Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam–Trung Quốc

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Sáng 18/11/2012 tại Thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thương mại Việt Trung. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc; ông Nguyễn Văn Thơ – đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc; ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc; đại diện các ban, ngành và các doanh nghiệp.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam–Trung Quốc
Ông Phạm Gia Túc– Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc tại diễn đàn
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Gia Túc– Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc tại diễn đàn.

Ông đánh giá thế nào về kết quả hợp tác kinh tế - thương mại Việt – Trung trong thời gian qua?

Trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc không ngừng tăng nhanh với tốc độ trung bình 32%/năm trong giai đoạn 2000 - 2010. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2011 tổng kim ngạch thương mại hai nước là 35,7 tỷ USD (trên tổng kim ngạch 202,1 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2011) tăng 30,7 % trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 11,1 tỷ USD tăng 52% và nhập khẩu là 24,6 tỷ USD tăng 22%. Chín tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc – Việt Nam đã đạt gần 29,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 9,256 tỷ USD và nhập khẩu 20,652 tỷ USD từ Trung Quốc. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã mặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2015. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng, trong đó có các nhóm hàng chính gồm: Hàng nhiên, nguyên liệu, nông sản, lâm, thủy sản và hàng tiêu dùng như: than đá, dầu thô, rau, quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, sản phẩm điện tử.... Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm của công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến như: xăng dầu, máy móc thiết bị, phụ tùng, phân bón, sắt thép...

Tính đến 20/8/2012, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam có 866 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 4,52 tỷ USD (trên tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt gần 198 tỷ USD), đứng thứ 14/96 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư thực hiện của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam tính đến nay đạt khoảng 1,8 tỷ USD, chiếm 39,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hầu hết các dự án đang được triển khai thuận lợi và thành công, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp hai nước.

Như các bạn đã biết, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đã thành công tốt đẹp với mục tiêu xây dựng xã hội khá giả, toàn diện vào năm 2020. Sự kiện này sẽ mở ra những bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung.

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và người sử dụng lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những hoạt động gì để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung, thưa ông?

Là tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, chúng tôi thường xuyên tổ chức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các đoàn tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm Trung Quốc như các đoàn Chủ tịch nước, Thủ tướng thăm Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Liễu Châu, Giang Tô, Hải Nam... tham dự các hội chợ triển lãm lớn ở Trung Quốc như: CAEXPO, Thượng Hải, Quảng Châu...đón và hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vào Việt Nam tổ chức và tham dự các hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường, góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư – kinh doanh giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Để thiết lập kênh thông tin về hợp tác đầu tư- kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thành lập Diễn đàn doanh nghiệp và Hội đồng kinh doanh Việt Nam – Trung Quốc. Cơ chế hợp tác này đã thu hút sự tham gia của hơn 2000 doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc, đã thực sự trở thành cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế- thương mại giữa hai nước.

Ông nhận định thế nào về tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Trung Quốc nói chung, khu vực Quảng Tây nói riêng?

Với thị trường Trung Quốc rộng lớn và đầy tiềm năng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư, kinh doanh tại Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam không chỉ là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư, kinh doanh trên thế giới mà với vai trò,vị trí ngày càng tăng của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, Việt Nam còn là của ngõ để các doanh nghiệp và hàng hóa của các nước trong đó có Trung Quốc thâm nhập các khu vực thị trường quan trọng khác.

Cùng với đà phát triển chung tốt đẹp của quan hệ hai nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã có những bước tiến triển mới. Năm 2011 kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt 7,5 tỷ USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ, đứng đầu trong thương mại giữa Quảng Tây và ASEAN. Đến cuối 2011, Quảng Tây có 133 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đăng ký hơn 278 triệu USD, Việt Nam có 23 dự án đầu tư tại Quảng Tây với số vốn hơn 90 triệu USD. Hai bên đã và đang phát huy, khai thác thế mạnh của nhau trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư nhằm đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ yêu cầu phát triển của mỗi bên.

Diễn đàn kinh tế - thương mại được tổ chức tại TP.Liễu Châu ngày hôm nay là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Liễu Châu trực tiếp gặp gỡ và thiết lập quan hệ hợp tác đầu tư cho hiện tại và tương lai. Với chính sách đổi mới, hội nhập và sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm qua, Việt Nam đang là đất nước ổn định, giàu tiềm năng. Cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN có hiệu lực từ 1/2010, thị trường Việt Nam gần 90 triệu dân thân thiện, mến khách đang là cơ hội, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, kinh doanh, khách du lịch quốc tế và các doanh nghiệp

Cộng đồng hơn 500 ngàn doanh nghiệp Việt Nam luôn tri ân sự quan tâm, ủng hộ, hợp tác hiệu quả của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và sẽ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, mong muốn của lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, góp phần củng cố thêm quan hệ hữu nghị, truyền thống, đối tác hợp tác, chiến lược toàn diện Việt Nam và Trung Quốc ngày càng hiệu quả và bền vững.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã và sẽ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam và luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư- kinh doanh cũng phát triển.

Xin cảm ơn ông!