Thu hút FDI vào Bắc bộ trong tương quan với các vùng kinh tế trọng điểm khác

ThS. Phạm Đức Minh

Là một trong số 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), Bắc bộ đã có nhiều thành công trong thu hút FDI. Tuy nhiên, so với tương quan các vùng KTTĐ khác, thực tế thu hút FDI của Bắc bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng.

Thu hút FDI vào Bắc bộ trong tương quan với các vùng kinh tế trọng điểm khác
Thực tế thu hút FDI vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ chưa xứng với tiềm năng. Nguồn: Internet

Những lợi thế của Vùng  

Vùng KTTĐ Bắc bộ gồm có 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Hưng Yên), với tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 15.593 km2, bằng 4,7% diện tích cả nước, dân số trung bình năm 2010 là 14,46 triệu người, bằng 16,6% so cả nước.

Nằm giữa hai bộ phận lãnh thổ là đồng bằng sông Hồng và vùng núi Đông Bắc với 3 cực phát triển là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Vùng có vị trí thuận lợi, với nhiều lợi thế so sánh mang ý nghĩa quốc gia và khu vực, cũng như đảm nhận vị trí quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng.

Thực tế thu hút FDI vào vùng KTTĐ Bắc bộ chưa xứng với tiềm năng 

Vùng KTTĐ Bắc bộ có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải khá đầy đủ và đang tiếp tục được đầu tư phát triển.

Hiện nay, Vùng đã có 2 sân bay quốc tế là Nội Bài và Cát Bi và tương lai sẽ có thêm sân bay ở Quảng Ninh có công suất 3,5 triệu khách/năm; Hệ thống cụm cảng Hải Phòng - Cái Lân là cửa mở ra vào toàn vùng Bắc bộ (và có thể cả vùng Tây Nam Trung Quốc) và là một trong những cụm cảng nước sâu hàng đầu cả nước.

Các tuyến Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 là 2 trục xương sống cho cả Bắc bộ ngoài ra còn có Quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài và tương lai gần là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh và đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình.

Đây cũng là Vùng có lịch sử phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước. Trên địa bàn tập trung nhiều cơ sở công nghiệp mang ý nghĩa quốc gia. Đặc biệt là cơ khí chế tạo (Vùng sản xuất khoảng 90% máy công cụ, máy cắt gọt kim loại, trên 74% sản phẩm công nghiệp điện…), khai thác than (trên 90%)… Trên vùng đã và đang hình thành nhiều cụm, khu công nghiệp tạo động lực có tác dụng lan tỏa cao phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Vùng có nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo (Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, bán đảo Đồ Sơn) cùng các điểm du lịch lân cận (Đồng Mô - Ngái Sơn, Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Hương…), những di tích lịch sử nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh… có sức hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là lợi thế phát triển để Vùng hấp dẫn thu hút FDI vào các dự án du lịch.

Hơn nữa, với các cơ sở nghiên cứu khoa học nhiều nhất trong cả nước, Vùng cũng “sở hữu” nguồn nhân lực có chất lượng cao so với mặt bằng chung của 4 vùng KTTĐ.

Thu hút vốn FDI của Bắc bộ so với các vùng khác

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn 2006-2012 (tính đến tháng 11/2012), 4 vùng KTTĐ đã có 8.126 dự án với tổng vốn đăng ký 125.604,2 triệu USD.

Trong đó, vùng KTTĐ Bắc bộ có tổng số dự án (còn đang hoạt động) là 2790 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 33.788,8 triệu USD; miền Trung: 338 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 18.396,8 triệu USD; phía Nam: 4.913 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 69.106,3 triệu USD; Đồng bằng sông Cửu Long: 85 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4.312,3 triệu USD. Như vậy, xét về số dự án và vốn đăng ký, vùng KTTĐ Bắc bộ đứng thứ 2 sau vùng KTTĐ phía Nam.

Đến nay, vùng KTTĐ Bắc bộ đã có 60 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn số vốn và dự án của Vùng lại đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: nhiều nhất là Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Hà Lan, Đảo Sip và Hoa Kỳ. Trong khi vùng KTTĐ miền Trung mới có 38 đối tác nước ngoài; phía Nam: 70 và Đồng bằng sông Cửu Long: 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy, xét theo đối tác, vùng KTTĐ Bắc bộ cũng đứng thứ 2 sau vùng KTTĐ phía Nam.

