Thúc đẩy kinh tế xanh: Chỉ vốn là chưa đủ

Theo Trung Minh/thoibaonganhang.vn

Thực tiễn triển khai đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, tín dụng xanh còn gặp khá nhiều khó khăn, bởi rất ít các địa phương có quy hoạch về vùng, tiểu vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch cây, con, ngành nghề cũng chưa rõ, chủ yếu là sản xuất manh mún, tự phát.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhận thức sâu sắc rằng chỉ có phát triển bền vững mới đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất kinh doanh và giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động, thời gian qua, Agribank luôn chú trọng tín dụng vào dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và NHNN Việt Nam có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống.

NH cũng đã nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Các khách hàng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được chấp thuận cho vay. NH kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội.

Với lợi thế về kinh nghiệm, quy mô, mạng lưới… Agribank còn được chọn tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do WB và các tổ chức tài chính tài trợ như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên…

Đặc biệt, để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ngày 1/11/2016, Agribank đã tiên phong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”. Đến nay, từ vốn vay của Agribank, khắp mọi vùng, miền, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dần được hình thành.

Agribank luôn xác định việc đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ là mục tiêu chiến lược vì một nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn và phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank cho biết, thực tiễn  triển khai đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, tín dụng xanh còn gặp khá nhiều khó khăn, bởi rất ít các địa phương có quy hoạch về vùng, tiểu vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch cây, con, ngành nghề cũng chưa rõ, chủ yếu là sản xuất manh mún, tự phát.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao còn chậm khiến NH phải tự mày mò các quy định liên quan nên gặp không ít khó khăn.

Những giải pháp quan trọng

Để tháo gỡ những vướng mắc  trên, lãnh đạo Agribank cho rằng chỉ riêng vốn NH là chưa đủ. Để có thể đạt được mục tiêu trên, lãnh đạo Agribank mạnh dạn đề xuất 5 giải pháp lớn với Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành liên quan và địa phương.

Một là, sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu; Các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp cần xây dựng tiêu chí cụ thể và có cơ chế khuyến khích tư nhân và DN đầu tư vào lĩnh vực này; Đồng thời các địa phương cần quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Hai là, DN đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết “4 nhà” nhưng còn phụ thuộc lớn vào năng lực tài chính, quản trị, điều kiện kho bãi, nhà máy chế biến... Do vậy, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, DN trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng “nhà” và có chế tài ràng buộc để giữ mối liên kết.

Ba là, chính quyền địa phương quan tâm, ổn định quy hoạch vùng, tiểu vùng ngành nông nghiệp, hỗ trợ NH, DN, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng như đẩy nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận...

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi và bảo hiểm tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay…

Năm là, khuyến khích các hiệp hội, chỉ đạo các thành viên thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận nhằm hạn chế việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây thiệt hại cho nhau.

Ngoài ra, nên gắn trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương trong việc quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi nhằm kiểm soát và có chế tài xử lý đối với tình trạng kiềm giá, ép giá…

Riêng Agribank, lãnh đạo NH này khẳng định sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 phù hợp với định hướng, mục tiêu của Agribank và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Qua đó, khẳng định vai trò “đầu tàu” trong đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, tín dụng xanh, cũng như nhiều chương trình cho vay ưu đãi khác trong lĩnh vực nông nghiệp.