Thu hút FDI vào Việt Nam: Lượng tăng, chất chậm đổi
Sau hơn 30 năm mở cửa hội nhập quốc tế, đến nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và là nguồn lực quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực phát triển các khu vực kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thu hút FDI của Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong lựa chọn các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng kinh tế bền vững. Phân tích thực trạng thu hút vốn FDI tại Việt Nam trong thời gian qua, tập trung vào giai đoạn nửa đầu năm 2019, bài viết nhận diện những mặt tích cực , hạn chế, đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả đầu tư của vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới.
Thu hút FDI ghi dấu mốc kỷ lục
Nghiên cứu cho thấy, việc thu hút vốn FDI Việt Nam thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tổng số dự án FDI đăng ký mới, bổ sung thêm vốn và các lượt góp vốn tăng nhanh qua các năm, cả về số lượng lẫn giá trị. Kết quả này có được là do Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các cơ chế, chính sách mở cửa thu hút FDI trong hơn 30 năm vừa qua. Môi trường kinh tế tăng trưởng nổi bật, với tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 6%-7%; Môi trường chính trị ổn định cũng là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.
Lĩnh vực tham gia đầu tư của các doanh nghiệp FDI hiện nay khá đa dạng, có đến 19/21 lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm đẩy mạnh, thu hút vốn để phát triển nền kinh tế đa ngành của Nhà nước.
Báo cáo tình hình thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam tiếp tục ghi dấu mốc kỷ lục mới về giá trị vốn đăng ký đầu tư trong vòng 5 năm trở lại đây.
Về tình hình hoạt động
- Vốn FDI thực hiện: Số liệu thống kê cho thấy, các dự án FDI đã giải ngân khoảng 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 10 năm (từ năm 2009 đến tháng 5/2019), vốn FDI giải ngân qua các năm có chiều hướng tăng, tốc độ tăng bình quân đạt 9%-10%/năm. Chỉ tính riêng năm 2018, số vốn được giải ngân đạt gần gấp đôi so với năm 2009, đạt mức 19,1 tỷ USD (Hình 1).
- Tình hình xuất, nhập khẩu: Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,9% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 52,85 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 56,9% kim ngạch nhập khẩu.
Tình hình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tính đến 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó:
- Theo lĩnh vực đầu tư: Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó tập trung nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm 71,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 1,38 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 864 triệu USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
- Theo đối tác đầu tư: Đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai, theo sau là Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản.
- Theo địa bàn đầu tư: Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh thành phố của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất, với tổng số vốn đăng ký hơn 4,79 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh, với tổng vốn đăng ký 2,78 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 1,25 tỷ USD chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư.
Lũy kế đến ngày 20/05/2019, cả nước có 28.632 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 350,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt khoảng 198,7 tỷ USD, bằng 56,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, với gần 204,2 tỷ USD, chiếm 58,3% tổng vốn đầu tư. Các lĩnh vực thu hút FDI chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí nước… (Hình 3).
Đầu tư nước ngoài hiện nay đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI khoảng 45,5 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là Hà Nội với khoảng 33,4 tỷ USD (chiếm 9,5 % tổng vốn đầu tư), Bình Dương là 32,7 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư)…
Số lượng dự án đăng ký và giá trị vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua tăng trưởng rất tốt, tuy nhiên, thu hút FDI hiện nay vẫn chưa bài bản. Việt Nam chưa thực sự chủ động, chọn lọc thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao và kiểm soát chặt chẽ mức độ ô nhiễm. Nhiều dự án FDI là ngành sản xuất thô, tính gia công cao, mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng như: công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Năng lực phòng ngừa, kiểm soát, bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp FDI còn nhiều bất cập…
Sự lan tỏa của dòng vốn FDI đến các ngành nghề kinh tế chưa tương xứng với kỳ vọng. Mức độ nội địa hóa ở Việt Nam còn thấp khi tỷ lệ nhập khẩu đầu vào so với giá trị sản phẩm phần lớn trên ngưỡng 50%…
Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam
Nhằm phát huy những yếu tố thuận lợi và khắc phục tồn tại, khó khăn, tăng cường thu hút vốn FDI trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần chủ động thu hút FDI theo hướng tập trung vào chất lượng, nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể:
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông thoáng. Nền kinh tế tăng trưởng ổn định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề thu hút thêm vốn FDI trong tương lai.
Thứ hai, giữ vững môi trường chính trị ổn định; Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… Cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài cần xây dựng năng lực dự báo và đáp ứng các nhu cầu tìm kiếm nguồn cung của các nhà đầu tư nước ngoài. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà cung cấp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp khắc phục những trở ngại về thông tin trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, các ngành, các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân, không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp.
Thứ tư, cải thiện hạ tầng cơ sở, tăng cường quy hoạch theo hướng hiện đại. Việc quy hoạch và cải thiện hạ tầng cơ sở cần phải thực hiện đồng bộ giữa các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.
Thứ năm, đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao trình độ của người lao động, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hàm lượng tri thức trong sản phẩm, nâng cao năng suất lao động.
Thứ sáu, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, do đó, cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thứ bảy, chủ động lựa chọn các dự án FDI xanh, giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và lựa chọn những dự án có sức lan toả lớn. Việt Nam cũng cần ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Thứ tám, thu hút FDI phải phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không lựa chọn dự án FDI sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển có thể lựa chọn dự án sử dụng nhiều lao động (như dệt nhuộm, may, da dày) nhưng phải cam kết đầu tư bảo đảm bảo vệ môi trường…
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ, Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030;
- Nguyễn Ngọc Loan, Thu hút FDI “xanh” gắn với mục tiêu phát triển bền vững”, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2019;
- Một số website: www.moi.gov.vn, www.mpi.gov.vn, www.gso.gov.vn, www.tapchitaichinh.vn