Thu hút ngoại lực và chăm chút cho nội lực

Theo ven.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN) hàng đầu, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước chia sẻ tại Diễn đàn Vietnam Business Insights (Thấu hiểu các vấn đề kinh tế của Việt Nam) vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Tái định nghĩa phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam”.

Việt Nam phải tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet
Việt Nam phải tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet

Tăng thu hút ngoại lực

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ: Trong quý I/2014, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,96% so với cùng kỳ năm 2013; tốc độ tăng năng suất lao động so với cùng kỳ năm ngoái là 3,18%; xuất khẩu tăng cao hơn so với nhập khẩu (14,1% so với 12,4%); lạm phát được kiềm chế ở mức thấp 1,24%. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tài chính và tái cấu trúc DNNN. Chính phủ Việt Nam cũng ưu tiên thực hiện 3 đột phá chiến lược về kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở. Đồng thời cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh Johan Nyvene cho hay: Việt Nam đã vươn mình trở lại sau những thách thức đầy khó khăn của kinh tế toàn cầu và đã mang nhiều cơ hội mới đến cho các nhà đầu tư thức thời. Để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, Việt Nam vẫn phải tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng quan điểm này, bà Nicola Connoly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) khẳng định: Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam vẫn nhiều cơ hội, vì thế khả năng thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn nhiều. Hơn nữa, Việt Nam đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, EU thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Đây sẽ là tiền đề mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam trong tương lai.

Chăm chút cho khu vực doanh nghiệp tư nhân

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tập trung thu hút FDI, Việt Nam cần chăm chút, đầu tư cho khu vực DN tư nhân để nâng cao năng lực và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ông Warrick Cleine - CEO của KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, sự phát triển bền vững sẽ không thể được thực hiện nếu khu vực kinh tế DN trong nước không đủ vững mạnh. Những công ty trong nước rất cần cải thiện dịch vụ của mình để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ cần có những chính sách để hỗ trợ cho khu vực DN tư nhân trong việc tiếp cận nguồn vốn, cơ chế hoạt động tốt hơn. Song song đó, cần tạo điều kiện để DN vừa và nhỏ tương tác với Chính phủ và chính sách hơn nữa để giúp DN có nền tảng thông tin vững vàng, hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh.

Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, chuyên gia kinh tế, nền kinh tế của chúng ta đang có triển vọng, dự đoán mức tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam là 5,6-5,7% trong những năm tới. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi. Để hóa giải những “điểm nghẽn” trong tăng trưởng, cần tiếp tục duy trì quan điểm giải quyết từ các “điểm nghẽn” vĩ mô tới mục tiêu duy trì "sức khỏe" DN. Tăng cường cho khu vực kinh tế tư nhân, tránh để nguồn vốn và lao động tồn đọng tại những khu vực hiệu quả thấp hơn…