Thị trường xử lý nợ: Cần hệ thống pháp lý minh bạch

PV.

Tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài chính tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia tham dự đều khẳng định, để thị trường xử lý nợ phát triển, thì một trong những yêu cầu đầu tiên và cấp thiết đó là hệ thống pháp lý minh bạch.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Benjamin Fanger – Nhà sáng lập Công ty ShoreVest Partners (Trung Quốc) cho rằng, môi trường pháp lý thuận lợi có liên quan đến giải quyết nợ xấu. Theo đó, nếu không có những thông tin rõ ràng, người mua sẽ rất khó mua được loại quả theo đúng nhu cầu của mình. Nếu một quốc gia có hệ thống pháp lý minh bạch thì người mua có khả năng định giá về khoản nợ xấu dễ dàng và chính xác hơn.

Dẫn chứng ở Trung Quốc, ông Benjanmin Fanger cho biết, hệ thống pháp luật về nợ xấu đã được cải thiện đáng kể kể từ những năm 1980. Chính phủ đã đưa ra cơ chế chống lại sự che giấu về các khoản nợ của doanh nghiệp, ngân hàng, đồng thời quy định rõ ràng hơn về nợ xấu; Đẩy mạnh các quy định bằng cách chuyển từ việc xây dựng các quy tắc sang thực thi và xử phạt… Nhờ có sự minh bạch của pháp lý cùng với cơ chế đấu giá trên mạng, người mua và các nhà đầu tư đã biết cách thức định giá món nợ và khi nào nên mua bán cho phù hợp. Những thay đổi này đã góp phần đảm bảo quy trình pháp lý không còn là “nút thắt cổ chai” của thị trường xử lý nợ ở Trung Quốc.

Đại diện của Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) cho rằng, thị trường nợ xấu châu Á có thể là một trong những lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến bây giờ, khối lượng giao dịch nợ xấu xuyên biên giới ở châu Á vẫn ở giai đoạn đầu. Do vậy, sẽ tốt cho các quốc gia châu Á phát triển một phương pháp mới để mua bán nợ xấu mà không có giới hạn địa lý.

Trong bối cảnh đó, ông Min Jaesong – Quản lý kinh doanh cấp cao của KAMCO cho rằng IPAF cần thiết lập một sàn giao dịch mới trên trang web của mình. Theo đó, tại đây mọi thành viên đều có thể tham gia và giao dịch nợ xấu quốc tế. Vì nợ xấu không phải là tài sản lưu động và môi trường pháp lý ở mỗi quốc gia khác nhau nên nếu thông tin được cung cấp một cách thống nhất, các giao dịch nợ xấu sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Các thành viên đưa ra nợ xấu trên sàn này cần cung cấp sự đảm bảo về thông tin mà họ đã công bố. Vì IPAF bao gồm các thành viên đủ điều kiện là các công ty xử lý nợ và quản lý tài sản công khai của mỗi quốc gia nên bất kỳ sự đảm bảo nào mà họ cung cấp đều được coi là đáng tin cậy giữa những người tham gia thị trường, từ đó giảm những xuyên tạc hoặc gian lận của người bán. Ông Min Jaesong cho rằng, việc thúc đẩy sàn giao dịch nợ xấu xuyên biên giới không chỉ là một cách để thúc đẩy nợ xấu trên sàn mà còn là một cách để thúc đẩy chính IPAF để nó sẽ có hiệu quả tiếp thêm sinh lực cho IPAF nói chung.

Tại Việt Nam, để góp phần củng cố nền an ninh tài chính quốc gia, trong thời gian qua, cũng đã có nhiều quyết sách quan trọng. Chính phủ cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo đó, để giảm nợ xấu, Việt Nam đang áp dụng kết hợp mô hình phân quyền (gồm các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại của các ngân hàng) và mô hình tập trung (gồm DATC và VAMC) trong xử lý nợ xấu. Về môi trường pháp lý, nhiều giải pháp, cơ chế chính sách và đề án xử lý nợ được ban hành ở cả phía Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Pháp luật của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện từ việc thành lập, tổ chức, chấm dứt hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng cũng như việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, trong đó có mua bán nợ xấu.

Dù đạt được những kết quả nhất định nhưng tiến trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như: Hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện, hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng, chủ yếu tập trung giải quyết nợ xấu của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước trong khi còn nhiều nhu cầu được xử lý nợ, xử lý tài sản ở các lĩnh vực khác… Do vậy, từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia có thi trường xử lý nợ phát triển, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển thị trường này, mở rộng phương thức mua bán nợ thông qua chứng khoán hóa các khoản nợ xấu…