Bảng 1: Các quốc gia và vùng lãnh thổ chủ yếu có vốn FDI ở vùng KTTĐ Bắc bộ (Tính đến tháng 11/2012)

Quốc gia/ vùng lãnh thổ

Số dự án

Số vốn đăng ký

(triệu USD)

Hàn Quốc

854

5.845,2

Nhật Bản

515

5.701,8

Hồng Kông

114

3.683,9

Malaysia

77

3.597,9

Singapore

152

3.087,3

Hà Lan

28

2.307,1

Đảo Sip

3

2.176

Hoa Kỳ

70

1500,2

Xét về cơ cấu ngành, thu hút FDI của Bắc bộ tập trung vào các ngành sau: công nghiệp chế biến, chế tạo (1.116 dự án, tổng vốn đăng ký trên 13.032,5 triệu USD), kinh doanh bất động sản (63 dự án, tổng vốn đăng ký trên 5.732,7 triệu USD), sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa (22 dự án, tổng vốn đăng ký  đạt gần 4.455,1 triệu USD).

Hình thức đầu tư tại vùng KTTĐ Bắc bộ chủ yếu là 100% vốn nước ngoài (2210 dự án với tổng vốn đăng ký gần 22.850,7 triệu USD, chiếm 67,63% tổng vốn FDI), liên doanh (480 dự án, tổng vốn đăng ký gần 6150,9 triệu USD, chiếm 18,2%), hợp đồng BOT, BT, BTO (2 dự án, tổng vốn đăng ký 4.405,5 triệu USD, chiếm 13,04%).

Nguồn vốn thực hiện tại vùng KTTĐ Bắc bộ tăng từ 415 triệu USD (năm 2006) lên 2.813 triệu USD (năm 2011) và khoảng 2.760 triệu USD (năm 2012). Đây là một tỷ lệ khá tốt khi so sánh với các vùng khác. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, tính chung 4 vùng, thì giải ngân của vùng KTTĐ Bắc bộ và Vùng KTTĐ phía Nam đã chiếm khoảng 91,73% tổng vốn FDI được giải ngân của cả nước.

Để tăng cường thu hút FDI vào vùng KTTĐ Bắc bộ

Để có thể hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào vùng KTTĐ Bắc bộ theo đúng định hướng thu hút FDI của cả nước, cần triển khai các giải pháp từ  Trung ương và từ các địa phương trong Vùng. Cụ thể là:

Đối với Trung ương:

Một là, xây dựng chiến lược FDI và quy hoạch thu hút FDI chung cho cả nước: Đây là yêu cầu cấp thiết, bởi việc xây dựng chiến lược thu hút, sử dụng FDI sẽ là cơ sở định hướng thu hút, sử dụng FDI theo ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương, đối tác... cũng như định hướng chính sách phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh và đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.

Quy hoạch FDI phải đặt trong quy hoạch tổng thể các nguồn lực cả nước, gắn kết với các nguồn lực trong nước và nước ngoài khác để phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế sâu rộng. Quy hoạch FDI phải cụ thể hoá các chiến lược liên quan theo ngành, vùng lãnh thổ, phù hợp với các quy hoạch ngành và sản phẩm chủ yếu, cũng như các cam kết quốc tế và đòi hỏi của các nhà đầu tư.

Trên cơ sở Quy hoạch FDI, cần xây dựng Danh mục quốc gia thu hút FDI với các dự án theo ngành, lĩnh vực quan trọng cùng các thông số kỹ thuật cụ thể để cung cấp những thông tin cơ bản cho các nhà đầu tư quan tâm; trong đó chú trọng những dự án cần ưu tiên áp dụng hình thức liên doanh.

Hai là, hoàn thiện pháp luật đầu tư: Rà soát hệ thống luật pháp liên quan đến FDI để sửa đổi đồng bộ những nội dung không phù hợp, bổ sung các quy định mới, bảo đảm tính thống nhất, nhất quán, minh bạch, công khai của luật pháp. Nhất là việc phải bổ sung quy định chi tiết về quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư, làm cơ sở cho công tác hậu kiểm. Hoàn thiện các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, nhất là thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam; khung pháp lý về thanh lý, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Ba là, hoàn thiện luật pháp chính sách liên quan đến hoạt động FDI theo hướng khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp về hình thức đầu tư và hình thức doanh nghiệp, thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giữa chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng cổ phần...; sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư và luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư, về lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư..

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ để tăng cường thu hút dự án công nghệ cao vào Việt Nam và thúc đẩy chuyển giao công nghệ; sửa đổi pháp luật về đất đai, xây dựng, đấu thầu... để triển khai nhanh và hiệu quả các dự án FDI; hoàn thiện khung pháp luật về môi trường, quy định tiêu chuẩn môi trường và cơ chế giám sát để hạn chế những tác động tiêu cực của dự án đầu tư đến môi trường…

Sớm xem xét, điều chỉnh, khắc phục những bất cập liên quan đến lao động (Nghị định 46/2011/NĐ-CP về vấn đề cấp Giấy phép và gia hạn Giấy phép lao động cho người nước ngoài) theo Bộ Luật Lao động mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.

Bốn là, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư:

  - Ưu đãi cao nhất đối với dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, đào tạo và giáo dục, bệnh viện, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

- Cho phép các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi, đồng thời điều chỉnh thích ứng với định hướng ngành, lĩnh vực trong các khu này.

- Bên cạnh hệ thống ưu đãi chuẩn, cần quy định thêm cơ chế ưu đãi linh hoạt, đặc biệt đối với các nhà đầu tư mang tính chiến lược lâu dài, hoặc đối với những dự án, lĩnh vực có tác động lớn đến kinh tế - xã hội và có tính lan tỏa cao hoặc đối với những vùng lãnh thổ và địa phương cần tập trung để phát triển làm động lực cho cả khu vực.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác phân cấp đầu tư và xây dựng mô hình quản lý hoạt động FDI phù hợp và hiệu quả. Theo đó, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với FDI.

Đối với các địa phương trong vùng KTTĐ Bắc bộ:

- Cần xây dựng quy hoạch tổng thể các dự án có vốn FDI ở vùng KTTĐ Bắc bộ: Quy hoạch này phải là một bộ phận hữu cơ, không thể tách rời quy hoạch FDI của cả nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Vùng. Trong quy hoạch dự án, cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu ngành là những ưu tiên hàng đầu. Quy hoạch các dự án FDI phải theo hướng hình thành các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp, dịch vụ, các làng nghề, tách khu sản xuất ra khỏi khu dân cư, đầu tư đồng bộ, xử lý ô nhiễm môi trường sinh thái.

- Xây dựng, nâng cấp kết cấu  hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, các địa phương trong Vùng phối hợp xây dựng và nâng cao chất lượng kết cấu giao thông đường bộ; đồng bộ hóa hệ thống điện nước, đường sá, thông tin liên lạc ở các khu, cụm công nghiệp theo hướng từ Đông Bắc đến Tây Nam (chủ yếu bám theo quốc lộ 18, quốc lộ 2, vành đai 5 và hạn chế phát triển thêm trên quốc lộ 5).

Mặt khác, phải quan tâm một cách toàn diện đến hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, các trung tâm văn hoá, khu vui chơi giải trí, các công trình văn hoá du lịch, các khu dân cư, khu đô thị... Bởi, đó chính là những điều kiện bảo đảm cho sinh hoạt thường ngày cho người lao động, là cơ sở tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi họ có ý định làm ăn lâu dài tại các địa phương trong Vùng.

- Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu thu hút FDI: Hiện nay chất lượng nguồn nhân lực vùng KTTĐ Bắc bộ tuy ở mức cao so với cả nước, nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, thì vẫn còn quá thấp. Năm 2010, trong cơ cấu lao động vùng KTTĐ Bắc bộ thiếu khoảng 288 ngàn người, trong đó thiếu khoảng 190 ngàn người có tay nghề có trình độ trung cấp; 28 ngàn người có tay nghề cao đẳng.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn kỹ thuật và quản lý còn nhiều bất cập. Thực tế việc đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa gắn với thực tế sử dụng, đa số những người đi học nghề sau khi ra trường đến làm việc tại doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Những bất hợp lý trên cần được khắc phục kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Vùng không chỉ đơn thuần tập trung vào đội ngũ lao động làm việc trực tiếp ở các doanh nghiệp FDI, mà còn phải thực sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, năng lực hoạch định chính sách, điều hành doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, kỹ năng giao tiếp...

Tài liệu tham khảo:

1. Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (2012). Báo cáo đánh giá công tác điều phối giai đoạn 2006-2012 và Kế hoạch công tác điều phố giai đoạn 2011-2015 của ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tháng 4/2012.

2. Cục Đầu tư nước ngoài (2006-2012), Báo cáo tình hình thu hút vốn FDI hàng năm.

3. Tổng cục Thống kê (2006-2012). Niên giám thống kê năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, Nxb Thống kê, Hà Nội.