Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cạnh tranh để trưởng thành

Theo daibieunhandan.vn

Thị trường bán lẻ nước ta được đánh giá còn non trẻ, ít kinh nghiệm, thiếu và yếu nhiều mặt, đặc biệt là vốn khi so sánh với các doanh nghiệp bán lẻ FDI. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính cuộc cạnh tranh không cân sức này sẽ thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhà bán lẻ, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Cạnh tranh sẽ thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhà bán lẻ nội.
Cạnh tranh sẽ thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhà bán lẻ nội.

Mới đáp ứng 25% nhu cầu

Hiện nay, bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Kỳ vọng đến năm 2020 thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên, đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng, với doanh nghiệp nội chiếm ưu thế. Thực tế, đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn của ngành bán lẻ, vì phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Vũ Văn Quyền bình luận, phân khúc thị trường bán lẻ thông qua kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… phản ánh sự phát triển của đất nước, mức độ hiện đại hóa của thương mại trong nước. Đất nước càng phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao thì tỷ lệ bán hàng qua kênh hiện đại ngày càng lớn. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của Indonesia là 3.500 USD/người, thị phần bán lẻ là 43%; Thái Lan thu nhập 5.600 USD/người, thị phần bán lẻ 46%; Malaysia là 12.000 USD/người, thị phần bán lẻ là 53%. Như vậy, Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa hệ thống bán lẻ, tiềm năng để phát triển hệ thống bán lẻ rất cao.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, do thị trường bán lẻ nước ta có xuất phát điểm thấp, trước đó 100% là chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ ở nông thôn, thành thị. Khoảng hai thập kỷ gần đây mới định dạng các loại hình bán lẻ hiện đại như cửa hàng, siêu thị. Trong khi bán lẻ được đánh giá là động lực phát triển ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam. Hiện tại, cơ hội đầu tư, phát triển hơn nữa trên thị trường bán lẻ hiện đại vẫn rất lớn. Đặc biệt là khi người dân Việt Nam đang có xu hướng hiện đại hóa mua sắm, đất nước đang hội nhập mạnh mẽ thì đó là cơ hội của các nhà bán lẻ.

Cần tạo ra động lực

Thực tế, khi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi doanh nghiệp nội phải chuyển mình để nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm trong thị trường bán lẻ. Cuộc cạnh tranh này sẽ tạo ra động lực để phát triển thị trường bán lẻ đạt tới mức độ chín muồi.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, ngành bán lẻ nước ta xuất phát điểm là số 0, kinh nghiệm tích lũy chưa có, nguồn lực thiếu và yếu, từ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm đều cần phải học tập. Do vậy, khi đối mặt với các đối thủ giàu tiềm lực đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nỗ lực để đứng vững và phát triển, nhất là để đạt mục tiêu chiếm 40% thị phần bán lẻ hiện đại vào năm 2020 như kỳ vọng. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, theo bà Loan, vẫn còn những nhận thức cho rằng trước hoặc sau cũng phải dỡ bỏ rào cản kỹ thuật theo cam kết để đối mặt cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, những rào cản này không phải bỏ ngay từ bây giờ mà cần có lộ trình. Do vậy, ngay từ bây giờ cần phát huy rào cản kỹ thuật để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp nội địa.

Tổng Giám đốc của Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân cũng thừa nhận, bất cứ cuộc cạnh tranh nào cũng tạo động lực để các bên tham gia thị trường tiếp tục hoàn thiện năng lực để phát triển, và ngành bán lẻ cũng vậy. Nhà bán lẻ nước ngoài tạo ra động lực tích cực để các nhà bán lẻ trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động học tập kinh nghiệm để liên tục hoàn thiện và phát triển bền vững. Kinh nghiệm 15 năm cọ sát với các doanh nghiệp ngoại, ông Nhân cho rằng, Việt Nam được đánh giá là mở cửa thị trường khá nhanh và mạnh. Ở góc độ tích cực, sự cọ sát tạo nên động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trưởng thành, tiến lên. Tuy nhiên, để doanh nghiệp nội phát triển bền vững, các nhà bán lẻ nói riêng và thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương với các chính sách phù hợp, thiết thực, hiệu quả, góp phần tăng khả năng cạnh tranh.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy doanh số bán lẻ của doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm khoảng 10%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 4%. Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm, song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3-4 lần thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội, do quy mô lớn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu.