Thúc đẩy số hóa trong sản xuất nông nghiệp

Theo Thanh Hải/sggp.org.vn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, sản xuất nông nghiệp cung cấp thực phẩm lại càng là yếu tố quan trọng. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư tiền tỷ để đưa công nghệ vào sản xuất, vừa nâng cao sản lượng, vừa kiểm soát và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong nhà máy.

Thúc đẩy số hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Thúc đẩy số hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ động

Trong mọi hoàn cảnh, thực phẩm luôn là nhu cầu thiết yếu. Nhất là trong thời dịch, mỗi nông dân phải như một pháo đài vững chắc để nông nghiệp tăng sản lượng. Bởi, chỉ cần một người nhiễm bệnh thì cả hệ thống sản xuất bắt buộc cách ly, ảnh hưởng đến sản lượng. Mặt khác, nhiều nước đang thiếu thực phẩm - đây là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo quan điểm của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), biện pháp duy nhất là cơ sở sản xuất đưa công nghệ vào hệ thống phần mềm công ty, ứng dụng quản lý nội bộ, họp trực tuyến… nhằm hạn chế tiếp xúc.

Với hơn 1.400 lao động trong doanh nghiệp (DN), ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, xác định chỉ cần xảy ra trường hợp nhiễm, trang trại sẽ bị cách ly, ảnh hưởng lớn đến hoạt động DN. Cho nên, công nhân vào trang trại phải được sát trùng. DN xây dựng phòng ở, khu tiện ích ngay trong trại để công nhân yên tâm làm việc nhiều tháng không ra ngoài, hạn chế tiếp xúc. Toàn bộ công ty làm việc qua hệ thống camera, điều hành trực tuyến, phần mềm quản trị… Việc quản lý người lạ ra vào khu vực sản xuất được siết chặt, khoanh vùng để hạn chế. 

Để tạo nền tảng vững chắc, ngay từ khi khởi nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, đã xác định phải phát triển bền vững và đa dạng hóa nhiều thị trường từ cách đây 12 năm. Thay vì mua hàng qua trung gian, DN liên kết với nông dân. DN còn đầu tư công nghệ, xây dựng phần mềm quản lý sản xuất trên điện thoại nhằm đảm bảo an toàn lực lượng sản xuất trong mùa dịch. Nhờ vậy, DN luôn sản xuất tăng 130% trong giai đoạn này.

Gói hỗ trợ vẫn chưa đến DN

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay, do dịch bệnh, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng, nhiều đơn hàng phải giãn thời gian thanh toán khiến DN thiếu vốn trầm trọng. Nhiều DN đã đề nghị ngân hàng gia hạn nợ như chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên phía ngân hàng lại thông tin nếu viết đơn gia hạn sẽ trở thành nợ xấu, dẫn đến khó vay về sau. Thậm chí, DN xin chậm đóng bảo hiểm xã hội nhưng phải chờ thanh tra xác định tình hình sản xuất. Theo nhiều DN, chỉ cần giãn thời gian trả lãi suất là đã giúp DN ổn định sản xuất; ngay sau khi hết dịch, DN sẽ đóng lại cho Nhà nước - có nghĩa “đóng chậm” chứ không “xin”. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có gói cho vay hỗ trợ DN trong mùa dịch, nhưng nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai, với các lý do như phải chờ thẩm định, chờ thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, dịch lan nhanh, chính sách hỗ trợ lại rất chậm, DN “khát” vốn để xoay xở, càng làm khó chồng khó. 

Theo ông Võ Quan Huy, Công ty TNHH Huy Long An, nguồn nguyên liệu trong nông dân đang rẻ (do ách tắc xuất khẩu), DN có thể tăng lượng thu mua hỗ trợ nhà nông trong giai đoạn này, nhà nông và DN chế biến có thể bắt tay biến “nguy” thành “cơ”, nhưng cái khó là DN đang đầu tư tiền tỷ vào công nghệ để gia tăng giá trị hàng hóa; muốn phát triển thị trường, muốn thu mua hết nguyên liệu trong dân cần phải khơi thông nguồn vốn. Do vậy, đây chính là lúc các hiệp hội thể hiện vai trò của mình, đề xuất Chính phủ để quyết đoán trong việc hỗ trợ DN nhanh nhất. 

Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh trong thời điểm dịch, nhiều sản phẩm nhập khẩu không thể vào thị trường trong nước. Ông Trương Gia Bình khẳng định đây chính là thời cơ cho các DN Việt Nam phát triển, nhưng cần phải thay đổi hình ảnh, bao bì, chất lượng, để khách hàng nhìn vào sản phẩm Việt Nam thì có ấn tượng tốt. DN cần đẩy mạnh công nghệ vào quản trị, để nhân viên làm việc tại nhà thông qua hệ thống quản trị hiện đại trên máy tính cá nhân, điện thoại thông minh. Song song đó, DN lựa chọn sản phẩm nổi trội để xây dựng hình ảnh trên thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử, hướng tới số hóa sản phẩm. Về phía VIDA sẽ hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đây là lúc các DN nông nghiệp số hóa. Mô hình của VIDA có DN sản xuất, DN thương mại điện tử, DN công nghệ, DN kinh doanh… rất bài bản, có thể tăng cường tiêu thụ, kích cầu trong nội bộ để sử dụng tiện ích lẫn nhau.

Hiện DN tương tác quốc tế còn kém, hiệp hội quản trị còn kém, sức mạnh nội lực của hội viên còn yếu, do đó VIDA có thể bổ trợ cho hiệp hội khác để liên kết cùng phát triển. Phải nhanh chóng chuẩn bị, ngay khi các thị trường xuất khẩu phục hồi, DN cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu.