“Thổi lửa” cho tăng trưởng kinh tế

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) “Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế đã xuất hiện nhưng chưa rõ ràng và Việt Nam cần đưa ra những chính sách cải cách tích cực hơn để “thổi lửa” cho chu kỳ tăng trưởng kinh tế dài hạn”. Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại Tọa đàm Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

“Thổi lửa” cho tăng trưởng kinh tế
Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế đã xuất hiện nhưng chưa rõ ràng. Nguồn: internet
Tận dụng cơ hội từ phục hồi ngắn hạn

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2014 sẽ chứng kiến môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện nhờ thuận lợi đến từ những cơ hội gia tăng xuất khẩu và đón nhận dòng vốn từ nước ngoài gắn với xu hướng hồi phục kinh tế thế giới. Ở trong nước, nhờ những hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam triển khai có hiệu lực từ đầu năm 2014 đã và sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất, tiếp tục nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng.

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)- nhận định, từ quý IV/2013, kinh tế đã bắt đầu phục hồi nhẹ và sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm có khuynh hướng phục hồi, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đang nhích lên, niềm tin người tiêu dùng tăng, thị trường chứng khoán cũng có dấu hiệu tốt.

Thực tế cũng cho thấy, những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế đã có tác động trực tiếp tạo tiền đề, giá đỡ để doanh nghiệp tự đứng dậy. Con số gần 11.800 doanh nghiệp trong nước đã quay trở lại với thị trường và nguồn vốn FDI vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tính đến thời điểm hiện tại đã chứng minh điều này. Bên cạnh đó, quá trình thanh lọc của thị trường cũng tạo điều kiện để những doanh nghiệp đủ sức khỏe có thể tồn tại, trưởng thành, thậm chí lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên TS. Thành cho rằng, nếu đặt trong chu kỳ dài, kinh tế Việt Nam mới chỉ có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong ngắn hạn và khá mong manh, vì vậy không nên “nới” các chính sách cải cách kinh tế.

TS. Võ Trí Thành:

Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu chung, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ tạo động lực phát triển trong dài hạn.

Nỗ lực cải cách hơn nữa

Theo các chuyên gia, quyết tâm cải cách của năm 2014 từ thông điệp của Thủ tướng đã rõ, song nếu thấy sự phục hồi trở lại mà sao nhãng cải cách thì đây sẽ là bước lùi, bởi chu kỳ dài hạn (10 năm) của nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đi xuống mặc dù có sự nhích lên trong ngắn hạn.

Ông Lê Quốc Phương- Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) –khẳng định, vấn đề cần quan tâm hiện nay là việc xuất siêu chủ yếu phụ thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dự trữ ngoại hối tăng do kiều hối đổ về và lãi suất giảm do biện pháp hành chính, chứ không phải thị trường. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn trì trệ dù có nỗ lực can thiệp của nhà nước, nợ xấu vẫn là vấn đề lớn.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Thành phân tích, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2013 có nhích lên so với năm 2012 và một số chuyên gia đã kỳ vọng đây là vùng đáy. Nhưng thực chất điều này không đơn giản như vậy, bởi cơ cấu của GDP của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào công nghiệp xây dựng và dịch vụ, trong khi mức tăng trưởng của các chỉ số ngành này nhiều năm nay vẫn ở mức thấp dưới 10%.

Ở khía cạnh khác TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương - chia sẻ, cải cách doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn còn lúng túng về cách làm, tái cơ cấu nền kinh tế không làm được nhiều do không có nguồn lực. Chúng ta cần mạnh mẽ tái cơ cấu theo như chủ trương của Chính phủ. Do đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ cần điều chỉnh và kiểm soát chính sách kích thích kinh tế khi có dấu hiệu phục hồi ngắn hạn, tránh trường hợp dòng tiền chuyển dịch sang các khu vực đầu cơ, thay vì chảy về khu vực sản xuất như mong muốn.