Thực thi cam kết TPP - cơ hội và thách thức

TS. Võ Trí Thành

(Tài chính) Có thể kỳ vọng gì về tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với nền kinh tế và những thách thức nào Việt Nam sẽ phải đối mặt? Dưới đây là những giải đáp, mổ xẻ của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương xung quanh vấn đề này.

Thực thi cam kết TPP - cơ hội và thách thức
Dệt may được hưởng lợi nhiều từ TPP. Nguồn: internet
Những bất lợi

Trên thực tế, với cam kết là một liên kết khu vực mở, phạm vi điều chỉnh của TPP có 4 đặc trưng cơ bản:

Một là, TPP phải là một hiệp định đòi hỏi cao đối với việc loại bỏ các rào cản thông thường (thuế quan và hạn chế định lượng) trong một thời gian xác định tại tất cả các thành viên.

Hai là, TPP phải xử lý những vấn đề chính sách mới liên quan đến thương mại điện tử và sự phân khúc quá trình sản xuất kinh doanh trong chuỗi cung ứng hiện đại.

Ba là, TPP tìm cách duy trì sự liên kết giữa các nước phát triển và đang phát triển (điều mà cho đến nay Vòng đàm phán Doha đã thất bại). TPP né tránh các biện pháp đối xử đặc biệt (SDT) song tạo động lực để nền kinh tế thu nhập thấp tham gia.

Bốn là, TPP đề cập rất nhiều vấn đề “sau đường biên giới”, đảm bảo chính sách và quy chế minh bạch và có khả năng dự đoán. Bên cạnh chuẩn mực giám sát và xử lý tranh chấp cùng tiêu chuẩn về lao động, môi trường, TPP còn có cam kết về mua sắm Chính phủ, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ (IPR)...

Những đòi hỏi của một TPP tham vọng cho thấy quá trình đàm phán là không đơn giản, thậm chí rất căng thẳng, nhất là đàm phán về các vấn đề như IPR, chính sách cạnh tranh, phán xử tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước, tiêu chuẩn lao động. Mua sắm Chính phủ, nguyên tắc xuất xứ, nông nghiệp cũng có thể là những vấn đề đầy thách thức đối với đàm phán. Khó khăn để ra đời một TPP cũng bao hàm ý nghĩa hiệp định có thể có những tác động đáng kể đến các nền kinh tế thành viên, cả đối với GDP và xuất khẩu. Cũng có lập luận cho rằng do sự chồng chéo nhiều FTA trong khu vực với mức độ tự do hóa cũng khá cao về thương mại, nên đánh giá trong bảng là quá mức.

Tuy nhiên, nếu xét trung dài hạn, gắn với cải cách thể chế kinh tế “sau đường biên giới” - những yêu  cầu chủ yếu của TPP - và dịch chuyển dòng vốn đầu tư thì tác động thực tế vẫn có thể lớn hơn nhiều. Một ví dụ đối với Việt Nam là đa phần những nghiên cứu định lượng đều đánh giá thấp tác động của Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. TPP cũng có thể có tác động chệch hướng thương mại, gây bất lợi  đối với một số nền kinh tế, trong đó có các nước ASEAN, không phải là thành viên. Hàm ý ở đây là bên cạnh tự do hóa, rất cần tăng cường hợp tác trong phạm vi rộng, chẳng hạn giữa Hoa Kỳ và ASEAN và giữa các thành viên APEC.

Cơ hội thay đổi mô hình tăng trưởng

Tính toán và những lập luận trên đây mới chỉ cho thấy tiềm năng và cơ hội to lớn do TPP có thể đem lại. Bài học sau 7 năm gia nhập WTO của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết. Tận dụng được cơ hội đó tùy thuộc vào việc Việt Nam có vượt qua được những thách thức cũng rất lớn trong thực thi cam kết hay không.

Tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Việt Nam phải mở cửa mạnh hơn và do vậy, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Những ngành vốn được bảo hộ nhiều và những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản. Các vấn đề xã hội nảy sinh đáng kể nơi này nơi kia. Giảm thiểu phí tổn điều chỉnh và những rủi ro xã hội trong quá trình hội nhập nói chung và thực hiện TPP nói riêng cũng là bài toán Việt Nam cần thực sự quan tâm giải quyết. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực thi các chương trình mục tiêu cụ thể và hoàn thiện dần hệ thống an sinh xã hội chính thức... là những giải pháp cần tiếp tục triển khai có hiệu quả.

Đối với doanh nghiệp, ngành hàng, lợi ích cũng không tự đến. Ngay đối với những ngành hàng được xem có lợi thế khi gia nhập TPP cũng có thể vấp phải không ít rào cản. Ví dụ, dệt may phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ (một tỷ lệ đầu vào kể “từ sợi” phải là từ các thành viên TPP) để được áp thuế suất 0% của nước thành viên nhập khẩu. Hay như đối với hàng thủy sản, vốn thuế suất không còn là rào cản chính, song các biện pháp kiểm dịch SPS có thể lại trở nên ngặt nghèo hơn.

Bản thân ngành hàng, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Một là, phải nắm được tinh thần chung và những cam kết cụ thể nhất là khi có liên quan đến ngành hàng, sản phẩm của mình. Thời điểm hiện nay rất cần thông tin và những trao đổi, đối thoại đầy đủ hơn, sâu sắc hơn giữa doanh nghiệp, hiệp hội với các bộ, ngành và Chính phủ. Thông tin không chỉ là về TPP, các FTA Việt Nam tham gia và hội nhập nói chung, mà cả về những chính sách, cải cách hiện hành cũng như những thay đổi cần thiết trong thời gian tới.

Như đã nêu, TPP là một hiệp định có rất nhiều đòi hỏi cao đối với các chính sách “sau đường biên giới”. Hai là, phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh “bằng giá” sang chú trọng cạnh tranh “phi giá” (gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, giao dịch...). Ba là, học “kết nối” và học nhờ “kết nối”. Thế giới kinh doanh hiện nay là thế giới của mạng, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, là thế giới của những liên kết nghiên cứu triển khai - sản xuất - dịch vụ - thị trường trong không gian các mối quan hệ đối tác và xã hội. Thiếu kết nối thì giao diện kém và không thể “chạy” cùng sự dịch chuyển nhanh các nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh như công nghệ, lao động có kỹ năng và thông tin hữu ích.

Tóm lại, nhìn chung cam kết và thực thi cam kết trong TPP tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay. Và đó cũng chính là cơ hội và thách thức. Cả Chính phủ, bộ máy nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cần vào cuộc vì một đất nước Việt Nam hưng thịnh, phát triển bền vững. Tất cả phụ thuộc vào chính chúng ta.