Thực trạng sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công: Những vấn đề đặt ra

ThS. Dương Thị Kim Tuyến

TCTC Online - Đất đai, tài sản nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy việc quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội cần đánh giá đúng thực trạng quản lý, sử dụng và những bất cập đang tồn tại để có các giải pháp quản lý phù hợp.

Một số thành công

Trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành được tương đối đầy đủ văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nhờ đó công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã từng bước đi vào nề nếp. Nhà nước đã thực hiện kiểm kê nắm được tổng quan về số lượng, giá trị và cơ cấu phân bố sử dụng tài sản nhà nước trong khu vực hành chính sự nghiệp và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp. Đã phân cấp rõ hơn nhiệm vụ quản lý giữa Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, giữa các cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành với các cơ quan, đơn vị được giao quản lý gắn với sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong quản lý, trách nhiệm của từng đơn vị trong sử dụng tài sản. Cụ thể:

Một là, chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan: Về cơ bản đã phù hợp với cơ chế thị trường; huy động được nguồn thu tài chính hiệu quả, phù hợp từ đất đai cho NSNN; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý tài chính đất đai. Trong đó, đã thống nhất chính sách tài chính đất đai với chính sách đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; giải quyết hài hoà về lợi ích giữa Nhà nước với nhà đầu tư; ổn định chi phí về đất đối với doanh nghiệp (DN). Thông qua cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đã từng bước hạn chế được tình trạng tiêu cực trong việc giao đất; bảo đảm công khai và minh bạch. Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cơ bản đã thể hiện được sự ưu đãi và khuyến khích đầu tư của Nhà nước đối với các đối tượng sử dụng đất cần ưu đãi theo pháp luật đầu tư xây dựng và chủ trương xã hội hoá. Bên cạnh đó, việc ban hành và điều chỉnh các chính sách thuế đối với BĐS cũng góp phần động viên sự đóng góp hợp lý của người sử dụng BĐS vào NSNN để bù đắp một phần chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Thông qua việc miễn, giảm thuế, Nhà nước đã thực hiện chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, cải thiện đời sống, hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất. Bảo đảm bình đẳng trong việc điều tiết thu nhập và góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp.

Hai là, chính sách xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị DN khi cổ phần hoá: Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể và thường xuyên thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn đối với vấn đề xử lý tài chính đất đai khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Những vướng mắc, hạn chế trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tương ứng đối với mỗi hình thức sử dụng đất cơ bản được xử lý và hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất của DN sau khi cổ phần hoá.

Ba là, sử dụng nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp công lập: Việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết và tiền thu được từ hoạt động này đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, khai thác tiềm lực tài chính từ đất đai bổ sung nguồn lực tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, giảm gánh nặng chi cho NSNN, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ cung cấp cho xã hội.

Bốn là, thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước: Thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và tổng công ty nhà nước đã nắm được một cách hệ thống số lượng, giá trị và hiện trạng sử dụng để có phương án sắp xếp hiệu quả, sử dụng đúng mục đích được giao theo pháp luật về quản lý công sản.

Năm là, trường hợp nhà đất sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả: Cho chuyển mục đích sử dụng đất. Qua đó, đã góp phần huy động nguồn lực to lớn từ nhà đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Sáu là, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước: Đã tạo điều kiện cho một bộ phận người dân được quyền sở hữu, tự cải thiện nhà ở của mình, từ đó giảm gánh nặng duy trì, bảo dưỡng từ NSNN và góp phần chỉnh trang đô thị.

Sáu là, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước: Đã tạo điều kiện cho một bộ phận người dân được quyền sở hữ, tự cải thiện nhà ở của mình, từ đó giảm gánh nặng duy trì, bảo dưỡng từ NSNN và góp phần chỉnh trang đô thị.

Bảy là, tăng tỷ trọng nguồn thu NSNN từ đất: Nếu như 2002, tỷ trọng nguồn tài chính thu từ lĩnh vực đất đai chỉ chiếm 4,43% thu NSNN, thì đến năm 2010 đã chiếm tới 11,21%. Đây là kết quả khả quan trong hoạt động khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, đóng góp vào NSNN. Xét riêng khía cạnh nguồn thu từ tiền sử dụng đất thì giá trị thu được dưới hình thức này cũng tăng theo thời gian. Con số thống kê cho thấy nếu như năm 2005, số tiền thu được từ thuê đất đóng góp 799 tỷ đồng cho NSNN thì đến năm 2010 con số này đã tăng 3,5 lần, đạt mức 2.900 tỷ đồng; tiền thu sử dụng đất năm 2005 là 14.176 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã đạt 48.662 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.

Tám là, đa dạng hơn trong các hình thức khai thác: Trong những năm gần đây, hình thức thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai ở Việt Nam dần đa dạng, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Trong cổ phần hoá DNNN, hình thức tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN đã được áp dụng, làm tăng hiệu quả quá trình thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai. Bên cạnh đó, thông qua sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản mang lại đã bổ sung đáng kể cho đầu tư phát triển và cho NSNN.

Một số hạn chế

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được trên, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đát đai, tài sản nhà nước hiện nay cũng còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Cụ thể:

- Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định còn phân tán, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa điều chỉnh bao quát hết các quan hệ về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hiệu lực pháp lý còn thấp. Trong hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tài sản nhà nước, từ Hiến pháp cho đến các nghị định, quyết định, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ nhưng lại rất phân tán. Trong khi đó cho đến thời điểm hiện nay, hai văn bản cấp nghị định của Chính phủ là Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 về quản lý tài sản nhà nước và Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước là hai văn bản pháp luật chuyên ngành quan trọng nhất, quy định tập trung nhất về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tuy nhiên, các quy định chủ yếu tập trung vào việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, còn những quan hệ về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.

- Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quản lý, theo dõi sát được thực trạng và biến động của tài sản nhà nước. Thực tế, tình trạng sử dụng đất đai, tài sản nhà nước sai mục đích, sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, lãng phí vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở các lĩnh vực, các cơ quan, tổ chức. Đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội và doanh nghiệp còn bị lãng phí, sử dụng sai mục đích như: bỏ trống, cho thuê, cho mượn, sử dụng để kinh doanh sai mục đích… vẫn còn xảy ra thường xuyên.

Hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức chiếm giữ quá nhiều nhà, đất so với nhu cầu sử dụng thực tế, sử dụng sai mục đích hoặc lãng phí, chưa tận dụng hết nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ đất chưa sử dụng còn khá lớn (3.164 nghìn ha) và việc khai thác quỹ đất này đưa vào sử dụng trong thời gian qua chưa đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội duyệt (bình quân đạt 95,15%), việc khai thác, sử dụng đất đai chưa thực sự tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng như giao thông, bưu chính viễn thông, văn hoá, giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội… (1.207 nghìn ha) hiện chưa được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả. Việc sử dụng đất chưa tuân thủ triệt để theo quy hoạch dẫn đến một mặt giảm hiệu quả sử dụng đất, mặt khác hạn chế khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài chính từ đất đai vào NSNN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Việc xác định nghĩa vụ tài chính đất đai cụ thể đối với công trình ngầm chưa được đánh giá, quan tâm đúng mức, dẫn tới tính toán thu tiền sử dụng đất chưa đảm bảo tính khoa học. Tình trạng các dự án chậm triển khai, đất đai bị bỏ trống, vẫn còn tương đối phổ biến; Việc giao đất, cho thuê đất phần lớn vẫn theo hình thức chỉ định, chưa thực hiện triệt để theo cơ chế đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

- Công tác quản lý tài chính đất đai, tài nguyên khác còn nhiều sơ hở. Một số địa phương xác định giá thuê đất thấp hơn nhiều so với quy định. Tình trạng bao cấp đất đai cho tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất ở một số dự án tại một số địa phương vẫn còn tiếp diễn do giá đất tính thu tiền sử dụng đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành còn thấp so với quy định. Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản nhà nước được giao ở các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội hiện nay cũng là vấn đề rất đáng quan ngại và dư luận rất quan tâm.

Nếu cách đây khoảng 10 năm, không ít người dân Hà Nội bức xúc trước việc trụ sở Câu lạc bộ Đoàn kết tại 63 Lý Thái Tổ (Hà Nội) bị tổ chức chủ quản đem liên doanh với nước ngoài thì hiện nay, những sự việc tương tự xảy ra đã không còn hiếm. Việc quản lý và sử dụng các trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh của nhiều bộ, ngành trung ương, việc quản lý và sử dụng các nhà nghỉ, khách sạn trên cả nước của một số cấp công đoàn hay những vụ việc như xây dựng một trụ sở làm việc quá lớn rồi, cho tổ chức khác thuê đã và đang thách thức các cơ quan có trách nhiệm và người dân quan tâm về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Một điều đáng lưu ý là hầu hết số tiền thu được từ các hoạt động đem tài sản nhà nước đi liên doanh, cho thuê, kinh doanh đều không thu đầy đủ về NSNN đi kèm với nó là không ít những biểu hiệu tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết do phân chia lợi nhuận thu được…

- Việc quản lý nhà nước chuyên ngành về tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế, bị động và thiếu tính chuyên nghiệp. Tổ chức bộ máy quản lý tài sản nhà nước các cấp là bộ phận giúp chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước mặc dù đã được quy định nhưng việc triển khai trên thực tế còn rất chậm và thiếu triệt để; hệ thống thông tin trong phạm vi cả nước làm căn cứ để chỉ đạo công tác quản lý tài sản nhà nước rất thiếu và yếu.

- Mặc dù hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước từ đất và chi đầu tư vào đất đã hình thành nhưng tính đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ chưa cao, chưa phù hợp điều kiện thực tế; chưa trở thành công cụ sắc bén phục vụ công tác quản lý và sử dụng đất đai tiết kiệm và có hiệu quả. Chính sách về ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật về khuyến khích đầu tư, cho đối tượng chính sách cũng còn bất cập như: quy định ưu đãi trùng (vừa ưu đãi qua đơn giá vừa ưu đãi theo pháp luật đầu tư với cùng một tiêu chí về lĩnh vực hoặc địa bàn). Chính sách ưu đãi đầu tư về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật đầu tư tương đối bao quát và đầy đủ, tuy nhiên, trong từng lĩnh vực lại có những ưu đãi riêng cao hơn dẫn đến thiếu đồng bộ...

- Việc xử lý đối với các dự án đã được giao đất nhưng đến nay chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất rất phức tạp; do các dự án có quy mô lớn, công tác giải phóng mặt bằng qua nhiều năm, nay mới chính thức có quyết định giao đất hoặc bàn giao đất thực tế dẫn đến nếu phải xác định nghĩa vụ tài chính theo giá đất hiện nay thì số tiền phải nộp quá lớn vượt quá khả năng của DN, do nhiều dự án sau khi giải phóng mặt bằng đã thực hiện bán nhà, đất cho dân thông qua hợp đồng góp vốn... dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại.

- Việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai còn chưa thực sự hiệu quả, nhất là ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Qua khảo sát thì chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của DN hiện nay mới vào khoảng trên dưới 5% nên tình trạng giữ đất, để đất lãng phí ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế còn phổ biến.

- Phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai vẫn mang nặng tính hành chính, chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường. Mặc dù đã có sự đa dạng song cơ cấu các nguồn tài chính khai thác được từ đất đai còn chênh lệch lớn nếu so sánh quy mô các hình thức. Các hình thức tăng thu phù hợp với nguyên tắc thị trường như đấu giá, định giá còn chưa đạt hiệu quả rõ nét. Nguồn thu từ cho thuê đất tại các khu công nghiệp chưa hiệu quả. Nguồn chênh lệch giữa giá trị đất sau khi thực hiện kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp, giá cho thuê của các chủ đầu tư nước ngoài rất cao so với giá giao đất của Việt Nam song phía Việt Nam không thể điều tiết được khoản chênh lệch này làm thất thoát giá trị lớn nguồn lực tài chính từ đất đai.

Giải pháp phát huy nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản

Thứ nhất, để khắc phục tình trạng các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phân tán, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa bao quát hết các quan hệ về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hiệu lực pháp lý còn thấp thì cần điều chỉnh ngay cho phù hợp với thực tế. Cần quy định cụ thể đến mức tối đa những vấn đề đã có thể quy định cụ thể được, những quy định của các nghị định về vấn đề này đã được thực hiện và xét thấy còn phù hợp nên được luật hóa.

