2012 - Năm của nỗ lực vượt khó

Có thể thấy, năm 2012, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã phải đối mặt với không ít thách thức với kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, do tổng cầu trong nền kinh tế bị co hẹp nên nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh hàng tồn kho lớn, thậm chí đình đốn sản xuất, phá sản, đóng cửa… Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng GDP và của các ngành nghề khác, ngành Bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể:

Về kết quả thị trường:

Năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 40.858 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.942 tỷ đồng, tăng 11,5% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.916, tăng 12% so với năm 2011.

Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế năm 2012 ước đạt 90.591 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2011. Trong đó, các DN bảo hiểm (DNBH) nhân thọ ước đạt 66.361 tỷ đồng (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2011), các DNBH phi nhân thọ ước đạt 24.230 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2011).

Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 15.856 tỷ đồng, trong đó các DNBH nhân thọ ước đạt 6.679 tỷ đồng, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 9.177 tỷ đồng.

Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 5.094 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2011. Tổng hoa hồng môi giới bảo hiểm nhận được ước gần 398 tỷ đồng, chiếm 7,8% phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới và tăng 15,8% so với năm 2011.

Về công tác xây dựng chế độ, chính sách:

Năm 2012, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường cũng như cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DNBH. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 hướng dẫn chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, DN tái bảo hiểm và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; Quyết định số 2330/QĐ-BTC ngày 18/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015...

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành những văn bản hướng dẫn về các nghiệp vụ chuyên ngành. Cụ thể, Bộ đã ban hành Thông tư số 151/2012/ TT-BTC ngày 12/9/2012 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 103/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; Thông tư số 135/2012/TT-BTC ngày 15/8/2012 hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị; Thông tư số 101/2012/TT-BTC ngày 20/6/2012 quy định một số vấn đề về tài chính đối với các DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định số 315/ QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011 - 2013; Với lĩnh vực mới nhiều triển vọng là BHNN, Bộ Tài chính cũng kịp thời ban hành Quyết định số 2114/QĐ-BTC ngày 24/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm BHNN ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính...

Về công tác quản lý, giám sát:

Trong năm 2012, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm đã tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra các DNBH (bao gồm cả thanh, kiểm tra toàn diện và theo chuyên đề). Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Cục đã phát hiện một số sai phạm, kịp thời xử lý, thu nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước trên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình giám sát hoạt động của thị trường, Cục đã tiếp nhận và xử lý kịp thời các yêu cầu phát sinh liên quan tới hoạt động của DNBH, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường.

Đặc biệt, trong năm 2012, thực hiện quy định tại Thông tư 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm đã kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các DN trong lĩnh vực bảo hiểm thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền và đã nhận được báo cáo về 02 hợp đồng bảo hiểm là giao dịch đáng ngờ, kịp thời chuyển đến Trung tâm phòng chống rửa tiền để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Cục cũng tham gia vào báo cáo đánh giá của APG về công tác phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm.

Việc triển khai thí điểm BHNN bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến ngày 30/10/2012, việc thí điểm BHNN đã triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với khoảng 180.000 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 2.972,245 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 195,116 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm cũng gặp một số khó khăn như: tính chất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là sản xuất nhỏ, manh mún, thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều; tâm lý người dân chưa quen BHNN; việc quản lý, giám sát rủi ro trước, trong thời gian bảo hiểm gặp khó khăn, nếu không làm tốt dễ bị người tham gia bảo hiểm trục lợi. Mặt khác, chi phí hoạt động BHNN rất cao, hiệu quả kinh doanh thấp nên các DNBH, đặc biệt là các nhà nhận tái bảo hiểm (Vina Re, Swiss Re) còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Đối với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, công tác tuyên truyền và đào tạo được tăng cường. Tính đến cuối tháng 9/2012, các DNBH triển khai thí điểm đã cấp được 30 hợp đồng với giá trị kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 5.320 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm là 15,8 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, các DNBH đã bồi thường 9,6 tỷ đồng. Đây là loại hình bảo hiểm mới, nhằm tạo ra một thói quen cho các DN xuất nhập khẩu khi tham gia thị trường quốc tế trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay.

Một số hạn chế, tồn tại:

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được ở trên, còn một số hạn chế, tồn tại ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định của thị trường:

Thứ nhất, số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều song chưa đa dạng. Theo thống kê, toàn thị trường có trên 800 sản phẩm bảo hiểm, tuy nhiên, không có sự khác biệt nhiều giữa sản phẩm của các DN bảo hiểm. Nhiều mảng thị trường còn bỏ ngỏ hoặc chưa được quan tâm đúng mức như bảo hiểm chăm sóc y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp...

Thứ hai, các kênh phân phối phát triển chưa chuyên nghiệp. Đối với kênh môi giới bảo hiểm, trình độ đội ngũ cán bộ môi giới bảo hiểm chưa đồng đều. Phần lớn cán bộ của các DN môi giới bảo hiểm trong nước chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ môi giới bảo hiểm, thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tuyên truyền, quảng cáo, tư vấn cho khách hàng lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Việc thu xếp bảo hiểm cho khách hàng của các DN môi giới bảo hiểm trong nước chủ yếu dựa trên các mối quan hệ, các DN môi giới bảo hiểm chưa thực sự trở thành cầu nối giữa DN bảo hiểm và khách hàng.

Kênh đại lý bảo hiểm tuy phát triển mạnh về số lượng song tính chuyên nghiệp của đại lý bảo hiểm chưa cao, phần lớn các đại lý bảo hiểm hoạt động bán thời gian, chưa coi đại lý bảo hiểm là nghề nghiệp chính.

Thứ ba, năng lực hoạt động của các DNBH được cải thiện song còn hạn chế. Công tác quản trị điều hành của các DNBH trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mặc dù các DNBH trong nước đã cài đặt được phần mềm thông tin phục vụ quản lý song mới chỉ là bước đầu, nhiều DN vẫn áp dụng phương pháp thủ công trong cấp và quản lý đơn bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ. Các phương pháp này gây tốn kém về thời gian và chi phí, đồng thời khó kiểm soát các hành vi trục lợi bảo hiểm.

Các DNBH mặc dù đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Số lượng DNBH tăng nhanh trong thời gian qua, cộng với số lượng các cơ sở đào tạo về bảo hiểm không nhiều và chưa chuyên sâu đã gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường, dẫn đến hiện tượng chuyển dịch nhân sự cấp cao giữa các DNBH, gây xáo trộn hoạt động kinh doanh của các DNBH.

Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các DNBH còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện thường xuyên. Các quy trình nghiệp vụ tuy được xây dựng song vẫn mang tính hình thức, chưa được triển khai thực hiện triệt để trong thực tiễn, dẫn đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của một số DNBH trong nước chưa chuyên nghiệp bài bản.

Các DNBH phi nhân thọ trong nước còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc hạ phí bảo hiểm không tương xứng với mức rủi ro nhận bảo hiểm, ảnh hưởng đến an toàn tài chính của DNBH. Ngoài ra, các DNBH này cũng liên tục tăng chi phí khai thác để giành dịch vụ, xu hướng hoạt động kinh doanh bảo hiểm không có lãi ngày càng tăng, thủ tục bồi thường còn phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm và uy tín của ngành bảo hiểm.

Thứ tư, công tác quản lý, giám sát của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm tuy được tăng cường song còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện. Mặc dù phương thức quản lý giám sát đã được đổi mới theo hướng hạn chế sự can thiệp hành chính vào hoạt động của DN, song cách thức thực hiện chưa chuyên nghiệp, chưa có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Đội ngũ cán bộ quản lý giám sát tuy đã được phát triển về số lượng song chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chưa có cơ chế thu hút cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm gắn bó lâu dài với cơ quan quản lý.

Triển vọng năm 2013

Sang năm 2013, nền kinh tế thế giới và Việt Nam dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp triển khai quyết liệt về tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Đối với lĩnh vực Bảo hiểm, ngày 06/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DNBH. Theo đó, các DNBH được phân loại theo 4 nhóm, cụ thể:

DNBH thuộc nhóm 1: Tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động kinh doanh, thận trọng cho phép mở rộng phạm vi hoạt động; yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; rà soát mạng lưới và bộ máy tổ chức hoạt động;

DNBH thuộc nhóm 2: Nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị DN; Hiệu quả và an toàn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu các DN tự xây dựng và thực hiện phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các phân khúc thị trường thế mạnh; cắt giảm chi phí khai thác và quản lý, tinh giản bộ máy tổ chức hoạt động và mạng lưới khai thác. Sau thời hạn 24 tháng, nếu vẫn không có lãi, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ thu hẹp phạm vi và nội dung hoạt động của DNBH;

DNBH thuộc nhóm 3: Yêu cầu các DN tự xây dựng và thực hiện phương án khôi phục khả năng thanh toán; tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính; xây dựng phương án tái bảo hiểm; chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; cải tổ bộ máy tổ chức hoạt động; tăng cường hiệu quả và an toàn hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh bảo hiểm; nâng cao năng lực quản trị công ty;

DNBH thuộc nhóm 4: Bộ Tài chính thành lập Ban Kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm. Trường hợp sau khi đã áp dụng các biện pháp mà vẫn không khôi phục được khả năng thanh toán, DNBH phải thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, ngày 18/9/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2330/QĐ-BTC về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2015. Ngoài ra, để đảm bảo thị trường tiếp tục duy trì sự ổn định, đạt mục tiêu tăng trưởng, cơ quan quản lý sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản, bao gồm tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường quản lý, giám sát nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện một số chương trình thí điểm bảo hiểm như BHNN, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Trong năm 2013, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm sẽ tiếp tục triển khai Đề án theo lộ trình đã được phê duyệt như: Dự thảo và trình Bộ ban hành Thông tư quy định tiêu chí đánh giá an toàn tài chính của DNBH; Trên cơ sở quy định tại Thông tư, tổ chức đánh giá, phân loại các DNBH và thực hiện các giải pháp phù hợp đối với từng nhóm DNBH.

Năm 2013, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều khó khăn, song toàn Ngành sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định khoảng 10 - 12% so với năm 2012.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 1 - 2013

Thị trường bảo hiểm: Phát triển ổn định, tăng trưởng khả quan

ThS. Trịnh Thanh Hoan

(Tài chính) Nằm trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu năm 2012, thị trường bảo hiểm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng bị ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng của của các ngành khác, ngành Bảo hiểm vẫn tiếp tục tạo sự ổn định và có những dấu ấn khả quan.

Xem thêm

Video nổi bật