Kinh nghiệm thu hút vốn FDI của một số nước châu Á

Trung Quốc

Trong hơn 10 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là nước thu hút nguồn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trên thế giới, đạt khoảng 87 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 6% tổng FDI toàn cầu.

Để đạt được thành công trên, Trung Quốc đã chuyển hướng thu hút FDI từ lượng sang chất, với quan điểm:

(i) Thu hút đầu tư nước ngoài thông qua chỉ tiêu tổng hợp như thu hút hàm lượng kỹ thuật, tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm mới;

(ii) Chuyển từ thu hút đầu tư “lôi kéo” kinh tế tổng thể sang thu hút kỹ thuật, quản lý nhân tài, nhằm tự chủ sáng tạo ngành nghề, chú trọng thu hút nhập khẩu kỹ thuật, nâng cao năng lực tự chủ sáng tạo trong lợi dụng đầu tư nước ngoài;

(iii) Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, ngành kỹ thuật cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành bảo vệ môi trường và ngành dịch vụ…;

(iv) Từng bước hình thành hệ thống chính sách đầu tư thống nhất cho cả doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài và DN trong nước, tạo môi trường kinh tế thị trường cạnh tranh công bằng, ưu việt hóa hơn nữa môi trường đầu tư mềm, xóa bỏ chính sách “siêu đãi ngộ” đối với DN đầu tư nước ngoài;

(v) Tăng cường kiểm tra và giám sát đối với việc công ty nước ngoài mua lại những DN trọng điểm thuộc các ngành nhạy cảm của Trung Quốc, giám sát chặt chẽ những vấn đề khác liên quan đến an ninh kinh tế quốc gia;

Trung Quốc luôn là nước thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trên thế giới, đạt khoảng 87 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 6% tổng FDI toàn cầu.

(vi) Ban hành Luật Chống độc quyền, chú trọng hơn nữa công tác chống độc quyền;

(vii) Tăng cường quản lý, giám sát thuế, phòng ngừa DN đầu tư nước ngoài thông qua định giá chuyển dịch tài sản, chuyển lợi nhuận phi pháp ra ngoài.

(viii) Xây dựng cơ chế định giá tài sản DN hợp lý, phù hợp với yêu cầu của thông lệ quốc tế, phòng tránh tổn thất đầu tư nước ngoài thông qua mua lại công ty trong nước thu lợi lớn hơn;

(ix) Khuyến khích công ty xuyên quốc gia triển khai đầu tư vào lĩnh vực xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển tại Trung Quốc, chuyển hướng đầu tư từ gia công đơn giản, ngành chế tạo lắp ráp trình độ thấp, sang nghiên cứu phát triển, thiết kế công nghệ mũi nhọn và phát triển ngành lưu thông hiện đại;

(x) Nâng cao chất lượng và trình độ, mở rộng quy mô đầu tư nước ngoài vào khu vực miền Trung, miền Tây và khu vực công nghiệp cũ vùng Đông Bắc, nhằm thúc đẩy phát triển hài hòa kinh tế giữa các khu vực. Ban hành và thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích DN nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường sinh thái ở 3 khu vực này;

(xi) Giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất của ngành Hải quan, tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở tín dụng xã hội, tạo môi trường ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào đây bỏ vốn.

Malaysia

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia là một trong những “điểm sáng” về thu hút dòng vốn FDI với nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào đây đầu tư. Luật Khuyến khích đầu tư năm 1968 hay việc thành lập các Khu Thương mại Tự do trong thời kỳ đầu của thập kỷ 1970, đến các biện pháp khuyến khích xuất khẩu và đẩy mạnh chính sách kinh tế mở trong những năm 1980 đã dẫn đến tăng trưởng đột biến của dòng vốn FDI vào cuối năm 1980 (Omer & Yao 2011).

Có thể thấy, năm 1990, dòng vốn FDI đầu tư vào nước này mới đạt 2,6 tỷ USD nhưng đã nhanh chóng đạt mức 7,3 tỷ USD vào năm 1996 (Hình 1). Tuy nhiên, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, dòng vốn FDI vào nước này năm 1998 và năm 2001 lần lượt giảm xuống còn 2,7 tỷ USD và 0,6 tỷ USD. Đến năm 2009, dòng vốn này chỉ đạt ở mức 1,5 tỷ USD, nhưng đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và đạt mức 12,2 tỷ USD tổng số vốn đăng ký vào năm 2011 và đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2012.

Thu hút nguồn lực ngoại và bài học cho Việt Nam - Ảnh 1

Để đạt được những thành công về thu hút dòng vốn FDI, Chính phủ Malaysia đã cơ cấu lại khung chính sách, xóa bỏ hoặc giảm tài sản đảm bảo cũng như các rào cản kỹ thuật khác đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình, năm 2009, Malaysia cho phép thành lập cơ sở 100% vốn đầu tư nước ngoài cho 27 ngành dịch vụ, bao gồm: Y tế, xã hội, du lịch, giao thông và các dịch vụ liên quan tới máy tính…

Hơn nữa, nước này còn áp dụng các chính sách thuế ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các hoạt động và các sản phẩm nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư (mức độ giá trị gia tăng, công nghệ được sử dụng và các mối liên kết công nghiệp)… Qua đó, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới được hưởng trợ cấp thuế đầu tư, các chương trình ưu đãi khác.

Thái Lan

Số liệu hình 2 cho thấy, vốn FDI tích lũy của Thái Lan tăng đều đặn qua các năm, ngoại trừ thời điểm hai cuộc khủng hoảng (cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008).

Phần lớn FDI ở Thái Lan tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm cao cấp. Chẳng hạn, đứng đầu là nhóm ngành máy móc và thiết bị vận tải, năm 2012 chiếm tới 59,4% tổng số vốn FDI tại nước này. Tiếp đến là nhóm ngành thiết bị điện và điện tử lần lượt chiếm tỷ lệ 34,6% và 13,8% trong tổng vốn FDI năm 2012. Hiện nay, các nước và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Thái Lan gồm: Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore…

Để thu hút được lượng lớn vốn FDI từ nước ngoài, Thái Lan đã có một số khung chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư như: trình tự thủ tục cấp giấy phép đầu tư, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hoặc bị hạn chế đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư…:

Về trình tự thủ tục cấp phép đầu tư, ở Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư theo các hình thức sau: (i) thành lập công ty TNHH với phần lớn vốn sở hữu của người Thái; (ii) thành lập công ty với phần lớn vốn sở hữu của nước ngoài theo giấy phép kinh doanh nước ngoài; (iii) thành lập DN với phần lớn sở hữu nước ngoài không cần giấy phép kinh doanh nước ngoài…

Về các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hoặc bị hạn chế đầu tư, tháng 02/2011, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đã phân loại các hoạt động khuyến khích đầu tư thành 7 nhóm: (i) nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp; (ii) khai thác, gốm sứ và kim loại gốc; (iii) ngành công nghiệp nhẹ; (iv) sản phẩm kim loại, thiết bị vận tải và máy móc; (v) ngành công nghiệp điện tử và thiết bị điện; (vi) hóa chất, nhựa và giấy; (vii) dịch vụ và tiện ích công cộng…

Về chính sách ưu đãi đầu tư, các ưu đãi thuế quan gồm: (i) miễn/giảm thuế nhập khẩu máy móc; (ii) giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thiết yếu hoặc nguyên liệu thô; (iii) miễn thuế đối với cổ tức và thu nhập cá nhân theo luật định; (iv) giảm 50% thuế TNCN, thuế TNDN; (v) giảm gấp đôi thuế đối với vận tải, cung cấp điện và nước; (vi) giảm thêm 25% chi phí lắp đặt hoặc xây dựng các cơ sở vật chất; (vii) miễn thuế nhập khẩu các nguyên liệu thô/thiết yếu phục vụ xuất khẩu.

Thu hút nguồn lực ngoại và bài học cho Việt Nam - Ảnh 2

Các ưu đãi phi thuế quan bao gồm: (i) cho phép kiều bào người Thái trở về nước để tìm kiếm các cơ hội đầu tư; (ii) cho phép tiếp nhận các công nhân và chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao vào Thái Lan làm việc trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư; (iii) cho phép thuê mướn đất; (iv) cho phép rút tiền và chuyển tiền bằng ngoại tệ ra nước ngoài…

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm thu hút dòng vốn FDI của ba nước trong khu vực châu Á ở trên cho thấy, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI. Nguồn vốn FDI được xác định là “chất xúc tác” quan trọng của Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để đạt được những thành công về thu hút dòng vốn FDI, Malaysia đã cơ cấu lại khung chính sách, xóa bỏ hoặc giảm tài sản đảm bảo cũng như các rào cản kỹ thuật khác đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay là cơ hội thuận lợi cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI. Để tận dụng được thời cơ và cơ hội thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần chú ý một số điểm sau:

Thứ nhất, cần có một định hướng chiến lược đúng đắn về phát triển các ngành Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ cũng như định hướng đầu tư FDI vào các ngành này, để các nhà đầu tư xác định được phương hướng phát triển của ngành trong thời gian tới và có những quyết định đầu tư hợp lý.

Thứ hai, có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp để tăng thêm tính hấp dẫn về lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, những chính sách này vừa phải đáp ứng nguồn thu cho ngân sách, lại vừa khuyến khích phát triển kinh tế ở các vùng, khu vực mà điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế. Cùng với đó, có chính sách thuế nhập khẩu các mặt hàng công nghệ ở mức hợp lý, để khuyến khích nhập khẩu sản phẩm, thiết bị công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước và góp phần cải thiện công nghệ của nước ta.

Thứ ba, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, các chủ đầu tư để tận dụng thế mạnh của từng loại hình đầu tư, từng chủ đầu tư. Từ đó, kết hợp với những chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế TNDN, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất…

Thứ tư, cần có những chính sách, luật có những quy định hạn chế nhất định đối với các dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến chính trị - an ninh quốc gia, môi trường sinh thái... Bên cạnh đó, chúng ta cần cân nhắc kỹ khi ra quyết định đầu tư đối với những ngành nghề giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, trong trường hợp cần thiết có thể đóng cửa đầu tư để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Thứ năm, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ những bất cập, mặt trái trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng và chịu ảnh hưởng nhiều từ những biến động của kinh tế thế giới. Từ đó mới có thể tận dụng hiệu quả những cơ hội do đầu tư nước ngoài mang lại, giảm thiểu những tiêu cực trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thế chủ động trong việc thu hút dòng vốn FDI nhằm đạt hiệu quả cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Lee, Chew Wing. 2008. Foreign Direct Investment, Pollution and Economic Growth: Evidence from Malaysia. Nottingham Centre for Research on Globalisation and Economic Policy;

2. IRBM Multinational Tax Department. 2012. Malaysian Transfer Pricing Guidelines. Malaysia;

3. Manal Suliman Omer & Liu Yao. 2011. Empirical Analysis of the Relationships between inward FDI and Business Cycles in Malaysia;

4. Muhammad Cholifihani. 2012. Foreign Direct Investment and the role of government in Indonesia. Workshop on Sharing Asian Experiences: Promoting FDI Effectively;

5. Ramasamy B. & Yeung M. 2004. The European Union's foreign direct investment into Indonesia: Determinants and threats. Foreign Investment in Developing Countries, edited by H.S.Kehal. Palgrave Macmillan, New York;

6. United Nations Conference on Trade and Development. 2013. UNCTAD stastistics 2012;

7. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. 2008. Luật Thuế TNDN Việt Nam;

8. Ramasamy B. & Yeung M. 2004. The European Union's foreign direct investment into Indonesia: Determinants and threats. Foreign Investment in Developing Countries, edited by H.S.Kehal. Palgrave Macmillan, New York.  

Thu hút nguồn lực ngoại và bài học cho Việt Nam

TS. PHẠM THÁI HÀ - Ban Kinh tế Trung ương

(Tài chính) Những “điểm sáng” về thu hút nguồn lực ngoại, đặc biệt nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của một số nước trong khu vực châu Á trong vài năm trở lại đây cho thấy, những chính sách ưu đãi đầu tư điển hình mà các nước này áp dụng là giảm thuế, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề thế mạnh… Đây chính là hướng đi quan trọng trong việc thu hút dòng vốn ngoại của các nước trong cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt trên thế giới.

Xem thêm

Video nổi bật