Thông tư 29/2014/TT-BTC: Tham vấn hay chuyển kiểm tra sau thông quan?

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tính phí bản quyền ra sao nếu doanh nghiệp (DN) báo theo quý dương lịch? Trong trường hợp Hải quan tham vấn có nghi vấn phải tham vấn hay chuyển nghi vấn sang Chi cục Kiểm tra sau thông quan?… Đó là những vướng mắc mà một số Cục Hải quan gặp phải khi triển khai Thông tư 29/2014/TT-BTC về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).

Công chức Hải quan Tân Thanh- Lạng Sơn tham vấn giá với DN. Nguồn: baohaiquan.vn
Công chức Hải quan Tân Thanh- Lạng Sơn tham vấn giá với DN. Nguồn: baohaiquan.vn

Có nên chuyển nghi vấn sang kiểm tra sau thông quan?

Trong quá trình thực hiện Thông tư 29/2014/TT-BTC, Cục Hải quan Lào Cai cho biết, tại đơn vị đã phát sinh vướng mắc đối với mặt hàng quặng xuất khẩu (XK) thuộc Danh mục quản lý rủi ro ban hành kèm theo Quyết định 1114/QĐ-TCHQ. Tuy nhiên, trong trường hợp DN thực hiện đăng ký tờ khai 1 lần để XK nhiều lần, cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 22 và Điều 24 Thông tư 29/2014/TT-BTC.

Vậy, trong trường hợp Hải quan tham vấn có nghi vấn, cơ quan Hải quan thực hiện tham vấn giá từng lần XK hay tham vấn lần đầu để áp dụng cho cả tờ khai? Kết quả tham vấn có được áp mức giá cho các lần XK tiếp theo cùng một tờ khai không? Trong trường hợp chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan thì thực hiện chuyển hồ sơ cho từng lần XK (theo phiếu theo dõi từng lần XK) hay cho cả tờ khai (nhiều lần XK)?

Vướng mắc về tham vấn và xử lý kết quả tham vấn, Cục Hải quan Long An thắc mắc, trong trường hợp DN xếp hạng 6 và hạng 7 theo quy định tại Thông tư 175/2013/TT-BTC NK mặt hàng khai báo trị giá thấp hơn mặt hàng tương tự có trong dữ liệu giá GTT01 (đáp ứng quy định so sánh mặt hàng tương tự theo quy định) nhưng chưa quy định mức giá tham chiếu tại Danh mục hàng hóa NK rủi ro về giá trị theo Quyết định 1114/QĐ-TCHQ. Vậy trường hợp này phải tham vấn hay chuyển nghi vấn sang Chi cục Kiểm tra sau thông quan?

Cùng có vướng mắc tương tự, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại Điều 1- Mục 4 và mục 6 Điều 22 và Điều 24 Thông tư 29/2014/TT-BTC, tại điểm 1 khoản b tiết b.1.1 quy định: Trường hợp người khai hải quan (đối tượng xếp hạng 6 và 7) thống nhất với mức giá, phương pháp do cơ quan Hải quan xác định thì cơ quan Hải quan xác định giá tính thuế theo mẫu 04.

Tuy nhiên, Thông tư chưa quy định trường hợp người khai hải quan thuộc đối tượng xếp hạng từ hạng 1 đến hạng 5 nếu thống nhất với mức giá, phương pháp do cơ quan Hải quan xác định thì cơ quan Hải quan có được quyền xác định giá tính thuế theo mẫu số 04 để người khai hải quan được quyền xác định giá tính thuế theo mẫu số 04 và nộp thuế bổ sung mà không cần phải kiểm tra sau thông quan?

Trong trường hợp này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất phương án, nếu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mà người khai hải quan thuộc đối tượng xếp hạng từ hạng 1 đến hạng 5 đồng ý điều chỉnh giá tính thuế theo mức giá và phương pháp do cơ quan Hải quan xác định thì Chi cục Hải quan cửa khẩu ra thông báo theo mẫu 4 để điều chỉnh giá tính thuế, giống như đối tượng được xếp hạng 6 và hạng 7.

Bên cạnh đó, Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng thắc mắc, nếu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mà người khai hải quan thuộc đối tượng xếp hạng từ hạng 1 đến hạng 5 đề nghị được thực hiện quyền tham vấn giá tính thuế và đồng ý đặt khoản đảm bảo số tiền tương ứng với mức giá nghi vấn do cơ quan Hải quan thông báo thì có chấp nhận cho DN được thực hiện quyền tham vấn hay vẫn phải thực hiện kiểm tra sau thông quan?

Đối với trường hợp này, Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất, nếu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mà người khai hải quan thuộc đối tượng xếp hạng từ hạng 1 đến hạng 5 đề nghị được thực hiện quyền tham vấn giá tính thuế và chấp nhận đóng tiền đảm bảo thì thực hiện thông báo theo mẫu số 01 và tổ chức tham vấn giống như đối tượng xếp hạng 6 và hạng 7.

Tính phí bản quyền theo quý như thế nào?

Việc xác định phí bản quyền phải cộng vào trị giá tính thuế cũng đang là vướng mắc mà Cục Hải quan Cần Thơ gặp phải khi triển khai thực hiện Thông tư 29/2014/TT-BTC.

Hải quan Cần Thơ phản ánh, Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris và Công ty Philip Morris Global Brands Inc ký hợp đồng cấp phép sử dụng nhãn hiệu thứ cấp. Theo hợp đồng này, việc trả phí bản quyền của Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris cho đối tác nước ngoài sẽ thực hiện theo quý, với mức phí bản quyền được tính dựa trên số lượng sản phẩm mà công ty đã sản xuất và tiêu thụ được trong quý dương lịch đó. Cụ thể, phí bản quyền bằng 12% trị giá bán ròng được tính và thanh toán hàng quý trừ đi các khoản giảm trừ phát sinh (nếu có).

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 29/2014/TT-BTC thì “Thời hạn nộp thuế tại khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 11, điểm 1.2.5.4 và điểm 1.2.6 khoản 1 Điều 14 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013;…”.

Đối chiếu với quy định trên thì trường hợp của Công ty TNHH Vinataba- Philip Morris do tiền phí bản quyền chỉ có thể xác định sau khi kết thúc một quý dương lịch, do đó tại thời điểm đăng ký tờ khai nguyên liệu nhập khẩu  không thể kê khai và tính được phí bản quyền.

Trong khi đó, việc tính phí bản quyền sau khi kết thúc một quý dương lịch và kê khai nộp thuế thì công ty sẽ bị tính tiền chậm nộp liên quan đến việc kê khai này. 

Do đây là trường hợp đặc thù và hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn tính được phí bản quyền tại thời điểm nhập khẩu nguyên liệu đối với trường hợp này, vì vậy, Cục Hải quan Cần Thơ đề xuất được tính và kê khai nộp thuế đối với tiền phí bản quyền như quy định tại điểm 1.2.5.4 Khoản 1 Điều 14 Thông tư 205/2011/TT-BTC.