Thị trường thang máy: Đang cần “cú hích”

Hải Ngọc

Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, thị trường thang máy cũng đang có sự phát triển khá mạnh mẽ, với mức tăng trưởng từ 10 - 20% mỗi năm. Tuy nhiên, thị trường cũng đang đối mặt với không ít khó khăn...

Thị trường thang máy mức tăng trưởng dao động từ 10 - 20% mỗi năm. Ảnh Kone
Thị trường thang máy mức tăng trưởng dao động từ 10 - 20% mỗi năm. Ảnh Kone

Trên thị trường tháng máy Việt Nam hiện có sự góp mặt của rất nhiều sản phẩm, đa dạng về kiểu dáng, thiết kế và giá cả. Tuy nhiên, so với nhu câu thực tiễn, thị trường vẫn đang thiếu những sản phẩm mang tính vừa đặc thù vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng...

Không ít khó khăn

Mặc dù, thị trường thang máy luôn tăng trưởng cao trong nhiều năm qua, tuy nhiên, để có được sự tăng trưởng này thị trường cũng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có sự "khó tính" của khách hàng.

Các yêu cầu an toàn, kỹ thuật của thang máy hiện nay rất khắt khe so với trước đây. Cấu tạo của thang máy phức tạp nhưng lại ẩn bên trong không nhìn thấy trong khi chi phí đầu tư cao nên rất khó thuyết phuc khách hàng chọn lựa giữa một thang máy có độ an toàn, ổn định cao và một thang chất lượng kém có giá chào bán thấp hơn.

Bên cạnh đó, vì mang tính đặc thù cao về chiều cao hành trình, tải trọng, tốc độ, số thang phục vụ, số tầng phục vụ… nên có thể nói không có công trình nào giống nhau hoàn toàn về giải pháp thang máy.

Các đơn vị cung cấp thang máy phải làm việc và phải cân đối hài hòa với yêu cầu của các bên liên quan và đây luôn là bài toán đau đầu với nhà cung cấp thang máy đặc biệt ở các công trình lớn.

Giá thành của dịch vụ bảo trì chính hãng cao hơn nếu so với các đơn vị độc lập bảo trì thang máy. Vì quy trình bảo trì liên tục được nghiên cứu và cập nhật, nhân viên kỹ thuật được huấn luyện bài bản và liên tục, đảm bảo thời gian bảo trì ngắn nhất nhưng có hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, các thiết bị, phụ tùng chính hãng luôn được dự trữ sẵn sàng để thay thế khi cần thiết. Ngoài ra, các công ty thang máy lớn cũng luôn mua bảo hiểm tai nạn với giá trị cao cho các thiết bị được mình bảo trì.

Thêm nhiều bất cập

Thực tế hiện nay, chủ đầu tư là người sắm sửa thiết bị nhưng lại không phải là người sử dụng. Ban quản lý đại diện cho cho người sử dụng thang để quản lý thiết bị thang máy lại lắm khi không có đủ hiểu biết cần thiết nên công tác bảo trì chưa được quan tâm đúng mức.

Cùng với đó, phát sinh những tranh chấp giữa ban quản trị chung cư và chủ đầu tư về khoản quỹ bảo trì 2% của công trình nên việc bảo trì bị hoãn vô thời hạn vì không thỏa thuận được bên nào sẽ trả chi phí. Đây là những việc gây tác hại rất lớn tới sự an toàn và tuổi thọ của thang máy.

Từ những bất cập đó, để tăng cường chất lượng sử dụng của thang máy, các đơn vị quản lý tòa nhà cần chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ thật sự chuyên nghiệp và tin cậy. Công tác bảo trì, tinh chỉnh và vệ sinh đúng quy trình hàng tháng sẽ giúp hạn chế tối đa những sự cố và tai nạn không đáng có, giúp nâng cao tuổi thọ cho thiết bị.

Một số đơn vị bảo trì độc lập không có kiến thức đầy đủ về sản phẩm và kỹ thuật bảo trì cho thiết bị đó, cũng như không có đầy đủ thiết bị chính hãng để thay thế khi cần thiết có thể dẫn đến hệ lụy thang máy bị bảo trì sai quy trình, ghép nối các linh kiện không phù hợp, thậm chí bỏ qua các cơ chế hoạt động an toàn dẫn đến nguy cơ tại nạn cao cho người sử dụng.

Mặt khác, ý thức của người dùng thang máy cũng là vấn đề đặt ra. Sử dụng thang máy như thế nào cho văn minh, an toàn cũng là điều cần các nhà cung cấp thang máy kết hợp với các đơn vị quản lý tòa nhà truyền thông cho cộng đồng.