưng vẫn rất tiềm năng. Hiện tại, thu nhập của người dân đang tăng cao, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực ăn uống, giải trí, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ… Tất cả những yếu tố này cho thấy triển vọng đối với các hoạt động kinh doanh bán lẻ của Việt Nam.

Trên thực tế, cuộc chiến mở rộng mạng lưới bán lẻ đang ngày càng nóng. Một chuyên gia cho biết, các tập đoàn bán lẻ vẫn đang ráo riết “săn” mặt bằng để hoàn thành kế hoạch mở siêu thị tại Việt Nam. Lotte bên cạnh việc mở chuỗi đại siêu thị còn đầu tư xây dựng “khu phức hợp thông minh” gồm: trung tâm thương mại, khách sạn, khu căn hộ dịch vụ, văn phòng và căn hộ chung cư với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh). Không những vậy, Lotte còn mua lại các khách sạn, trung tâm thương mại sẵn có tại Việt Nam, phát triển theo hướng đa phong cách, mua sắm kết hợp giải trí nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Không nằm ngoài cuộc chiến chiếm lĩnh mặt bằng, năm 2014, Saigon Co.op đặt mục tiêu phát triển thêm 10 siêu thị, trung tâm thương mại, 20 cửa hàng thực phẩm với tổng doanh thu 25.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2013. Trong đó, Co.opmart sẽ đưa vào hoạt động thêm hai trung tâm thương mại Sense City (mỗi trung tâm có vốn đầu tư 250 tỷ đồng) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh việc đầu tư mới, các siêu thị Co.opmart có diện tích lớn ở những địa phương phù hợp sẽ được chọn để nâng cấp lên mô hình Sense City. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, trong bán lẻ, việc hình thành chuỗi là lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, bên cạnh những siêu thị ở các thành phố lớn, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh việc phát triển siêu thị Co.opmart ra các tỉnh. Như vậy, đến nay, Saigon Co.op có đầy đủ các mô hình bán lẻ từ cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị bán sỉ, trung tâm thương mại, chỉ thiếu cửa hàng tiện lợi 24/24. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết, sẽ phát triển hình thức này khi điều kiện thị trường thích hợp.

Thời điểm mở cửa thị trường đã gần kề nên không chỉ có Aeon, Lotte, Mapletree mà nhiều thương hiệu bán lẻ trên thế giới không ngừng “đổ bộ” vào Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, Auchan, một tập đoàn cỡ trung về bán lẻ của Pháp, có mặt tại 15 nước trên thế giới, đã cam kết đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 10 năm. Mapletree, ngoài hợp tác với Saigon Co.op xây dựng các trung tâm mua sắm, các khu phức hợp thương mại, còn cam kết đầu tư 1 tỷ USD cho bán lẻ. Walmart, nhà bán lẻ có thương hiệu lớn nhất toàn cầu cũng tuyên bố sẽ đầu tư mở siêu thị tại Việt Nam. Đích thân Phó Chủ tịch Tập đoàn Walmart là Bill Foudy hồi tháng 4 vừa qua đã đến Việt Nam làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Walmart không chỉ thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam mà hơn thế nữa, nhà đầu tư này muốn khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện tại, Walmart đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và xúc tiến việc mua các sản phẩm quần áo, giày dép, hàng gia dụng, thực phẩm để xuất khẩu vào hệ thống siêu thị của thương hiệu này tại Canada, Chile, Mexico, Trung Quốc. Với hệ thống 11.000 siêu thị bán lẻ trên toàn cầu, sự xuất hiện của Walmart chắc chắn sẽ tạo cục diện mới trong ngành bán lẻ.