Thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường tại TP. Đà Nẵng
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu quan trọng và ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia trên thế giới. Thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy còn tồn tại những hạn chế, gây ô nhiễm môi trường. Trong xu thế chung đó, chính sách thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với TP. Đà Nẵng.
Thực trạng hoạt động đầu tư tại TP. Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2018
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "Thành phố đáng sống" của Việt Nam. Năm 2018, TP. Đà Nẵng lọt vào top 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do Tạp chí Du lịch bình chọn.
Những năm qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển. Tuy nhiên, để tạo nên một sức bật mới, mang tính bước ngoặt trong phát triển cộng đồng DN ở giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng cần có hướng đi mới và tầm nhìn dài hạn hơn. Một trong những hướng đi đó là tạo dựng văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Những câu chuyện thành công trong hỗ trợ khởi nghiệp của các quốc gia như: Mỹ, Israel, Singapore... tiếp thêm kinh nghiệm và động lực cho TP. Đà Nẵng đã trên con đường sáng tạo, tìm hướng đi mới. TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, lựa chọn được những nhà đầu tư tiềm năng, DN có chính sách đầu tư thân thiện với môi trường, trình độ chuyên môn hóa cao. Đây là yếu tố quan trọng để Đà Nẵng từng bước xây dựng Thành phố phát triển nhanh, mạnh, thân thiện với môi trường và bền vững.
Tận dụng những cơ hội mở ra trong năm 2016, từ việc tăng trưởng kinh tế trong nước và quốc tế trên đà hồi phục, cùng với việc Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mai tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN... Đà Nẵng định hướng mục tiêu của chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) là tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: Ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp phụ trợ; Dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics và giáo dục.
Bảng 1: Số doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng (giai đoạn 2016 đến quý III/2018) |
|||
Năm |
2016 |
2017 |
Đến hết quý III/ 2018 |
Số lượng các DN |
12.300 |
19.500 |
24.500 |
Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, dự án tiêu biểu là Khu căn hộ tháp vườn của Công ty cổ phần BĐS Sun Frontier (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư trên 27,271 triệu USD. Sản xuất công nghiệp của Tỉnh cũng thu hút 16 dự án được cấp mới với tổng vốn cấp mới là 24,3 triệu USD, trong đó, tiêu biểu là Nhà máy hệ thống và cáp điện Bumhan (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; Nhà máy sản xuất dụng cụ câu cá (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư là 4 triệu USD; Nhà máy sản xuất khuôn mẫu chính xác đáp ứng yêu cầu chế tạo các sản phẩm linh kiện điện tử (Samoa) với tổng vốn đầu tư là 2,5 triệu USD...
Lĩnh vực giáo dục cũng là điểm sáng trong thu hút đầu tư vốn nước ngoài của TP. Đà Nẵng. Năm 2017, Công ty TNHH Đại học RMIT Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực giáo dục Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 1,32 triệu USD. Ngoài ra, còn có Dự án Trường Mầm non COHAS Đà Nẵng do Tập đoàn JP Holdings (Nhật Bản) đầu tư với tổng số vốn là 300.000 USD.
Mục tiêu phát triển đến năm 2020, Đà Nẵng tập trung phấn đấu trở thành Thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo, thông minh, phát triển theo hướng kinh tế tri thức; Là trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, đóng vai trò động lực tăng trưởng và phát triển của Vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Để đạt được các mục tiêu này, TP. Đà Nẵng đã đề ra định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, tập trung vào phát triển các ngành dịch vụ và phát triển giao thông đô thị như:
Phát triển dịch vụ du lịch gắn với BĐS nghỉ dưỡng, bao gồm: Nghiên cứu quy hoạch phát triển khu vực Vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo điểm nhấn thu hút nhà đầu tư; Phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Duy trì phát triển hài hòa các hoạt động thương mại, tài chính – ngân hàng, kinh doanh BĐS, thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu đa dạng trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội; Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm phục vụ du lịch.
Ảnh hưởng của các hoạt động đầu tư đến môi trường tại TP. Đà Nẵng
Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh và ngày càng có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên trên diện tích đất khiêm tốn, Đà Nẵng đang đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Trong đó, ô nhiễm không khí đang được xem là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển của Thành phố, bởi vì để xử lý triệt để vấn đề bảo vệ môi trường liên quan và gây ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Việt Nam hiện xếp thứ 10 từ dưới lên trong số 180 quốc gia về ô nhiễm môi trường.
Bảng 2: Một số lĩnh vực đầu tư chủ yếu tại Đà Nẵng (giai đoạn 2016 - 2018) |
||
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
- Ngành công nghiệp công nghệ cao - Công nghệ thông tin và công nghiệp phụ trợ - Các ngành dịch vụ chất lượng cao |
- Đầu tư lĩnh vực giáo dục - Đầu tư lĩnh vực bất động sản - Đầu tư cho sản xuất công nghiệp |
- Phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng - Phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics - Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm phục vụ du lịch |
Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống gồm 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất hơn 150.000m3/ngày đêm; 5 trạm xử lý nước thải công nghiệp, tổng công suất hơn 12.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, qua rà soát, vẫn còn một số khu vực ô nhiễm chưa được xử lý triệt để như Âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn, các Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng... Năm 2016, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 7702/QĐ-UBND ngày 8/11/2016 về chuyên đề “Tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2020”, các “điểm nóng” được phân ra từng giai đoạn để triển khai xử lý, trong đó, ưu tiên sẽ xử lý các điểm như cảng cá Thọ Quang, KCN Hòa Khánh...
Theo báo cáo của UBND Thành phố, trong năm 2017, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phức tạp và ngày càng gia tăng. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm khí thải tại các nhà máy thép Dana Ý, Dana Australia vẫn xảy ra. Xả thải vượt chuẩn ra môi trường tại các trạm xử lý nước thải tập trung như Phú Lộc, Ngũ Hành Sơn, KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Thanh Hào (Hòa Ninh, Hòa Vang) xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường từ 10 lần trở lên với lưu lượng nước thải 4m3/ngày đêm.
Công ty TNHH MTV thương mại, dịch vụ vận tải Đại Thái Sơn và Hợp tác xã đóng sửa tàu thuyền và cung ứng dịch vụ hậu cần hải sản An Hải Tây có hành vi đổ, tiếp nhận trên 100m3 chất thải rắn không đúng quy định. Công ty Cổ phần đô thị FPT Đà Nẵng vi phạm về khai thác khoáng sản trong dự án nhưng không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND TP. Đà Nẵng.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, TP. Đà Nẵng tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường đối với các "điểm nóng" như sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn. Một trong những vấn đề bức xúc, gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của thành phố là tình trạng nước thải tại một số cửa cống ven biển, cục bộ vài nơi do phát sinh nhiều cơ sở lưu trú quy mô và lưu lượng quá khả năng của hệ thống thoát nước ven biển.
Vào mùa mưa, nước thải tràn tại các cửa xả và gây phản cảm đến cảnh quan môi trường biển… Ô nhiễm tại khu vực KCN Liên Chiểu do khu vực này tập trung quá nhiều nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm cao như nhà máy xi măng, nhà máy thép, nhà máy cao su, nhà máy giấy... Riêng hai nhà máy thép Dana – Ý, Dana Australia, Sở Tài nguyên môi trường đã xử phạt những hành vi vi phạm và tạm dừng hoạt động của 2 nhà máy này trong 6 tháng.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên chủ yếu là do nhận thức về các chính sách, giải pháp kỹ thuật, quy định về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp. Trong công tác quy hoạch công nghiệp và đô thị các cấp, các ngành chưa chú trọng đến những yếu tố bảo vệ môi trường đã dẫn đến quy hoạch chưa phù hợp, các KCN nằm liền kề khu dân cư, các nhà máy độc hại nằm gần sông và trên tầng nước ngầm quan trọng.
Chính sách phát triển công nghiệp và đô thị chưa đồng bộ, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng KCN và đô thị chưa đồng bộ đã đưa vào sử dụng dẫn đến khó khăn cho việc cung cấp nước, xử lý nước thải, chất thải rắn. Phần lớn các cơ sở sản xuất với thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, một số đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành thường xuyên, nhiều nguồn thải chưa có hệ thống xử lý đảm bảo tiêu chuẩn nên đã xả thải vào môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép...
Giải pháp thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường tại TP. Đà Nẵng
Đà Nẵng xác định thu hút đầu tư phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng, tuy nhiên, không đánh đổi để tăng trưởng mà lựa chọn nhà đầu tư có tâm, có tầm, phù hợp với chủ trương phát triển của Thành phố. Để tăng cường thu hút đầu tư gắn với bảo vệ mội trường tại TP. Đà Nẵng, thời gian tới cần tập trung một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhằm xây dựng thói quen, nếp sống đối với cộng đồng DN, đồng thời phát huy tốt các phong trào cộng đồng bảo vệ môi trường.
Thứ hai, giảm nguyên liệu tiêu thụ, sản xuất sạch hơn và giảm lượng chất thải... Có thể dựa vào nhiều phương tiện, trong đó có công nghệ, tuy nhiên công nghệ đối với DN lại là vấn đề khó, bởi công nghệ hiện đại thường có giá thành cao. Do vậy, cần tối ưu hoá trong điều kiện hiện có, có giải pháp để giảm dần tiêu thụ nguyên liệu, hạn chế dần chất thải công nghiệp, cân đối lợi nhuận của DN để đầu tư, đổi mới công nghệ.
Thứ ba, về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, nên thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường, nhằm giúp các DN triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, trước mắt, là hỗ trợ các DN hoạt động xử lý môi trường, và những DN có những hoạt động có liên quan đến xử lý môi trường. Qua đó, các DN được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, các DN có thể tiếp cận để vay vốn, đầu tư vào bảo vệ môi trường.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với ngành, địa phương, đối thoại trực tiếp với nhân dân và DN nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Thông qua đó, nắm bắt kịp thời những khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ năm, cơ quan chức năng của địa phương kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải, quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại; Cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung ở nông thôn, các lưu vực sông, hồ, vùng ven biển, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng chỉ tập trung cho tăng trưởng mà quên đi các mục tiêu về phát triển bền vững, các thế hệ trong tương lai sẽ phải thừa hưởng một gia sản nghèo nàn và môi trường ô nhiễm. Đây là thời điểm để TP. Đà Nẵng đưa ra những chính sách tạo ra được sự thay đổi, xác lập nền móng chắc chắn để thực hiện các chủ trương, quan điểm về bảo vệ môi trường.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng giai đoạn 2016-2018;
- Quốc Anh, Báo diễn đàn doanh nghiệp, Đầu tư và bảo vệ môi trường: Trách nhiệm và cơ hội, số tháng 10/2017;
- http://www.moitruongdothidanang.com.vn/news/view/chat-thai-nhua-tren-bien-noi-lo-can-ke.html,;
- https://baomoi.com/tu-duy-kinh-te-bao-ve-moi-truong/c/26728565.epi;
- http://kinhtedothi.vn/da-nang-dau-tu-hon-11-nghin-ty-dong-bao-ve-moi-truong-289849.html.