Thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại Tập đoàn Nhà nước: Minh bạch mới khả thi

Theo Kinh tế & Đô thị

Dưới sức ép của dư luận và yêu cầu của Chính phủ, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đã lên kế hoạch thoái vốn đầu tư khỏi những ngành nghề kinh doanh "trái tay".

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại Tập đoàn Nhà nước: Minh bạch mới khả thi
Tổng Công ty hóa dầu Petrolimex sẽ rà soát lại đầu tư ngoài ngành để tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế còn khó khăn đã đặt ra sự hoài nghi về tính hiệu quả trong việc triển khai những cam kết này của các tập đoàn trong thời gian tới.

Cam kết thoái vốn mạnh mẽ

Tính đến cuối tháng 3/2013, đã có 52 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) (thuộc khối các doanh nghiệp trung ương) xây dựng Đề án tái cơ cấu trình bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản (Vinacomin) cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn sắp xếp lại sản xuất theo hướng tập trung vào ngành mũi nhọn chính là khai thác than và khai thác khoáng sản. Những ngành không trực tiếp, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, Tập đoàn đã chủ động thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến nay, cơ bản đã thoái vốn xong, tập trung vào lĩnh vực chính đã được giao".

Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) tuyên bố sẽ thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT khẳng định, trong giai đoạn 2012 - 2015, VNPT sẽ sử dụng Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện làm công cụ để thoái vốn cho Tập đoàn với các khoản đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính. Đối với các khoản đầu tư của công ty, sẽ tiếp tục chờ thị trường chứng khoán hồi phục và tranh thủ những đợt thị trường tăng điểm để thoái vốn tại các danh mục đầu tư của công ty. 

Các Tổng Công ty Dầu khí, Hàng hải Việt Nam, Thuốc lá hay Tập đoàn Dệt may..., cũng đều khẳng định, sau khi rà soát lại ngành, nghề kinh doanh hoạt động đã được chấn chỉnh một bước để tập trung hoạt động, sản xuất kinh doanh theo đúng nhiệm vụ được giao, không kinh doanh dàn trải, đa ngành, đa lĩnh vực.

Nghi ngờ tính khả thi

Những con số thoái vốn ngoài ngành "hoành tráng" đã được các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đề cập rõ ràng trong các đề án tái cơ cấu. Thời gian hoàn thành còn hơn 2 năm, nhưng với nhiều "ông lớn", hoàn thành được mục tiêu này không dễ, nhất là với yêu cầu thoái vốn, nhưng phải bảo toàn vốn Nhà nước mà Chính phủ đặt ra.

Trên thực tế, dù muốn thoái vốn với giá rẻ, DN cũng rất khó thực hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán hoạt động èo uột như hiện nay. Đơn cử, năm 2012, Vinacomin triển khai kế hoạch bán toàn bộ 5 triệu cổ phần tại Công ty CP Bảo hiểm hàng không với "giá bèo" (10.000 đồng/cổ phần) nhưng vẫn thất bại vì không có người mua. Trong các trường hợp thoái vốn khỏi chứng khoán và bất động sản, khả năng thua lỗ của các tập đoàn khá lớn bởi các thị trường này thời gian qua liên tục chứng kiến cảnh "ế hàng" .

Nghi ngờ về tính khả thi thực hiện cam kết của các tập đoàn, tổng công ty, TS Trần Du Lịch lo ngại: Việc cứ giao cho các "ông lớn" quyền "tự quyết" thì mãi mãi vẫn là bài toán không đáp số. Bộ Tài chính cần phải hết sức cảnh giác để tránh sa vào "bẫy" của các tập đoàn, tổng công ty khi họ lấy cớ để không thực hiện theo kiểu: Nếu phải bảo toàn vốn thì không thể thực hiện được. Nếu đồng ý cho mất vốn thì họ sẽ làm bừa và "phủi sạch tay!". Điều quan trọng ở đây không phải là tìm cái gì là ngoài ngành để yêu cầu các tập đoàn, Tổng Công ty thoái vốn.

Gợi mở hướng xử lý, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định, việc thoái vốn là có thể làm được trong điều kiện phải công khai, minh bạch chất lượng hàng hóa. Theo đó, việc bán vốn có thể tiến hành theo các phương án đấu thầu chọn lọc hoặc bán cho đối tác chiến lược. Ông Hải cũng cho rằng, trên thực tế, nếu DN thực hiện đầy đủ theo những quy định như: Trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư, và có cơ chế mua bảo hiểm đầu tư rủi ro… thì DN luôn luôn có đủ nguồn để bảo toàn vốn.

Mục tiêu giảm tỷ lệ đầu tư chứng khoán và ngoài ngành ở DNNN là đúng, nhưng cách làm cần có lộ trình, sát thực hơn để đảm bảo tính khả thi. Thực tế, việc thoái vốn thế nào, khả năng và lộ trình thực hiện cụ thể ra sao hiện nay lại giao cho DN tự quyết định. Điều này chẳng khác gì giai đoạn không ai kiểm soát việc đầu tư trái ngành ồ ạt 4 - 5 năm trước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh