Quy mô, cơ cấu vốn đầu tư

Quy mô vốn đầu tư

Trong thời gian từ 2005 đến 2012, tỷ trọng vốn ĐTPT toàn xã hội luôn chiếm rất cao trong GDP (cao nhất là năm 2007 với 46,52%). Tuy nhiên, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm mạnh, đến năm 2012 chỉ còn 33,5% trong GDP.

Trong thời gian từ 2009-2012, tỷ trọng vốn đầu tư trong GDP theo 3 khu vực sở hữu đều giảm (KTNN - 11%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước -3,96% và khu vực kinh tế có vốn FDI -18,54%). Sự sụt giảm tỷ trọng vốn đầu tư/GDP của khu vực KTNN là do chủ trương cắt giảm đầu tư công trong thời gian qua.

Thực trạng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ở Việt Nam - Ảnh 1

Số liệu tại bảng 1 cho thấy, tổng vốn ĐTPT toàn xã hội đã liên tục tăng từ 343.135 tỷ đồng năm 2005 lên 989.300 tỷ đồng năm 2012 (tăng lên 2,88 lần). Trong đó, khu vực vốn FDI tăng nhanh nhất (4,5 lần); tiếp đến là khu vực kinh tế ngoài nhà nước (2,95 lần) và cuối cùng là khu vực KTNN 2,32 lần. Nhìn chung, quy mô vốn cho ĐTPT đều tăng trong thời gian từ 2005 - 2012, tuy nhiên có xu hướng chững lại trong tất cả các khu vực (năm 2012 chỉ cao hơn so với năm 2011 là 64.805 tỷ đồng), đặc biệt là trong 2 năm gần đây, tổng vốn đầu tư nhà nước đã không còn chiếm ưu thế mà đứng sau khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Điều này một phần là do trong năm 2011, Chính phủ thực hiện rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 và năm 2012 triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu chính phủ.

Cơ cấu vốn đầu tư

Vốn ĐTPT từ khu vực KTNN có xu hướng giảm dần tỷ trọng trong toàn bộ giai đoạn 2005-2012 từ 47% xuống còn khoảng 37%. Vốn ĐTPT từ khu vực ngoài nhà nước giữ nguyên tỷ trọng trong giai đoạn này. Khu vực FDI có sự gia tăng đóng góp cho vốn ĐTPT được coi là một tín hiệu đáng mừng. Tỷ trọng đóng góp vốn ĐTPT của khu vực này tăng từ 14,89% năm 2005 lên 23,2% năm 2012.

Trong tổng vốn, giá trị vốn đầu tư nhà nước từ 2005 - 2012, vốn đầu tư từ NSNN luôn tăng và đứng đầu qua các năm. Điều này phản ánh thực tế gia tăng chi tiêu công của Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Trong thời gian 2005 - 2012, tỷ lệ giữa vốn đầu tư từ NSNN/tổng vốn đầu tư của Nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao nhất tuy tăng giảm không đều (năm 2005 - 2010 chiếm bình quân tới 55,6%, thậm chí năm 2008, 2009 là trên 60%, năm 2010 là 44,8%, năm 2011 là 52,1 và năm 2012 là 54,8%) (Hình 1).

Thực trạng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ở Việt Nam - Ảnh 2

Hiệu quả vốn đầu tư

Hiệu quả kinh tế

Quy mô đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước trong thời gian qua duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số và có sự chậm lại trong những năm gần đây (mức tăng trung bình giai đoạn 2001 – 2005 đạt 12,68%/ năm, giai đoạn 2006 – 2010 là 11,54%/năm và xuống khoảng 6% trong năm 2011 - 2012).

Qua các số liệu ở trên có thể thấy, trong tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước từ năm 2005 - 2012, vốn đầu tư từ NSNN luôn chiếm tỷ khối lượng lớn nhất so với các nguồn vốn khác. Điều này phản ánh thực tế gia tăng chi tiêu công của Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nếu so sánh với những nỗ lực cắt giảm chi tiêu công qua NSNN thì mục tiêu này chưa đạt được hiệu quả khi năm 2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN vẫn lên tới 54,8%.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa quá nhiều vào vốn ĐTPT và phát triển theo chiều rộng. Các nhân tố phát triển theo chiều sâu ngày càng bị lấn át. Trong toàn bộ giai đoạn 2001-2010, sự đóng góp của vốn vào tăng trưởng chiếm tỷ trọng trung bình tới 55,65%, tỷ trọng đóng góp cao nhất vào năm 2009 với 72,37%.

Trong khi đó, sự đóng góp của yếu tố lao động vào tăng trưởng chiếm trung bình 25,21% trong giai đoạn 2001-2010, cao nhất vào năm 2009 với 34,02%. Mức độ đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chiếm tỷ trọng nhỏ nhất với 19,15%. Đóng góp của yếu tố TFP này không ổn định, biểu hiện qua sự “biến động” của nền kinh tế thế giới trong năm 2008 - 2009 với mức độ đóng góp tương ứng là 7,29% và -6,39%.

Thực trạng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ở Việt Nam - Ảnh 3

Trong giai đoạn 2000-2006, TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 11,6%, trong đó khu vực KTNN đóng góp 4,5%; kinh tế ngoài Nhà nước: 5,4% và kinh tế có vốn FDI chỉ đạt 1,7%.

Đến giai đoạn 2007-2012, yếu tố TFP chỉ đóng góp vào tăng trưởng 6,4%. Trong đó, khu vực KTNN đóng góp 2,2%, ngoài Nhà nước: 3,0% và kinh tế có vốn FDI: 1,2%. Như vậy, sự đóng góp của TFP vào nền kinh tế theo các phân tích này đều nhỏ, trong đó có khu vực KTNN, chứng tỏ tính hiệu quả chưa cao của khu vực này.

Bức tranh tổng thể về ĐTPT trong những năm vừa qua ở nước ta có biểu hiện chưa tích cực, trong đó ĐTPT của khu vực KTNN có một vị trí, vai trò rất quan trọng. Nguồn vốn này góp phần thu hút được nhiều nguồn lực trong nước và ngoài nước cho ĐTPT, góp phần tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, hiệu quả đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước trong thời gian qua chưa cao.

Chỉ số ICOR của kinh tế Việt Nam từ mức 3,3 giai đoạn 1991 - 1995 đã tăng lên đến mức 7,04 giai đoạn 2001 - 2005 và mức 6,18 giai đoạn 2006 - 2010. Nhờ vào những biện pháp tái cơ cấu, tập trung vào nâng cao hiệu quả đầu tư, hệ số ICOR trong hai năm 2011 - 2012 đã giảm đáng kể, đạt mức khoảng 4,6. Xét về từng dự án, còn không ít dự án đầu tư có hiệu quả thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, cá biệt có những dự án, nội dung đầu tư trùng lắp, chồng chéo, hoặc gây cản trở, làm mất hiệu quả của các dự án đã được đầu tư trước đó.

Qua các số liệu tính toán trên, ta thấy hiệu quả đầu tư từ khu vực Nhà nước có thể được chia thành hai thời kỳ:

Từ 2005-2009, hệ số ICOR tăng dần. Mặc dù tỷ lệ đầu tư từ khu vực Nhà nước so với GDP khu vực Nhà nước không tăng mà còn giảm đi trong giai đoạn này nhưng việc tạo ra giá trị gia tăng đã giảm sút, dẫn tới giá trị hệ số ICOR khu vực này tăng lên nhanh chóng, bất chấp nỗ lực cắt giảm, hạn chế đầu tư công của khu vực Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư từ NSNN có tỷ trọng lớn nhất cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự kém hiệu quả của đầu tư khu vực nhà nước nói chung.

Thực trạng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ở Việt Nam - Ảnh 4

Từ 2010-2012, ICOR có xu hướng giảm dần, chứng tỏ được hiệu quả đầu tư của khu vực KTNN đã dần được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tính chung cho giai đoạn 2005-2012, hiệu quả đầu tư của khu vực KTNN vẫn rất thấp khi giá trị hệ số ICOR là 8,58.

Nhìn chung trong cả giai đoạn 2000-2012, ĐTPT từ nguồn vốn NSNN không hiệu quả nếu xét theo khía cạnh tạo việc làm cho lao động. Tuy nhiên, điều này có thể được giải thích như sau: theo xu hướng thì khu vực Nhà nước cần giảm dần về tỷ trọng trong GDP, vốn và lao động do tính mở của cơ chế thị trường và các quy tắc ràng buộc khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Khu vực Nhà nước vốn mang đặc trưng kém hiệu quả, linh hoạt. Vì vậy, lao động được rút ra khỏi khu vực này chưa hẳn là một dấu hiệu tiêu cực.

Hiệu quả xã hội

Giảm nghèo là một trong những mục tiêu ưu tiên ở nước ta. ĐTPT có hiệu quả thể hiện ở việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm được xem xét qua hệ số co giãn (HSCG)

Để đo lường sự tác động của ĐTPT vào giảm đói nghèo có thể xem xét mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực KTNN và tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo. Qua số liệu trên, HSCG giữa đầu tư của khu vực KTNN và giảm nghèo mang giá trị âm, điều này chứng tỏ đầu tư của khu vực này có tác động tích cực tới giảm nghèo. Giá trị tuyết đối của hệ số này đã tăng lên từ 1,19 tới 1,67 chứng tỏ tác động tích cực của vốn ĐTPT tới giảm nghèo của giai đoạn sau so với giai đoạn trước.

Một số đề xuất trong giai đoạn tới

Bên cạnh những kết quả tích cực mang lại, thực tế đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước vẫn mang tính kém hiệu quả, dàn trải, chưa đồng đều, do đó kết quả mang lại chưa như mong đợi… Để có thể khắc phục được hạn chế này, tác giả đề xuất một số vấn đề sau:

Thứ nhất, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải và chậm tiến độ trong đầu tư xây dựng: Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đã được phân cấp trong quản lý, phân bổ vốn đầu tư. Ban hành các quy định cụ thể, có chế tài ràng buộc trách nhiệm bảo đảm vốn và phê duyệt dự án đầu tư. Nâng cao trình độ xây dựng, phân tích, thẩm định và quản lý dự án của cán bộ các cấp. Xây dựng các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư để hạn chế việc can thiệp, chi phối, đưa ra quá nhiều dự án, không phù hợp với khả năng nguồn vốn. Tổ chức tốt công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ xây dựng. Đơn giản hoá thủ tục đầu tư và đấu thầu.

Thực trạng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ở Việt Nam - Ảnh 5

Thứ hai, nâng cao hiệu suất, hiệu quả của công trình, dự án: Nâng cao chất lượng của báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tư; thuê các tư vấn giỏi để hỗ trợ trong các khâu tư vấn dự án, tư vấn thiết kế, lập tổng dự toán. Nghiên cứu, khảo sát kỹ trước khi quyết định đầu tư. Quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư đối với kết quả thực hiện dự án; Thực hiện tốt công tác chuẩn bị thực hiện dự án; tính toán đầy đủ các yếu tố và điều kiện khai thác, sử dụng để có thể vận hành, đưa công trình vào sử dụng ngay sau khi hoàn thành.

Thứ ba, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá và kiểm tra, thanh tra đầu tư từ NSNN: Thực hiện theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả đối với các dự án đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện giám sát ngay từ khâu lập dự án, thẩm định, bố trí vốn đầu tư, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Khẩn trương triển khai công tác giám sát cộng đồng đối với đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để góp phần làm nguồn vốn này được quản lý và sử dụng một cách công khai, minh bạch, chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng; Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phối hợp sự tham gia của các bên hữu quan đối với các dự án đầu tư công, đầu tư có nguồn từ NSNN đảm bảo công khai, minh bạch cao. Điều này sẽ có tác động tích cực tới không chỉ đầu tư của khu vực công, NSNN mà còn có tác động tới hiệu quả của đầu tư tư nhân; Có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực thi chính sách kinh tế vĩ mô, trong giám sát và kiểm soát các dòng lưu chuyển vốn.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2012), Báo cáo tình hình đầu tư phát triển năm 2012 và dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2013 và giai đoạn 2013-2015;

2. Bùi Mạnh Cường (2012), “Nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ kinh tế;

3. Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê 2011&2012;

4. Trần Thọ Đạt (2008), Sách chuyên khảo các mô hình tăng trưởng kinh tế, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thực trạng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ở Việt Nam

TS. TRỊNH MAI VÂN, NGUYỄN VĂN ĐẠI - Đại học Kinh tế Quốc dân

(Tài chính) Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư phát triển (ĐTPT) của khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn này vẫn chưa phát huy hiệu quả cao. Cơ chế phân bổ và thực hiện vốn vẫn tập trung quá nhiều vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chưa đầu tư thoả đáng cho các dự án có khả năng thu hồi vốn, trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hoá làm tăng GDP. Bài viết phân tích, thực trạng hoạt động đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ở Việt Nam thời gian qua.

Xem thêm

Video nổi bật