Thúc đẩy phát triển mô hình tổ hợp tác: Địa vị pháp lý nào?

Theo daibieunhandan.vn

Cùng với kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể (hai thành phần phổ biến là hợp tác xã và tổ hợp tác) được xác định là nền tảng vững chắc của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế, mô hình tổ hợp tác vẫn chưa nhận được sự quan tâm thấu đáo, dù có những đóng góp không nhỏ trong tạo việc làm, tăng thu nhập ở nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Bị bỏ rơi”

Thống kê của Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ở 50/63 tỉnh, thành cho thấy, cả nước hiện có khoảng 98.000 tổ hợp tác, thu hút khoảng 1,2 triệu thành viên, tạo ra gần 1,1 triệu việc làm cho khu vực nông thôn. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 229 triệu đồng/năm, lãi 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho lao động thường xuyên là 26 triệu đồng/năm.

Trên thực tế, mô hình tổ hợp tác hoạt động phù hợp với nhu cầu liên kết của nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt phát triển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khi tiến hành sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Qua đó, nông dân cùng góp công, góp của để tiến hành sản xuất.

Điều này giúp hạn chế yếu kém của hộ nông dân nhỏ lẻ như thiếu vốn, công cụ lao động, tư liệu sản xuất; giảm bớt rủi ro cũng như chi phí sản xuất, qua đó tăng sức cạnh tranh cho nông dân; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các tổ viên. Việc thành lập các tổ hợp tác cũng rất đơn giản, chỉ cần có hợp đồng chứng thực của UBND cấp xã, nên tạo thuận lợi cho nông dân thực hiện liên kết.

Kinh tế tập thể (gồm hai thành phần chính là hợp tác xã và tổ hợp tác) được xác định là một trong hai thành tố tạo nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân (theo Nghị quyết số 13/NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, BCH TƯ Đảng Khóa IX ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể).

Kết luận 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TƯ 5 Khóa IX cũng tiếp tục khẳng định, “phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước”.

Song, thực tế, “các tổ hợp tác gần như không có sự quan tâm đáng kể nào so với hợp tác xã. Ngoài Nghị quyết số 13/NQ/TW thì gần như không có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định chính sách thêm cho tổ hợp tác, mà chỉ nhận được “rơi rớt” từ hợp tác xã”, bà Nguyễn Thị Mai Hương, đại diện Vụ Hợp tác xã đánh giá.

Cũng theo bà Hương, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Thông tư số 04/2008 hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, trong đó nêu rõ: UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện hỗ trợ thành lập mới tổ hợp tác, đào tạo, bồi dưỡng tổ trưởng tổ hợp tác song nguồn kinh phí này rất hạn chế, sau khi đầu tư cho hợp tác xã rồi thì hầu như không còn nguồn cho các tổ hợp tác. “Khu vực này đang bị bỏ rơi”, bà Hương nói.

Chia nhỏ chính sách?

Thủ tục thành lập đơn giản, hoạt động linh hoạt, luôn biến động về số lượng là những nét đặc trưng của các tổ hợp tác. Vấn đề đặt ra là có cần thiết điều chỉnh bằng khung pháp lý cứng nhắc hay không? Câu trả lời là cần thiết.

Bởi lẽ, hiện nay, hoạt động của các tổ hợp tác vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử, các tổ hợp tác vẫn chưa có tư cách pháp nhân, do vậy tư cách chủ thể của quan hệ dân sự chưa rõ ràng. Muốn ký kết hợp đồng với đối tác, các tổ phải thông qua UBND cấp xã, làm hạn chế khả năng hoạt động, hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh của tổ.

Bên cạnh đó, các tổ hoạt động không ổn định, có thể “nay hợp mai tan”, lại không có cơ chế công khai tổ viên, điều này có thể dẫn đến rủi ro cho đối tác, hệ quả là hạn chế việc ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, trong tổng số 87.000 cán bộ quản lý mô hình tổ hợp tác được Vụ Hợp tác xã thống kê ở 32 tỉnh cho thấy, chỉ 16.000 người qua đào tạo sơ cấp (chiếm 18%); số người được đào tạo cao đẳng, đại học là 3.000, chiếm khoảng 3,5%. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các tổ hợp tác trong khả năng tiếp cận thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật…

Từ thực tế này, yêu cầu đặt ra là cần tạo địa vị pháp lý vững vàng cho các tổ hợp tác để chủ động trong hoạt động hợp tác, ký kết hợp đồng, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho tổ viên. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ riêng cho các tổ hợp tác để thúc đẩy hoạt động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về tổ hợp tác. Theo đó, các tổ hợp tác phải tiến hành đăng ký và cấp mã số để tạo địa vị pháp lý; công khai thông tin về tổ hợp tác, người đại diện và thành viên tổ hợp tác thông qua Cổng thông tin quốc gia về tổ hợp tác, bảo đảm quyền lợi của các tổ, tổ viên cũng như đối tác.

Việc đăng ký này chỉ áp dụng cho các tổ hợp tác hoạt động ổn định, có sản xuất, kinh doanh; không áp dụng với tổ hợp tác đơn giản như các câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích… Dự thảo Nghị định cũng đề xuất chính sách hỗ trợ riêng cho các tổ hợp tác, đồng thời bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ riêng, thay vì gộp vào với hợp tác xã như hiện nay.

Điều này có chia nhỏ chính sách không khi tách bạch tổ hợp tác và hợp tác xã? Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ Hợp tác xã cho rằng, khi đưa ra chính sách hỗ trợ đối tượng nào thì phải bảo đảm đi vào cuộc sống. Từ trước tới nay, các tổ hợp tác đang bị rơi vào tình trạng “chính sách cho có” khi những hỗ trợ vẫn bị gộp chung vào với hợp tác xã, trong khi nguồn kinh phí này rất có hạn. Do vậy, với việc ban hành nghị định riêng về tổ hợp tác mới mong các tổ này được hỗ trợ thực chất.