Thị trường chất phụ gia thực phẩm: “Mỏ vàng” bị bỏ quên

Theo dddn.com.vn

(Taichinh) - Thị trường thực phẩm, đồ ăn nhanh, hàng đóng gói tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao. Nhưng thị trường phụ gia hỗ trợ phát triển ngành này vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dù nhu cầu về các loại phụ gia thực phẩm trong chế biến, bảo quản, dinh dưỡng… tăng mạnh, nhưng ngành công nghiệp này tại Việt Nam hầu như chưa phát triển, gần 100% các loại phụ gia chế biến thực phẩm của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài.

Không làm vì vàng thau lẫn lộn?

Sự xuất hiện tràn lan trên thị trường của các chất phụ gia thực phẩm ngoài danh mục quản lý đang khiến hầu hết các cơ quan quản lý cũng như khách hàng tỏ ra hoài nghi về việc phát triển phụ gia “được cho phép”. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM nhận định: “Nhà nước ta chưa quản lý chặt chẽ, phân biệt rạch ròi giữa hóa chất thực phẩm và hóa chất công nghiệp. Phụ gia thực phẩm được bày bán chung với hóa chất được dùng trong những mục đích khác, tạo điều kiện cho nhà sản xuất lạm dụng trong chế biến thực phẩm. Nhiều nhà sản xuất mặc dù phân biệt được, nhưng vẫn cố ý sử dụng hóa chất, phụ gia công nghiệp thay thế cho hóa chất, phụ gia thực phẩm trong sản xuất thực phẩm, chủ yếu nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận”.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phụ gia là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp thực phẩm và thực tế đang có mức tăng trưởng rất nhanh. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), hàng năm doanh nghiệp này phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để nhập khẩu các loại phụ gia phục vụ sản xuất. Dự báo trong các năm tới con số này còn tăng lên vì nhu cầu mở rộng sản xuất và nhà máy mới ở Long An được đưa vào sản xuất.

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết: “Việc nhập khẩu các chất phụ gia là điều bất đắc dĩ, vì chúng tôi không tìm được nhà cung ứng nào ở thị trường nội địa. Nếu có thì cũng là các đại lý nhập khẩu và phân phối lại với số lượng cung cấp rất hạn chế”.

Giáo sư Lưu Duẩn, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam lý giải: “Chúng ta có khai thác thị trường phụ gia thực phẩm hay không? Hay để các ông lớn trên thế giới nhảy vào khai thác hộ? Nếu không làm, chúng ta sẽ để thị trường rơi vào tay người khác. Mỗi lần hội thảo của ngành trong suốt nhiều năm qua tôi đều đặt vấn đề, nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào dám làm”.

Bà Nguyễn Thị Thạch Trúc, Giám đốc phát triển kinh doanh mới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Kerry nhìn nhận: “Đầu tư nghiên cứu chế biến phụ gia thực phẩm đòi hỏi công nghệ cao, nhưng lợi nhuận thu về cũng hấp dẫn. Phụ gia ngành thực phẩm cũng chính là một lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên Việt Nam đang thua về lĩnh vực này, ngay cả nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines”.

Còn bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM thì chia sẻ: “Một thị trường lớn đáng được đầu tư đã bị bỏ quên trong một thời gian dài. Với mức độ chuẩn bị như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào thị trường này có lẽ chỉ còn cách hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài”.

Theo khảo sát của công ty UBM Asia, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm ở Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây lên tới 52%/năm. Trong đó, riêng ngành hàng đồ uống đạt mức tăng trưởng cao nhất: 150%.

…để sân cho “ông lớn” ngoại

Các doanh nghiệp nước ngoài dĩ nhiên đã nhận thấy vùng đất màu mỡ còn chưa được khai phá này. Hiện nay đơn vị cung ứng chủ yếu chất phụ gia trên thị trường Việt Nam là một doanh nghiệp đến từ Bỉ (Puratos Grand-Place Vietnam), cung cấp khoảng 100 loại phụ gia cho các đối tác, bao gồm nhiều đại gia như Metro, Lotte, Tous Les Jours và Kido.

Bà Phan Thị Phương Thanh, Giám đốc Marketing của Puratos Grand-Place Vietnam cho biết: “Ban đầu công ty cũng chỉ nghiên cứu phát triển cây ca cao và các sản phẩm liên quan tới ca cao. Tuy nhiên, gần đây nhận thấy thị trường thực phẩm ngày càng tăng trưởng mà lĩnh vực phụ gia còn rất nhiều tiềm năng nên quyết định tham gia. Với sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ về công tác nghiên cứu nên Puratos Việt Nam đã đưa ra được nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp sản xuất bánh mỳ, kem và các nhà hàng trong việc sản xuất và bảo quản sản phẩm của họ. Điều khá bất ngờ là khi tham gia vào thị trường cung ứng phụ gia này, chúng tôi hầu như không có đối thủ cạnh tranh nào. Đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể đặt hi vọng vào mức tăng trưởng lớn trong thời gian tới”.

Nhận xét này là có cơ sở, vì chỉ mới tham gia được 3 năm và mảng phụ gia chỉ chiếm tỷ trọng 3% doanh thu của công ty, song lãnh đạo doanh nghiệp này đề ra kế hoạch tăng trưởng doanh thu mỗi năm khoảng 50%. Puratos kỳ vọng từ nay đến năm 2020 lĩnh vực phụ gia sẽ chiếm tỷ trọng 30% doanh thu.

Mới đây, trong dịp triển lãm dành riêng cho ngành nguyên liệu, hương liệu, phụ gia, hóa chất thực phẩm, theo thông báo từ ban tổ chức – Công ty UBM Asia – đã có khoảng 150 doanh nghiệp cung ứng trên thế giới tham gia. Con số này cho thấy tiềm năng để phát triển cùng ngành công nghiệp thực phẩm ở Việt Nam còn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn tìm hiểu để tham gia đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam.