Thu hút FDI từ châu Âu: Gỡ “nút thắt” sở hữu trí tuệ

Theo Nguyễn Hòa/baocongthuong.vn

Được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều thế mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ hấp dẫn được các quốc gia châu Á, các quốc gia châu Âu chưa “mặn mà” đầu tư vào Việt Nam.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt nhằm thu hút FDI. Nguồn: Internet
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt nhằm thu hút FDI. Nguồn: Internet

Thấp hơn kỳ vọng

Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến tháng 10/2017, Việt Nam đã thu hút 312,9 tỷ USD vốn FDI đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, đa số các quốc gia đầu tư mạnh vào Việt Nam đều đến từ châu Á.

Cụ thể, 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn FDI đăng ký lớn nhất vào Việt Nam hiện nay là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan. Theo đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 57,10 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn FDI vào Việt Nam; Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 2 với 46,32 tỷ USD, chiếm 14,8%; Singapore đứng vị trí thứ 3 với 41,71 tỷ USD, chiếm 13,3% và Đài Loan đứng vị trí thứ 4 với 30,75 tỷ USD, chiếm 9,8%. Ngoài ra, còn hàng loạt các quốc gia châu Á khác đầu tư lớn vào Việt Nam như: Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan… Theo thống kê, những quốc gia này đã đầu tư vào Việt Nam hơn 222 tỷ USD vốn FDI, chiếm hơn 70% tổng FDI vào Việt Nam.

Trong khi các quốc gia châu Á đầu tư rất mạnh vào Việt Nam thì các quốc gia châu Âu lại rất hạn chế. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện quốc gia châu Âu đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là Hà Lan với 229 dự án, tổng vốn đăng ký 8,04 tỷ USD, chiếm 8,04% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Tiếp sau Hà Lan, Vương quốc Anh và Pháp cũng đầu tư nhiều nhưng mới chỉ dừng lại ở con số 3,4 tỷ USD và 2,7 tỷ USD, chiếm trên dưới 1% tổng FDI đầu tư vào Việt Nam, thấp hơn nhiều so với tiềm năng và kỳ vọng.

Quan ngại thực thi sở hữu trí tuệ

Lý giải về nguyên do các quốc gia châu Âu ít đầu tư vào Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh thiếu sự tương đồng về văn hóa, phong tục còn bởi môi trường đầu tư tại Việt Nam những năm gần đây tuy đã cải thiện nhiều so với trước, song “quy mô thị trường tại Việt Nam còn quá nhỏ, chưa đủ khả năng hấp thụ dòng vốn FDI đến từ các quốc gia châu Âu”, ông Nguyễn Quang Bảo - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt - nhận định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng lo ngại, vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức sẽ gây ra những rủi ro khi đầu tư.

Liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 6/2017, ông Tomaso Andreatta - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho rằng: Mặc dù Việt Nam đã cải thiện khung pháp lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng việc thực thi vẫn còn gây quan ngại cho các nhà đầu tư châu Âu. Thực hiện mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn là yếu tố cần thiết khuyến khích đầu tư châu Âu tại Việt Nam.

Để thu hút FDI từ châu Âu, EuroCham cũng đề xuất với Chính phủ Việt Nam cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài thường chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế, nhất là với những giao dịch lớn, nên Chính phủ Việt Nam cần chủ động khuyến khích tòa án thực thi các phán quyết của trọng tài quốc tế.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018 đang mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam thu hút FDI từ châu Âu. Để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tích cực hơn trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ.