Một số kết quả ban đầu

Trước khi bước vào năm 2013, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế “FDI tiếp tục phải đối mặt với một năm khó khăn. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, khả năng tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp này đều giảm so với kết quả khảo sát năm 2011.

Tuy vậy, với kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI 6 tháng đầu năm 2013 và cùng với những dấu hiệu chuyển động tích cực của hoạt động FDI gần đây cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức ngay từ đầu năm, nhưng FDI trong 6 tháng qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hứa hẹn khả năng FDI năm 2013 sẽ giữ được mức đã đạt được và vượt không nhiều các chỉ tiêu về vốn so với 2012 (xem bảng 1).

Thu hút FDI: Đột phá về chất, gia tăng về lượng  - Ảnh 1

Số liệu trên cho thấy, kết quả thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2013 đều đã có tăng trưởng cao hơn ở tất cả các chỉ tiêu về vốn so với cùng kỳ năm 2012, đặc biệt chỉ tiêu tăng vốn mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp hiện có, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước 35,7%, thể hiện tăng niềm tin kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI so với kết quả khảo sát năm 2012 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã nêu ở trên.

Kết quả này, khi so sánh với mức độ đã đạt được của cả năm 2012 về vốn, cho thấy khả năng cả năm 2013 sẽ có mức tăng trưởng cao hơn mức đã đạt được trong năm 2012, nhất là về vốn đăng ký, khi kết quả 6 tháng đầu năm 2013 đã bằng 80% của năm 2012, phù hợp với việc phân tích xu hướng các chuyển động tích cực của FDI trong thời gian gần đây. Cũng cần nói rõ thêm về nguyên nhân tăng trưởng mạnh trong 6 tháng vừa qua so cùng kỳ do quy mô bình quân của một dự án cấp mới và tăng vốn đều cao hơn trước: Quy mô của một dự án cấp mới 6 tháng đầu năm 2013 đạt 10,5 triệu USD, của một dự án tăng vốn là 21,4 triệu USD, trong khi số liệu tương ứng của 6 tháng đầu năm 2012 là 9,1 triệu USD đối với cấp mới và 11,2 triệu USD đối với tăng vốn. Cũng theo số liệu trên, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng số dự án FDI cấp mới là 554 và dự án tăng vốn là 217 lượt. Đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2013 vẫn tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 9,3 tỷ USD, chiếm 89% tổng vốn đăng ký. Các chỉ tiêu khác của khối các DN FDI đã đạt được trong 6 tháng vừa qua là: Xuất khẩu, cả dầu thô đạt 41,1 tỷ USD, bằng 56% so với năm 2012, và bằng 124,7% so với cùng kỳ năm 2012 (không kể dầu thô đạt 37,3 tỷ USD, bằng 58% so năm 2012 và bằng 128,3% so với cùng kỳ 2012); Nhập khẩu, đạt 35,7 tỷ USD bằng 58% so năm 2012 và 127,8% so cùng kỳ năm 2012.

Trong khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và hạn chế của kinh tế thế giới, khối các doanh nghiệp có vốn FDI vẫn duy trì được một lượng lao động trực tiếp trên 2 triệu người và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp khác, đồng thời tiếp tục đóng góp vào nguồn thu ngân sách.

Những chuyển động tích cực

FDI 6 tháng đầu năm 2013 vẫn tiếp tục thu hút được các dự án có quy mô lớn và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất: tính từ năm 2007 đến năm 2012, có khoảng 26 dự án có quy mô lớn (vốn đăng ký trên 1 tỷ USD) chủ yếu được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trong 2 năm 2007, 2008 và giảm dần đến năm 2012, nhưng 6 tháng đầu năm 2013, đã có các dự án sau được cấp GCNĐT:

+ Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của Nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD;

+ Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử;

+ Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của Nhà đầu tư Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định.

Ngoài ra, còn có các thông tin cho thấy, một số dự án quy mô lớn khác đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất tăng vốn đầu tư như dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) từ 1,7 tỷ USD lên 3,6 tỷ USD, tương ứng với công suất nâng lên từ 4 triệu tấn lến 8 triệu tấn; Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc với kế hoạch xây dựng tiếp một nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên với quy mô vốn 1,2 tỷ USD; dự án Formosa – khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Hà Tĩnh) tăng vốn đầu tư lên 27 tỷ USD…

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2013, hoạt động thu hút và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã chứng kiến một số hoạt động tích cực của các đối tác tiềm năng, tạo điểm nhấn quan trọng. Cụ thể, có 4 đối tác nước ngoài đứng đầu về đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng qua trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất (bảng kèm theo)

Thu hút FDI: Đột phá về chất, gia tăng về lượng  - Ảnh 2

- Trước hết là Nhật Bản: hướng tăng trưởng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, thể hiện qua các động thái của các doanh nghiệp hiện có như: Oshima cam kết triển khai đúng tiến độ nhà máy đóng tàu 180 triệu USD; Pegasus-Shimamoto xây dựng nhà máy linh kiện ô tô, xe máy tại Đồng Nai; Suntony mua lại 51% cổ phần Pepsico Việt Nam; Matsuda Sangyo dự định đầu tư vào Việt Nam xử lý, tái chế chất thải rắn; Agritex Nhật Bản tìm kiếm cơ hội sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; AEON tập đoàn siêu thị đầu tư tại Hà Nội; Panasonic mở rộng đầu tư; Komatsu đăng ký đầu tư tại Hà Nội…

Ngoài ra cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam đều có các hoạt động cụ thể như TP. Hồ Chí Minh đầu tư khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản; KCN Đại An (Hải Dương) chuẩn bị mặt bằng nhà xưởng đón các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo như hội thảo “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn của các doanh nghiệp Nhật Bản” được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh mới đây; Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần thứ 5 nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ Nhật Bản sẽ được tổ chức vào 9/2013…

- Không chỉ đứng ở vị trí thứ hai trong 6 tháng đầu năm 2013 trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất, Singapore-theo số liệu thống kê lũy kế đến 20/6/2013 cũng đứng ở vị trí thứ hai, sau Nhật Bản với 1.164 dự án và tổng vốn đăng ký 28,2 tỷ USD. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Singapore sẽ ký hiệp định đối tác chiến lược (SPA). Hiệp định, bên cạnh việc sẽ định hướng phát triển quan hệ Việt Nam - Singapore, sẽ có tác động thúc đẩy đầu tư hai chiều giữa hai nước có hiệu quả hơn;

- Tiếp đến phải kể đến Liên bang Nga, một đối tác chiến lược quan trọng mà cả hai phía Việt Nam, Liên bang Nga chưa phát huy hết tiềm năng trong hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với việc Việt Nam – Liên bang Nga ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (12/2012), đầu tư của Nga vào Việt Nam đã tăng từ 100 triệu USD năm 2008, lên 1,7 tỷ USD vào năm 2012, riêng 6 tháng đầu năm 2013 đạt trên 1 tỷ USD với 7 dự án cấp mới. Bên cạnh đó, khả năng tăng vốn đầu tư sắp tới của dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) từ 1,7 tỷ USD lên 3,6 tỷ USD.

- Hàn Quốc là một trong các đối tác đầu tư mạnh vào Việt Nam trong nhiều năm vừa qua. Việc tăng tốc đầu tư của tập đoàn Samsung đã nêu trên là một hiện tượng cần nghiên cứu kỹ và hỗ trợ. Theo số liệu thống kê, lũy kế đến 20/6/2013, Hàn Quốc đứng thứ 4 với 3352 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 8,7 tỷ USD.

Những vấn đề đặt ra

Với các kết quả thu hút FDI 6 tháng đầu năm nêu trên mới phần nào phản ánh được những tiến bộ bước đầu của hoạt động FDI so với năm 2012 – năm FDI suy giảm nhất kể từ sau năm 2008 đến nay (vốn đăng ký chỉ là 12,9 tỷ USD, vốn thực hiện là 10,4 tỷ USD, trong khi năm 2011 – cũng đã thấp hơn các năm trước nhưng còn đạt tương ứng là 14,6 tỷ USD và 11 tỷ USD).

Còn đó những khó khăn, tồn tại đối với các DN nói chung và DN FDI nói riêng cần được tháo gỡ. Tại Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam vừa qua, các nguyên nhân của những hạn chế đối với FDI đã được chỉ rõ là: Chưa chuẩn bị tốt tiền đề thu hút FDI: kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp trong nước; Hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư còn bất cập, chồng chéo, chưa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước; Quản lý Nhà nước chưa đạt yêu cầu.

Từng chi tiết của những nguyên nhân đã được phân tích kỹ, như những vấn đề về chính sách ưu đãi đầu tư chưa phù hợp; chính sách về lao động, quan hệ lao động còn một số bất cập; thu hút và chuyển giao công nghệ chưa đạt mục tiêu; pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ; còn thiếu một số quy hoạch; phân cấp đầu tư chưa phù hợp với tình hình thực tế; năng lực phản ứng chính sách ở các cấp còn yếu…

Tại Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ những hạn chế, bất cập trong thu hút FDI cần có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục. Thủ tướng đã giao “các bộ, ngành phải rà soát, bổ sung để có chính sách ưu đãi cao, hấp dẫn với những dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn, lan tỏa, đẩy mạnh thu hút FDI vào các dự án đối tác công tư (PPP), cũng như phải bổ sung các quy định về tiêu chí DN công nghệ cao... Đồng thời, cần rà soát, bổ sung chính sách ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ, ưu đãi cao hơn cho các dự án nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.”

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp để có được một thông điệp mới với quốc tế về “Đổi mới của quá trình đổi mới” với chương trình hành động cụ thể kèm theo về FDI trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông điệp mới về quyết tâm đổi mới sẽ giúp Việt Nam thắng lợi trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI toàn cầu trong giai đoạn tới.

Tính đến ngày 20/6/2013 cả nước có 554 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 5,812 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2012 và 217 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,66 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo lĩnh vực đầu tư:

Trong 6 tháng đầu năm 2013 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 259 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,308 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 419,67 triệu USD, chiếm gần 4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 79 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 178,27 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư:

Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,992 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,41 tỷ USD, chiếm 32,6% tổng vốn đầu tư; Liên bang Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,015 tỷ USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư;

Thu hút FDI: Đột phá về chất, gia tăng về lượng

TS. PHAN HỮU THẮNG - Nguyên cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

(Tài chính) Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2013 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đây là cơ sở, hứa hẹn khả năng thu hút FDI năm 2013 sẽ giữ mức tăng trưởng khả quan…

Xem thêm

Video nổi bật