Thị trường Việt Nam, “mảnh đất màu mỡ” của thương hiệu nước ngoài

Theo Nguyễn Thị Thu Trang/thuongtruong.com.vn

Thị trường Việt Nam được cho là “mảnh đất màu mỡ” của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo dự đoán của Phòng nghiên cứu Colliers International tại Vietnam, số lượng người tiêu dùng trung và cao cấp sẽ gấp 1,7 lần vào năm 2020 và gia tăng nhanh chóng tại nhiều thành phố lớn. Điều này giúp Việt Nam trở thành thị trường vô cùng hấp dẫn với các thương hiệu nước ngoài.

Hiện taị Việt Nam là thị trường đang phát triển nhanh và người tiêu dùng dễ chấp nhận sản phẩm mới, đó là lý do ngày càng nhiều thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu… đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường để hướng đến mô hình mua sắm hiện đại.

Nhất là khi càng có nhiều nhà bán lẻ quốc tế như H&M, Zara, 7-Eleven, Walmart, Ikea, Forever 21... dự định gia nhập thị trường nội địa. Hàng loạt các thương hiệu thực phẩm có tiếng trên thế giới đã “ồ ạt xâm nhập” thị trường Việt Nam. Cụ thể, tháng 10/2017 một đoàn doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống đến từ Jeju (Hàn Quốc) đã có buổi giao thương tại TP.HCM để tìm đường đưa sản phẩm tới Việt Nam thông qua các kênh phân phối/đại lý là doanh nghiệp Việt.

Cùng với các "tân binh", những thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã có mặt cũng làm mới mình và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Cụ thể, hồi tháng 9/2017, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm Văn phòng phẩm B2S (business to school), tập trung vào nhóm mặt hàng phục vụ học sinh, sinh viên. Với thương hiệu bán lẻ mới này, Central Group Việt Nam lên kế hoạch mở khoảng 30 trung tâm tại Việt Nam trong 5 năm tới, và những điểm kinh doanh của B2S sẽ được đặt tại trung tâm các thành phố.

Không những thế các nhà bán lẻ nước ngoài còn đẩy mạnh kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Central Goup sau khi sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim, mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng đã mua lại mảng kinh doanh trực tuyến Zalora Việt Nam của nhà đầu tư Rocket Internet (Đức) để đẩy mạnh kinh doanh online trong lĩnh vực thời trang. Chiến lược này còn nhằm kết hợp sức mạnh của bán hàng qua mạng (online) và bán hàng trực tiếp (offline) trong lĩnh vực bán lẻ mà tập đoàn này đang đầu tư mấy năm gần đây.

Ông Miyake Junya, Chủ tịch Sáng lập chuỗi bán lẻ Miniso ( Nhật Bản) cho biết: “Thị trường Việt Nam có vị trí chiến lược trong khu vực và trên thế giới, được xem như cầu nối để các nhà sản xuất thâm nhập thị trường Đông Nam Á”. Hiện tại ở Việt Nam, nhiều cửa hàng của nhãn hiệu bán lẻ Miniso đã có mặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành bán lẻ, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng.