Thị trường Tết 2017 tại Hà Nội: Bảo đảm cân đối cung cầu

Theo daibieunhandan.vn

Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô tăng cao. Sở Công thương TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường phục vụ nhân dân, đặc biệt là đối với các nông sản, thực phẩm thiết yếu...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nhu cầu tiêu dùng tăng 5 - 20%

Sở Công thương TP. Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng cho 1 tháng Tết  Dương lịch và Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017 sẽ tăng từ 5-20%, với khoảng 88.000 tấn gạo (tăng 5-7% so với các tháng thường); 15.300 tấn thịt lợn hơi (tăng 18-20%); 4.600 tấn thịt bò (tăng 15%); 6.400 tấn thịt gà (tăng khoảng 25%); 5.500 tấn thủy hải sản (tăng khoảng 10%); thực phẩm chế biến 5.500 tấn (tăng khoảng 10-15%); 91.600 tấn rau củ (tăng khoảng 10-15%)...

Trong khi đó, khả năng cung ứng các mặt hàng trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng đủ. Chính vì vậy, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đơn cử như, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của Harpo. Bên cạnh đó, Hapro sẽ tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động.

Về thời gian phục vụ, đối với các chuyến hàng lưu động tập trung vào dịp trước Tết, phục vụ nhu cầu của công nhân tại các khu công nghiệp. Bà Mai Thị Tấn - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh đồ uống Thảo Mộc cũng cho biết, sản lượng hàng hóa năm nay đã sản xuất tăng 20% để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên Đán 2017, tuy nhiên giá cả vẫn giữ ở mức ổn định, không tăng so với trong năm.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội, giúp các doanh nghiệp chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản khắc phục tình trạng được mùa mất giá, mất mùa tăng giá.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Theo tính toán của Sở Công thương, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 23.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2016. Do đó, để bảo đảm bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2017, UBND TP. đã yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành tổ chức chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, công khai thông tin về chương trình để nhân dân biết.

Rà soát, đánh giá cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ trên địa bàn; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức tốt hệ thống phân phối và tăng cường dự trữ hàng hóa, mở rộng nguồn hàng, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, dẫn đến tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng thiết yếu...

Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, các thủ đoạn gian lận để tăng giá nhằm thu lợi bất chính; đồng thời, kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Mặt khác, để khắc phục một số bất cập của chương trình bình ổn giá những năm qua, bảo đảm sự bình đẳng trên thị trường, năm nay thành phố đã quyết định không hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn Quỹ Dự trữ tài chính địa phương.

Thay vào đó, thành phố sẽ tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp cung ứng hàng trên địa bàn TP. Hà Nội với doanh nghiệp sản xuất, chế biến ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi nhất, khuyến khích đưa hàng về bán tại vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.

Để công tác liên kết, kết nối cung cầu hàng hóa đạt kết quả tốt hơn, các doanh nghiệp kiến nghị các cấp chính quyền cần song hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững.