Thị trường bán lẻ Việt Nam: Nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) “Sau thời kỳ kinh tế ảm đảm của năm ngoái, đến năm 2014, nhiều “đại gia” chán chơi rồi, muốn đầu tư làm ăn, nhưng đầu ra của sản phẩm không có. Kênh bán lẻ đang dần bị các nhà đầu tư nước ngoài chiếm hết. Một khi các nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường, họ có quyền quyết định nhập hàng ở đâu” - ông Đỗ Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy điện Sông Bạc chia sẻ.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế
Doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Nguồn: internet
Nguy cơ đánh mất thị trường ngay tại sân nhà

Việt Nam là thị trường bán lẻ tiềm năng với dân số đông 90 triệu người, dân số trẻ, thu nhập bình quân ngày càng tăng nên, nhu cầu mua sắm cao. Theo thông tin từ Bộ Công Thương tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2014, dự kiến thị trường hàng hóa trong nước năm 2014 và 2015 sẽ có mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng bình quân hằng năm khoảng 14%/năm.

Đến năm 2015, tỉ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại khoảng 40%, qua kênh phân phối truyền thống là 60%. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà gần như bỏ quên mất thị trường ở khu vực nông thôn, miền núi. Ở Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, trong đó các nhà bán lẻ nước ngoài bán chiếm đến 40%.

Tuy nhiên, các DN Việt Nam đang đối mặt với khả năng mất thị trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đỗ Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy điện Sông Bạc - cho biết: “Các DN muốn đầu tư kinh doanh, nhưng hiện nay đầu ra của sản phẩm không có. Kênh bán lẻ bị các nhà đầu tư nước ngoài chiếm hết.

Một khi các nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường, họ có quyền quyết định nhập hàng ở đâu”. Ông Bình cho biết, đến lúc này, nhiều “đại gia” chán chơi rồi, muốn đầu tư làm ăn, nhưng không đầu tư thì còn tiền, hễ mở ra làm ăn điều gì là “cụt vốn” khoản đó, nên suốt một thời gian dài, không ít người đã chọn phương án bảo toàn vốn.

Bắt đầu từ ngày 11/1/2015, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn tại Việt Nam. Hơn nữa, trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mức thuế quan giảm xuống 0% cho các mặt hàng nhập khẩu, NTD được hưởng lợi vì được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chất lượng tốt từ Mỹ, Nhật...

Tuy nhiên, đó cũng là thách thức cho các DN Việt Nam. Ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị - nhận định, việc Việt Nam gia nhập TPP trong thời gian tới đem lại cả cơ hội và thách thức cho các DN trong nước. Thách thức là các DN nội phải tự đổi mới, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, nếu không muốn để mất thị trường nội địa vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài. Nhưng các DN nội có cơ hội tiếp cận và học tập công nghệ quản lý tiên tiến của các nhà bán lẻ nước ngoài.

Hiện nay, một số DN nội đang tích cực mở rộng kinh doanh như chuỗi siêu thị của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), với 3 trung tâm thương mại, 40 siêu thị và cửa hàng tiện ích HaproMart, 36 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn HaproFood và khoảng 200 cửa hàng quy mô nhỏ; Fivimart dự kiến đến năm 2020 sẽ có đến 30 siêu thị trên cả nước...

Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt phát triển

Trong năm qua, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam thể hiện ở việc hàng loạt tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Aeon, Lotte Mart, Parkson... nhăm nhe mở rộng địa bàn hoạt động. AEON - một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản đã bước chân vào thị trường Việt Nam với việc khai trương Trung tâm mua sắm AEON - Tân Phú Celadon tại Tp.Hồ Chí Minh vào đầu năm 2014. Dự kiến tháng 10.2014, Trung tâm mua sắm thứ 2 thuộc Tập đoàn AEON - Bình Dương Canary sẽ đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, LOTTE Mart (tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc) đã khai trương 4 trung tâm thương mại, tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu đến năm 2020, LOTTE Mart sẽ mở khoảng 60 cửa hàng trải dài khắp các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam.

Parkson là thành viên của tập đoàn quốc tế Lion tại Malaysia. Ở Việt Nam hiện nay Parkson có 8 trung tâm thương mại cao cấp với hơn 300 nhãn hàng bao gồm các thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng như các nhãn hiệu nổi tiếng.