Thứ hai, để khắc phục được tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa thực sự quản lý, theo dõi sát được thực trạng và biến động của tài sản nhà nước trên thực tế hiện nay như thế nào để có biện pháp quản lý phù hợp. Đồng thời, quy định các cơ quan, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý và sử dụng tài sản phải thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình tài sản nhà nước trong phạm vi trách nhiệm của mình thì đề nghị nên bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc định kỳ báo cáo trước Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong phạm vi cả nước. Mặt khác, ủy ban nhân dân có trách nhiệm định kỳ báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp tình hình quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong phạm vi quản lý của mình. Hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cần được xác định là một trong những căn cứ để đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Thứ ba, nên quy định các nguyên tắc, tiêu chí và xác định khung giá trị tài sản để làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền có căn cứ để quyết định việc giao tài sản nhà nước cho các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp quản lý và sử dụng. Đồng thời, cũng nên xác định cơ chế và phương thức quản lý riêng đối với tài sản đã giao cho các tổ chức này. Bởi vì, tính chất, cơ chế và phương thức hoạt động của các tổ chức này rất khác với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, không thể và không nên đánh đồng như nhau. Đây cũng là yêu cầu để bảo đảm cho tài sản nhà nước được phân bổ và sử dụng hợp lý, đúng mục đích. Thiết nghĩ, đã là tài sản nhà nước – tài sản thuộc sở hữu toàn dân thì dù được giao cho cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào cũng phải nhằm để phục vụ cho lợi ích của nhân dân, không thể chỉ vì lợi ích cục bộ của cơ quan, tổ chức đó. Đất nước còn nghèo, đa phần nhân dân còn nghèo nên việc quản lý, sử dụng tài sản mà nhân dân giao cho phải hết sức tiết kiệm; kiên quyết chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản của nhà nước, của nhân dân để phục vụ cho lợi ích cục bộ, cá nhân.

Thứ tư, để khắc phục tình trạng sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ, lãng phí xảy ra ở các lĩnh vực, các cơ quan, tổ chức, cần xác định rõ các nguyên tắc, yêu cầu kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cũng như biện pháp chế tài mạnh đối với những hành vi vi phạm. Việc giao, cấp phát tài sản nhà nước cho các cơ quan, tổ chức cũng phải có kế hoạch, có tầm nhìn chiến lược, gắn với các kế hoạch, chiến lược kinh tế – xã hội và các chiến lược cải cách, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị. Cần kiên quyết đề ra lộ trình sớm chấn chỉnh tình trạng vi phạm hiện nay. Những trụ sở, đất đai, các cơ sở vật chất khác hiện không sử dụng hết cần kiên quyết điều chuyển, sắp xếp lại hoặc thu hồi; chấm dứt việc cho thuê (công khai hoặc núp dưới các hình thức khác) trụ sở, đất đai… Ngoài ra, các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải được xem xét, đối chiếu nhằm bảo đảm tính đồng bộ về nội dung với các luật khác có liên quan.

Những tồn tại và bất cập trên khiến nguồn lực tài chính từ đất đai bị thất thoát, lãng phí, thậm chí bị tham nhũng lớn. Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đề xuất bỏ khung giá đất. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ quy định giá đất theo giá thị trường, dựa trên các nguyên tắc do Chính phủ ban hành. Cùng với đó là một loạt các biện pháp được đưa ra để nguồn chênh lệch địa tô chảy vào quốc khố hạn chế tối đa, những hành vi tham nhũng thuế đất của người dân và doanh nhiệp, đồng thời, không để lãng phí nguồn lực tài chính lớn từ đất.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia;

2. Tờ trình số 74/TTr-CP ngày 05/10/2007 của Chính phủ về Dự án luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

3. Tổng kết công tác quản lý tài sản công 10 năm (1995-2005), Hà Nội, năm 2005.

4. Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, TSNN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 (Bộ Tài chính);

5. chinhphu.vn; mof.gov.vn; Vneconomy.vn; Thời báo kinh tế Sài gòn; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp…