Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội vẫn đang được cân bằng

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Kể từ thời điểm 1/1/2009, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, nhiều tập đoàn bán lẻ tên tuổi của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: BigC, Metro, Lotte Mart, Seven Eleven, Central Group… Tuy nhiên, theo cam kết lộ trình với WTO, bắt đầu từ ngày 11/1/2015 tới đây, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50% như hiện nay.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội vẫn đang được cân bằng
Từ ngày 11/1/2015 tới đây, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Nguồn: internet

Liên tục phát triển hệ thống

Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trải qua thăng trầm, cạnh tranh khốc liệt. Theo chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI), Việt Nam từ một thị trường có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới (giai đoạn trước năm 2008), đến năm 2011 tụt xuống vị trí thứ 23 và năm 2012 tiếp tục tụt xuống vị trí thứ 32.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất giai đoạn 2013-2015 do quy mô dân số lớn (trên 90 triệu người) và kinh tế vĩ mô đang dần phục hồi và phát triển. Chính vì vậy, thời gian qua, hàng loạt các đại gia bán lẻ nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới trên các tỉnh, thành phố của Việt Nam như: Tập đoàn Lotte dự định phát triển thêm 60 siêu thị và trung tâm thương mại tại Việt Nam. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái-lan Berli Jucker Pcl đã tiến hành mua 65% cổ phần của công ty Thái An – đơn vị vận hành 41 cửa hàng tiện lợi B’s mart ở TP. Hồ Chí Minh. Berli Jucker đặt mục tiêu năm tới sẽ có thêm khoảng 100 cửa hàng B’s mart và dự kiến đến năm 2015 nâng lên thành 300 cửa hàng. Chuỗi siêu thị Big C của Pháp hiện đang có trên 20 siêu thị tại các thành phố lớn của Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục phát triển hệ thống thêm trên các địa bàn khác…

Cơ hội của các doanh nghiệp Việt

Theo đánh giá của các nhà bán lẻ trong nước, doanh nghiệp bán lẻ trong nước không những đã không bỏ lỡ mà còn gặt hái được ít nhiều thành công cho dù còn có những mặt hạn chế. Sau khoảng thời gian cọ sát với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, không ít các nhà bán lẻ trong nước dường như đã và đang đi đúng hướng, khẳng định được thương hiệu trên thương trường như: Co-opMart, Thế giới di động, OceanMart, Happro... Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, kết quả từ những nghiên cứu gần đây với người tiêu dùng, các chuyên gia, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam lại yêu thích hệ thống bán lẻ Việt Nam hơn như FiviMart hay Co-opMart…

Một trong những mô hình mà doanh nghiệp bán lẻ đã áp dụng và đem lại hiệu quả đó là mô hình liên kết giữa người sản xuất và người bán hàng hay chương trình liên kết thương mại giữa các tỉnh, thành trên toàn quốc về nguồn cung hàng hóa. Ngoài ra, các siêu thị cũng nỗ lực tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong nội bộ của các tỉnh, thành… Với những hoạt động đó, nhiều siêu thị đã tìm kiếm được nguồn hàng tốt từ địa phương như hàng thực phẩm, nông sản, hoa quả mang tính vùng miền… nhờ vậy, mối liên hệ giữa doanh nghiệp với địa phương ngày càng bền chặt hơn và đây cũng là mô hình mà các doanh nghiệp nếu muốn có nguồn hàng tốt, ổn định đều phải đi theo.

Hàng năm, các nhà bán lẻ trong nước cũng tích cực mở rộng các điểm bán hàng mới tới mọi miền đất nước. Trong số đó, thương hiệu OceanMart mới chỉ gia nhập thị trường chưa được bao lâu nhưng đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động với chuỗi 8 siêu thị đang vận hành. Mục tiêu đến cuối 2015, OceanMart sẽ có 70 siêu thị đi vào hoạt động. OceanMart đưa ra chiến lược phát triển kênh bán lẻ phủ rộng khắp địa bàn cả nước để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Trong đó, tiêu chí nâng cao chất lượng phục vụ và sự tiện lợi cho khách hàng là mục tiêu hàng đầu.

Ở một phân khúc tiềm năng khác, Thế giới di động đã thể hiện hướng đi riêng với các cửa hàng nhỏ và vừa nằm tại các khu vực trung tâm và đã hoàn toàn làm chủ thị trường, liên tục đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng. Có thời điểm tốc độ tăng trưởng đạt trên 100%, ngay cả thời điểm kinh tế khủng hoảng thì doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp này vẫn tăng trên 20%. Đến nay, hệ thống các cửa hàng của doanh nghiệp bán lẻ này đã có mặt tại khắp các tỉnh, thành cả nước với 207 siêu thị. Năm 2014, Thế giới di động sẽ hợp tác với CDH (một quỹ đầu tư lớn của Anh) và mục tiêu trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu.

Trong khi các nhà bán lẻ nước ngoài tập trung đầu tư mở các đại siêu thị, trung tâm mua sắm lớn ở các thành phố lớn thì cơ hội cho các nhà bán lẻ trong nước ở thị trường ngách, thị trường nông thôn còn rất nhiều tiềm năng. Nếu như ở các thành phố lớn, người tiêu dùng chuộng hàng ngoại và doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải cạnh tranh với nhiều chủng loại hàng hóa có chất lượng tốt, mấu mã đẹp… đến từ nhiều quốc gia thì tại thị trường nông thôn, doanh nghiệp gần như chỉ phải cạnh tranh với hàng Trung quốc giá rẻ, chất lượng kém, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo. Một lợi thế lớn đem lại cho các doanh nghiệp hiện nay xuất phát từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị đã tạo nên thói quen và ý thức tiêu dùng hàng nội trong nhân dân ngày một tăng là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại sản xuất. Cùng với những kết quả bước đầu của một số doanh nghiệp khi tham gia đưa hàng về nông thôn, các doanh nghiệp Việt đã từng bước tạo được niềm tin của khách hàng và từ đó đã xây dựng được hệ thống phân phối, các đại lý cấp 2… vừa làm nhiệm vụ bán hàng vừa giữ nguồn hàng để bổ sung hàng khi phiên chợ kết thúc. Và hầu như các doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng bắt nhịp được với thị trường nông thôn với những điều chỉnh hợp lý ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân.